Lạc vào địa đạo bát quái
Gặp PGS.TS Nguyễn Lân Cường, hỏi về mộ Hán tôi ngạc nhiên vì cách lý giải của ông khác một số chuyên gia khảo cổ. Ông cho rằng, mộ Hán là tên chỉ chung cho di tích mộ táng thời Đông Hán (năm 25-40), thời Tuỳ (603- 617), Đường (618-721). Khoảng thời gian này, tương ứng với thời kỳ Bắc thuộc, người Hán sang Việt Nam sinh sống. Khi qua đời kho xây những khu mộ táng thức theo phong tục của mình. Mộ Hán có cấu trúc hình chữ nhật hoặc hình chữ T, có "quách gạch" và vòm uốn cong. Quần thể mộ Hán được xây bằng gạch, một thường đơn táng nhưng cũng có trường hợp song táng. "Từ ngày đi khai quật mộ cổ đến nay, tôi chưa thấy mộ Hán nào còn xương cốt. Có lẽ do "quách gạch" nên hoá hết", ông Cường nói.
Nói về mộ cổ, di cốt là chạm vào tận đáy niềm đam mê của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, ông hồ hởi kể: Ngày ấy, đến Quảng Ninh, chúng tôi khám phá một ngôi mộ Hán. Một ngôi mộ rất lớn, được xây dựng trên một quả đồi. Mộ xây bằng gạch, với những cửa vòm nguy nga tráng lệ. Ngôi mộ này lớn lắm mà người trần có thể kéo cả dàn tên lửa vào trong đó. Lạc vào ngôi cổ mộ này, chúng tôi kinh ngạc vì sức sáng tạo của tiền nhân. Đường địa đạo vào mộ sau đó được chia làm nhiều ngách khác nhau kiểu như trận đồ bát quái. Chính vì vậy, nếu người không am hiểu bát quái, ngũ hành rất có thể bị lạc.
Sự nguy nga, tráng lệ của mộ Hán luôn hấp dẫn đối với những nhà khảo cổ và với những kẻ hiếu kỳ. Có lần, tôi đã được nghe ông Tăng Bá Hoành (nguyên giám đốc bảo tàng Hải Dương) kể về chuyện khám phá ngôi mộ Hán khổng lồ thời đầu Công nguyên ở xã Liên Hoà (Kim Thành - Hải Dương). Ngôi mộ ẩn mình dưới một gò đất, thực chất là một quả đồi cao tới ngọn tre. Ngày ấy, ông Hoành cùng một số cán bộ của bảo tàng, nhìn ngọn đồi nghĩ ngay mộ Hán. Thuê thanh niên đào theo những lỗ nhỏ, ông phát hiện những cửa vòm đi vào bên trong ngôi mộ cổ rất lớn. Thời kỳ phát hiện ra, ông Hoành biết đó là ngôi mộ có ý nghĩa lớn về khảo cổ, nó có tuổi khoảng 2000 năm. Ông đã nhờ tới lãnh đạo xã trông coi cẩn thận.
> Đọc thêm: Mai táng trinh nữ để trông coi mộ Hán (kỳ 1)
Quần thể mộ Hán 1800 năm tuổi.
Địa đạo ở đình Quán La (Hà Nội) cũng được xác nhận là mộ Hán. Hầm mộ này được đánh giá là tương đối lớn. Trong đó có nhiều ngăn gọi là nhĩ thất (chính là các ngách nhỏ đã mô tả) với kiến trúc cửa vòm cuốn. Gạch xây mộ là gạch có hoa văn trám và một số gạch không có hoa văn, gạch xây cuốn hình múi bưởi có hoa văn. Chủ nhân của khu mộ này là người có vai vế trong xã hội thời đó, ví như quan lại, quý tộc. Ngăn chính (Thất) là nơi để mộ phần chủ nhân, còn các ngăn ngách (Nhĩ thất) dùng để đựng đồ tuỳ táng giá trị. Tuy nhiên, hiện tại, không còn đồ vật cổ quý giá nào ở đây, chứng tỏ mộ đã bị giới lùng cổ vật hỏi thăm.
Từ lý giải của ông Cường và các nhà khảo cổ khác về mộ Hán khiến tôi chợt nhớ lại câu chuyện được huyền thoại hoá qua trí tưởng tượng của người trần gian. Một tốp trộm đột nhập vào khu mộ Hán của bậc quyền quý, với cơn khát tìm kho báu. Không biết có lời nguyền nào không, chỉ biết rằng nhóm trộm vào trong rồi không tìm được đường ra. Chúng loay hoay trong đó, lương ăn cạn, nước uống hết. Cái chết là kết cục cuối cùng của những tên trộm, những kẻ dám xâm phạm thánh địa của người chết. Những bộ xương khô dần cũng hoá hết, nhưng âm khí nặng nề được dựng dày thêm lên tạo ra một sự huyền bí, những lời nguyền đầy chết chóc.
Trong ngôi mộ Hán bao giờ cũng có những đồ tuỳ táng là vật dụng sinh hoạt của chủ nhân. GS. Đỗ Văn Ninh kể lại: Có lần tôi khai quật mộ Hán còn thấy cả những vật dụng của chủ nhân mộ đang dùng dang dở. Còn PGS.TS Nguyễn Lân Cường cũng khẳng định có một số vật dụng trong mộ cổ bằng vàng. Điều này luôn hấp dẫn những kẻ đột nhập vào mộ cổ, bất chấp lời nguyền, bỏ qua sự sống chết.
