Xem bài Kỳ 1: Khám phá miền sông Mã: Bí ẩn từ nguồn gốc của tên gọi
Cuộc tranh luận chưa hồi kết
Nguồn gốc tên gọi của sông Mã từ xưa đến nay vốn đã gây rất nhiều tranh luận, tốn nhiều giấy mực. Bởi sông Mã bắt nguồn từ vùng núi của hai tỉnh Điện Biên, Sơn La, nhưng lại có một quãng dài “bôn ba” trên đất Lào trước khi trở lại Việt Nam ở cửa khẩu Tén Tằn (huyện Mường Lát, Thanh Hóa).
Suốt tổng chiều dài 512km, sông Mã chảy trên hai quốc gia, qua bốn vùng không gian văn hóa Thái, Lào, Mường, Kinh, nên mỗi nơi có một cách gọi tên cũng dễ hiểu. Cách lý giải quen thuộc và dễ hiểu nhất về sông Mã là của người Kinh vùng đồng bằng, cho rằng, do thượng nguồn sông có độ dốc lớn, chảy qua vùng địa hình đồi núi phức tạp, nên nước chảy rất mạnh. Đặc biệt vào mùa lũ, nước sông Mã ầm ầm đổ về như dáng ngựa phi. Và “ngựa” theo tên chữ là “Mã”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ, trong cuốn “Núi Rồng – Sông Mã”, kể về truyền thuyết xứ Thanh. Năm ấy, trời làm hạn hán, ông Vồm lên trời xin mưa. Ngọc Hoàng bận ngủ trưa, đuổi về. Ông Vồm bực quá, bèn cùng vợ bắt nhốt nàng tiên nữ đẹp nhất của Thiên đình khi nàng đang mải mê tắm táp. Giận dữ, Ngọc Hoàng sai các thần tướng xuống hạ giới trừng phạt. Các tướng Đại Bàng, Phượng Hoàng, Rồng Lửa đều bị ông Vồm đánh chết, hóa thành núi Bằng Trình, Ngũ Phụng, Hàm Rồng trên đồng bằng xứ Thanh. Biết không làm gì được, Ngọc Hoàng đành chịu nhún, sai thần Long Mã xuống làm sông cứu hạn cho dân. Thần chạy đến đâu, nước theo dấu chân tuôn ra đến đó. Vốn là bạn thân của Rồng Lửa, thần Long Mã lưu luyến chạy nhiều lần bên xác bạn, tạo nên thắng cảnh núi Rồng – sông Mã hiện nay. Sông Mã là sông do thần Long Mã tạo ra, một tên gọi với nhiều hình tượng đẹp.
Nhà thơ Nguyễn Duy lại có cách nhìn “thơ” hơn về tên gọi sông Mã. Ông cho rằng, phía thượng nguồn, bà con gọi là “sông Mạ”, theo tiếng Việt cổ còn lưu giữ ở miền Trung, nghĩa là sông Mẹ, sông Cái, sông Lớn... Điều này phù hợp với tầm vóc của sông Mã, không chỉ là sông lớn nhất xứ Thanh mà còn có vị trí đặc biệt quan trọng đối với lịch sử, văn hóa, xã hội của đất nước. Sông Mã còn tạo nên vùng đồng bằng châu thổ lớn thứ 3 cả nước, hội tụ đầy đủ sự màu mỡ, phì nhiêu cả về vật chất lẫn tinh thần.
Sông mang tên một loài cây rừng?
Người Thái cư trú lâu đời nơi đầu nguồn sông Mã (thuộc hai tỉnh Điện Biên và Sơn La), chủ nhân của tên gọi Nậm/Nặm Mã không lý giải nguồn gốc tên dòng sông như người xuôi. Có ý kiến dẫn lời người Thái ở xã Mường Lèo và một số xã khác thuộc huyện Sốp Cộp (Sơn La), cho rằng: Dòng suối chảy qua những triền bãi nhiều cây rau mạ (pháp/phắc mạ) nên có tên là Nậm Mạ, nghĩa là sông Cây rau mạ. Quan điểm này được bảo vệ bằng quy luật đặt tên sông suối hoặc các địa danh của người Thái cư trú trên khu vực Tây Bắc, khá phổ biến và thông dụng. Như sông Nậm Rốm ở tỉnh Điện Biên vốn chính xác phải đọc là Nậm Rôm (cây Lát), hồ Pa Khoang là hồ Pà Khoang (rừng trúc)... Đó là cơ sở vững chắc và phù hợp với địa văn hóa của vùng đất, tuy nhiên, tính chính xác trong trường hợp cụ thể của dòng sông Mã cần cân nhắc thêm.
Những ngày điền dã trên thượng nguồn, tôi ghi nhận một nhận định khác về nguồn gốc tên gọi sông Mã. Ngồi trên căn nhà sàn ngay bên bờ sông Mã, ông Hà Nam Ninh, thành viên của chương trình Thái học Việt Nam cho rằng: “Nếu gọi Nậm Mạ là sông Cây rau mạ thì rất khiên cưỡng, mà phải là sông Cây mạ. Chữ “Phắc” chỉ loài rau, vỏ cây, cùi của quả..., nhưng ở đây phải là chữ Co, chỉ cây thân gỗ. Đoạn thượng nguồn của Nậm Mạ chảy qua rất nhiều rừng cây Mạ, nên có tên là vậy. Hiện nay, tên vùng đất thuộc huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), là nơi sông Mã khởi nguồn, vẫn đang gọi là xã Co Mạ đấy thôi”.
Rồi nhà nghiên cứu văn hóa Thái chỉ vào món “chẻo tời” trên mâm rượu, nói: “Món này ngon miệng như mắm tôm của người xuôi, được làm bằng đỗ tời, đỗ tương đã luộc, trộn cùng lá mua, ủ cho lên men. Sau đó lại giã nhỏ, trộn ớt, gói lá dong bỏ lên gác bếp hong khô, ăn dần. Mùi nó thum thủm hơi khó ngửi, nhưng người Thái rất thích và nghiện ăn”.
Thấy tôi ngơ ngác, ông Ninh trở lại chủ đề chính: “Lá non của cây Co Mạ đem về ăn ghém với “chẻo tời” thì ngon tuyệt. Lá Co Mạ dài, khi non có màu tía. Hoa nó màu vàng, từng chùm như hoa bưởi, mấy hôm nữa sẽ nở vàng triền sông Mã. Kinh nghiệm của tôi thì người Thái đặt tên sông suối theo tên loài cây (co), chứ không phải loài rau (phắc). Nên, sông Mã có nguồn gốc từ cây Co Mạ, nghĩa là khởi thủy nó có tên: Nậm Mạ - Dòng sông Cây Mạ”.
(còn tiếp)
Lê Quân