Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra tại 7 dự án BT (xây dựng – chuyển giao) về giao thông, môi trường của Hà Nội giai đoạn 2008 – 2012, bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Dự án Đầu tư xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài; Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Nam tỉnh Hà Tây; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương; Dự án Đầu tư xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; Dự án Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội.
Theo đó cơ quan này đã “phanh phui” hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của các dự án nói trên, gắn với tên tuổi của các "đại gia" Gamuda, Nam Cường, Tasco...
Chi 250 triệu đô nhưng không xử lý được nước thải
Dự án nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở (Hà Nội) do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư, là một dự án có giá trị hàng trăm triệu đô song được đánh giá là kém hiệu quả, sai phạm nhiều mặt, gây tổn thất hàng nghìn tỉ đồng.
Dự án này đã được triển khai trong khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng, thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở KHCN, chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
Việc này đã khiến cho các cơ quan chuyên môn không kịp thời tham mưu cho UBND TP.Hà Nội hướng dẫn nhà đầu tư xây dựng thiết kế và dự toán đảm bảo yêu cầu của hợp đồng và quy định pháp luật, không có quá trình kiểm tra giám sát của các bên dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần và xảy ra sai phạm.
Hậu quả là chất lượng nước thải sau xử lý không đảm bảo yêu cầu của hợp đồng BT, cho dù là trong điều kiện bình thường hay có bổ sung định lượng carbon. Toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu công viên Yên Sở, các khu đô thị C1, C2 (khoảng 10.000 m3/ ngày) không được Cty Gamuda tiến hành thu gom xử lý theo quy định.
Dự án bị kéo dài thêm 18 tháng làm tăng chi phí phát sinh ngoài hợp đồng, giá trị sau kiểm toán là hơn 11,5 triệu USD (gần 250 tỉ đồng). Giá trị thực hiện nạo vét được nhà đầu tư đề nghị quyết toán vào dự án là gần 10 triệu USD (gần 220 tỉ đồng) không có hồ sơ tài liệu được cơ quan Nhà nước thẩm tra, giám sát.
Nguyên nhân, trách nhiệm của những khoản phát sinh trên chưa được UBND TP.HN và các sở, ngành liên quan làm rõ để có cơ sở quyết toán.
Ngoài ra, dự án này còn làm phát sinh 10 khoản lãi vay sau ngày 8/11/2012 có giá trị hơn 1,3 triệu USD. Hơn 1 triệu USD chi phí phải trả cho các bên làm đại lý vay được chứng minh là không đủ cơ sở. Bên cạnh đó, một số chi phí trùng lắp như chi phí chuyển giao kỹ thuật 6 triệu USD, chi phí ủy thác dịch vụ hơn 3 triệu USD bị yêu cầu loại khỏi quyết toán…
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đã hoàn thành báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Báo cáo chỉ ra rằng hầu hết các chi phí đầu tư của dự án này đều có chênh lệch so với số liệu báo cáo của chủ đầu tư là Công ty Gamuda. Tổng số chi phí chênh lệch lên tới 147,8 triệu đô la và hơn 20,6 tỷ đồng.
Chỉ có 1/15 dự án được đấu thầu công khai
Ngoài sai phạm nói trên của nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, các dự án còn lại đều vi phạm quy định trong lập và phê duyệt dự án, công bố thông tin, lựa chọn nhà thầu, triển khai thi công, kiểm tra giám sát dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn đầu tư, gây tổn hại ngân sách.
Đến thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT về giao thông, môi trường của Hà Nội chỉ có 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, còn 14 dự án được UBND TP.HN chỉ định nhà thầu vì lý do dự án “cấp bách”, “cấp thiết” song không thực hiện đúng quy trình quy định và không có hồ sơ tài liệu chứng minh mức độ cấp bách, cấp thiết này.
Hậu quả là một số dự án đã được giao cho nhà thầu không đủ năng lực chuyên môn, tài chính như Cty CP Tasco đối với dự án đường L ê Đức Thọ - Xuân Phương.
Do năng lực yếu kém của chủ đầu tư, hầu hết các dự án bị chậm tiến độ và đội vốn. Cụ thể, dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương bị tăng giá trị gần 20 tỉ đồng, dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An làm sai tăng giá trị gần 28 tỉ đồng, dự án nút giao thông Long Biên sai từ khâu phê duyệt đến khâu giải phóng mặt bằng, tính toán số liệu khiến bị đội vốn hơn 50 tỉ đồng, dự án đường liên tỉnh Hà Nôi – Hưng Yên do tính toán sai định mức một số hạng mục cũng làm khai tăng tổng mức đầu tư hơn 14 tỉ đồng…
Đối với dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ, chỉ tính riêng việc thầm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỉ đồng không có cơ sở đã dẫn đến ký hợp đồng sai tăng 920 tỉ đồng. Việc UBND TP.HN và một số sở ngành liên quan buông lỏng quản lý đã khiến cho chủ đầu tư dự án này chiếm dụng ngân sách Nhà nước trong một thời gian dài đối với số tiền phải nộp ngay vào NSNN là hơn 500 tỉ đồng (tại thời điểm tháng 4.2008)
Thanh tra Chính phủ nhận định, để xảy ra các sai phạm này là do có sự “thiếu trách nhiệm”, “thiếu chặt chẽ” của UBND TP. Hà Nội, "có lỗi của UBND TP. Hà Nội giai đoạn trước năm 2012 trong cả hai vai trò là cấp quyết định đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội thực hiện việc xử lý trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành chức năng, các cơ quan quản lý hợp đồng BT và các tố chức, cá nhân thuộc UBND TP. Hà Nội, đã có khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra liên quan đến quá trình tham mưu, quản lý, giám sát, thực hiện hợp đồng các dự án nói trên.
Minh Minh