Tái hiện sự sống
Qua táng thức với người chết, các nhà nghiên cứu biết được cuộc sống trước đây của họ giàu nghèo ra sao. Bởi thế mới có những tin đồn người giàu khi chết chôn theo cả chục kg vàng. Nhưng thực tế khai quật những mộ Hán, các nhà khoa học rất hiếm gặp những cổ vật quý. Cũng có thể, những ngôi mộ cổ này đã từng bị đạo chích "hỏi thăm".
Sau các thời Tây Hán, Tuỳ, Đường ở Việt Nam nhiều công hầu cũng đã xây mộ cho mình theo nghi thức mộ táng của người Hán. Ông Cường cho rằng, chỉ có mộ của người Hán (Trung Quốc) chết chôn tại Việt Nam thì mới gọi là mộ Hán. Còn sau này, những mộ của công hầu, người Việt giàu có bắt chước cách táng thức ấy thì gọi là mộ gạch. Tuy nhiên, với nhiều nhà khảo cổ chỉ căn cứ vào táng thức giống mộ Hán thì những mộ sau này cũng gọi chung là mộ Hán.
GS. Đỗ Văn Ninh khi ấy đã yếu, trí nhớ cũng đã lộn xộn nhưng chuyện khai quật mộ cổ ông không thể quên. Nói đơn giản nó vừa là nghiệp vừa là niềm đam mê của những nhà khảo cổ luôn cháy hết mình cho công việc. Ông Ninh kể lại, những cuộc khai quật mộ cổ, mặc dù mộ đã bị kẻ trộm đào lên nhiều lần nhưng những đồ tuỳ táng còn sót lại đã giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu.
Đơn cử ngôi mộ cổ khai quật tại Nam Định, qua những gì còn lại, các nhà nghiên cứu biết đó là mộ của một Quận Công thời Lê có niên đại cách đây 400-500 năm. Khu mộ có các cửa vòm giống cách táng của mộ Hán, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã gọi đó là mộ hợp chất. Bởi trong ấy có quan tài đựng xác ướp. Còn mộ Hán, nói như ông Nguyễn Lân Cường thì chưa bao giờ tìm thấy hài cốt, không tìm thấy dấu tích quan tài. Ông Cường phán đoán, có thể người chết được đặt thẳng vào trong mộ. Với cách táng như vậy, lớp gạch đã tạo lỗ thoáng khí nên di hài không còn lưu lại.
Trái lại với mộ hợp chất, các nhà nghiên cứu đã thấy xác ướp. Cách đây 30 năm, ông Tăng Bá Hoành đã có nghiên cứu về một ngôi mộ cổ ở Ô Mễ. Ngôi mộ cổ được phát hiện do đội thuỷ lợi đào ở phía đông một gò đất cao 5m. Họ phát hiện mộ cổ, tự ý mở quan tài và lấy đi một số đồ tuỳ táng.
Di hài là một người đàn bà đẹp, ngoài 40 tuổi, cao 1m50, tóc đen dài 50cm, da trắng. Ngón tay thon dài, móng dài. Toàn thân được giữ nguyên vẹn không bị xây xát. Người đàn bà đẹp ấy, đội mũ kiểu khăn kết hình xoáy ốc, ngoài trùm một mũ vải mỏng. Mặt phủ một tấm khăn thêu văn mây, đầu gối trên một gối vải. Bên trong quan tài có độn lá chuối, bỏng rang và thóc rang. Cổ đeo tràng hạt màu đen trong đó có hạt màu đỏ, một hạt màu vàng, một hạt bằng cẩm thạch. Chuỗi hạt bị những người mở quan tài lấy đi, sau này chỉ thu về được 98 hạt, mất 10 hạt. Một số đồ tuỳ táng như váy áo vẫn còn. Từ cách trang phục, những di vật còn lại, các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm từ địa phương khẳng định đó là mộ của cung tần thứ ba của Vương Phủ (chúa Trịnh) thời Trịnh Tùng tên là Nguyễn Thị Ngọc Chén. Ngôi mộ cách ngày nay 350 năm.
Bí ẩn vẫn là… bí ẩn! Với mộ Hán, cuộc sống trên dương trần của chủ nhân như thế nào thì được tái hiện về cõi âm như vậy. Vì thế, người giàu xây mộ to nhiều đồ tuỳ táng, người nghèo mộ nhỏ đồ tuỳ táng ít hơn. Có những ngôi mộ Hán của bậc đế vương Trung Hoa người ta còn tìm thấy những toà ngang dãy dọc, những tượng đá tượng bày đặt như cuộc sống của chủ nhân. Tiếp tục gìn giữ phong tục ấy, người Hán giàu có sống trên đất Việt khi chết được táng cùng những vật dụng sinh hoạt để cuộc sống dưới âm đầy đủ như dương gian. Vì vậy, trong những ngõ ngách của mộ Hán, người ta cứ truyền nhau là có người sống được táng cùng chủ nhân để thành ma chăm sóc, canh giữ mộ phần. Thực hư chuyện này đến nay vẫn là bí ẩn. Vẫn có nhiều cách lý giải về người sống táng cùng chủ nhân của mộ Hán. |
Minh Khánh
Kỳ 3: Ly kỳ chuyện "người sống" 500 tuổi