"Soi" 9 trang kháng cáo của Sầm Đức Xương

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

Án sơ thẩm đã được tuyên, tuy nhiên một lần nữa vụ việc lại thu hút sự chú ý của công luận khi Sầm Đức Xương làm thủ tục kháng cáo. Lạ lùng hơn, chính vị luật sư bào chữa cho bị cáo, ông Dương Trí Tuệ lại đưa ra quan điểm: Sầm Đức Xương không nên kháng cáo.

Sầm Đức Xương: "Tòa đã không công bằng"

Chiều qua (28/3/2011), trả lời qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Toán (vợ ông Sầm Đức Xương) cho biết vừa gặp chồng vào ngày thứ 7 (26/3) vừa qua, biết ông Xương hiện khá yếu. Theo đúng quy định, ngày 25/3 là hạn cuối cùng để chồng bà gửi đơn kháng án. Ông Xương cho biết đã hoàn chỉnh đơn và nộp cho lãnh đạo trại tạm giam để chuyển tới TAND tỉnh Hà Giang theo đúng thẩm quyền.

Trong đơn kháng cáo dài 9 trang, bị cáo Xương cho rằng tòa án đã không công bằng khi chỉ xét xử một mình bị cáo trong khi nhiều người khác có hành vi tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn lại không bị truy tố.

Người nhà ông Xương cho biết, ông cũng sẽ không thuê luật sư bào chữa cho mình tại các phiên xử sắp tới.

Trả lời câu hỏi "Bà nghĩ sao về việc chồng mình kháng án", bà Toán cho biết việc này là do chồng bà quyết định, bà chỉ biết khi gặp chồng và được ông Xương thông báo là kháng cáo. Trả lời về việc bà có đồng tình ủng hộ chồng kháng cáo không, bà Toán cho rằng việc đó là do chồng bà. "Chồng tôi nói kháng cáo đến cùng, nhưng rồi chẳng biết sẽ đi đến đâu", bà Toán nói với giọng mệt mỏi. Liên quan đến việc bào chữa của luật sư Dương Trí Tuệ, bà Toán cho rằng "khi kết thúc xét xử sơ thẩm là coi như luật sư này hết nghĩa vụ với ông Xương".

Các bị cáo trong phiên xử sơ thẩm

Một trong những luật sư đã từng tham gia vụ án này là ông Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân thì có quan điểm ông Xương nên kháng cáo. Vẫn như những lần trả lời phỏng vấn báo chí trước đây, ông Triển cho rằng việc điều tra, xét xử trong phiên sơ thẩm còn lọt người, lọt tội. Ông Triển nêu chứng cứ: "Vụ việc bị phanh phui từ đơn khởi kiện của mẹ cháu T.K vào ngày 4/9/2009, nội dung đơn khởi kiện phản ánh "con tôi bị bạn bè rủ rê và có quan hệ tình dục với một số người lớn tuổi". Sở dĩ mẹ cháu T.K phát hiện điều đó là do các đối tượng sau khi quan hệ tình dục với cháu T.K đã cho cháu tiền để mua thuốc tránh thai, nhưng khi cháu mua về lại không biết sử dụng nên vứt ở bàn, mẹ cháu đã cầm thuốc đó ra trạm xá xã mới biết thuốc tránh thai và làm đơn khởi kiện, khi đó nhà trường mới có văn bản gửi cho công an thị trấn Việt Yên, từ đó công an thị trấn mới có văn bản gửi công an huyện Việt Yên điều tra".

Ông Triển nhấn mạnh: "Trong vụ án sau này, không thấy nói ai dẫn dắt cháu T.K, cũng không nói rõ ai đã quan hệ với cháu T.K, thế nhưng sau đó công an huyện Việt Yên lại gọi cháu Hằng, cháu Thúy, tạm giam Sầm Đức Xương... Nên xét xử lại vì còn bỏ lọt cháu bé có vỉ thuốc tránh thai".

Luật sư: "Đó là quyền của bị cáo"

Luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm thì lại có quan điểm khác về việc Sầm Đức Xương kháng cáo. Ông Phất cho rằng kháng cáo là quyền của bị cáo. Quyền này được pháp luật thừa nhận, nên một ai đó khi có phán quyết cấp sơ thẩm của một vụ án mà kháng án là điều hoàn toàn bình thường. Người ta kháng án có thể là do vì muốn được giảm nhẹ hình phạt, hoặc do nghĩ rằng có những người tương tự mình nhưng không bị đưa ra xét xử, chỉ mình mình bị đưa ra xét xử.

Bình luận về việc luật sư bào chữa cho bị cáo Sầm Đức Xương đã đưa ra quan điểm Sầm Đức Xương không nên kháng cáo, luật sư Phất cho rằng "Nếu thế thì luật sư đó cho rằng bản án đó đã thỏa đáng với ông Sầm Đức Xương". Ông Phất nói: "Bình thường, bản thân tôi với tư cách luật sư tôi cũng có thể khuyên người ta như thế, khi mà tôi nhận thấy bản án cơ bản đã phản ánh đúng rồi. Nếu có kháng án cũng không mang lại được điều gì nữa. Tuy nhiên, quyền quyết định vẫn là ở thân chủ".

Ông Phất "diễn nghĩa" câu nói của vợ Sầm Đức Xương như sau: "Khi kết thúc xét xử sơ thẩm là coi như luật sư này hết nghĩa vụ với ông Xương", có thể hiểu là hợp đồng của bị cáo Xương với luật sư có thể chỉ thỏa thuận bào chữa trong giai đoạn sơ thẩm thôi, thì kết thúc xét xử sơ thẩm coi như kết thúc mọi ràng buộc của luật sư và thân chủ. "Nói cách khác, ở đây bị cáo Xương và luật sư chỉ thỏa thuận bào chữa giai đoạn sơ thẩm thôi", ông Phất cho biết.

Bình luận về diễn biến điều tra, xét xử trong phiên thẩm, luật sư Phất thẳng thắn: "Tôi cho rằng nó thiếu khách quan. Ví dụ như án hành chính liên quan đến một cán bộ cấp huyện, đã không để cho cán bộ cấp huyện xử rồi. Vì nó có thể không khách quan, do toàn là những người thân quen nhau. Hay ví dụ một thẩm phán của một tỉnh vướng vào vòng lao lý, lại cũng chính thẩm phán của tỉnh đó lại xét xử vị thẩm phán kia thì cũng có đảm bảo tuyệt đối khách quan không?"

Đông Phương – Quang Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.