Vì sao hàng chục bác sĩ trốn vào toilet khi bị kiểm tra?

Vì sao hàng chục bác sĩ trốn vào toilet khi bị kiểm tra?

Thứ 7, 07/09/2013 11:17

Vụ hàng chục "bác sỹ" Trung Quốc tại phòng khám Apollo leo lên trần nhà, nấp trong toilet trốn đoàn kiểm tra của sở Y tế TP.HCM là chuyện chưa từng có tại TP.HCM cũng như trên cả nước.

Bác sỹ ngoại thuê chứng chỉ bác sỹ nội?

Liên quan đến những sai phạm của phòng khám này, những ngày qua, báo Người đưa tin nhận được thêm đơn thư tố cáo về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng khác xảy ra tại phòng khám này.

Ngày 29/8/2013, Thanh tra sở Y tế TP.HCM cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra phòng khám Apollo (đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM). Tại đây, nhiều "bác sỹ" người Trung Quốc hoạt động khám chữa bệnh không phép đã nháo nhào trốn chạy. Nhiều người nhanh chóng cởi áo bác sỹ, trà trộn vào những bệnh nhân đang khám bệnh ở đây để qua mặt các cơ quan chức năng, một số người leo lên trần nhà, nấp trong toilet...

Thông tin từ Thanh tra sở Y tế TP.HCM, phòng khám Apollo được sở Y tế TP.HCM cấp phép, do một bác sỹ người Việt Nam đứng tên và không đăng ký bác sỹ người nước ngoài khám bệnh. Phòng khám này cũng được xác định là đã vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, như không được phép điều trị bệnh vô sinh, bệnh yếu sinh lý...

Là người dám lên tiếng tố cáo những sai phạm của phòng khám Apollo, chị N.M.H. (27 tuổi, một nhân viên từng làm việc tại phòng khám này) cho biết: "Phòng khám Apollo đang thực hiện việc khám chữa bệnh vượt quá chuyên môn cho phép, cố tình làm trái quy định của bộ Y tế về khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Trong đó, có nhiều trường hợp sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là việc tiến hành phá thai cho nhiều thai phụ khi thai đã quá bốn tháng tuổi. Có không ít trường hợp thai phụ đã mang thai đến tháng thứ 7, nhưng lãnh đạo phòng khám vẫn tiến hành phẫu thuật hoặc tiêm thuốc kích thích để tống thai nhi ra ngoài".

Xã hội - Vì sao hàng chục bác sĩ trốn vào toilet khi bị kiểm tra?

Phòng khám Apollo đã tạm ngưng hoạt động.

Thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng

Theo chị H., điều đáng nói là, trong rất nhiều hồ sơ bệnh án của các thai phụ này đều chỉ ghi là sinh non, mà không ghi cụ thể số tuần thai để qua mặt các cơ quan chuyên môn nếu không may bị thanh kiểm tra. Có rất nhiều cô gái trẻ đến phòng khám Apollo để phá thai khi thai đã qua bốn tháng tuổi. Vì nhu cầu của các thai phụ và chạy theo lợi nhuận, phòng khám này coi thường mạng sống và sức khỏe sinh sản của nhiều người. Những thai nhi sau khi bị phá bỏ, phần ít được các bà mẹ đưa về an táng. Còn những người không muốn nhận con mình, họ sẽ phải bỏ lại 300 ngàn đồng để nhân viên phòng khám đưa thai nhi đi khỏi phòng khám, nhưng họ đưa đi đâu, làm gì với những sinh linh vô tội đó thì đến nay vẫn chưa có cơ quan nào biết được. Đây là một việc làm sai trái, cần thiết phải xử lý nghiêm.

Nhìn tổng thể, phòng khám này khá sạch sẽ, được trang bị một vài máy móc hiện đại, nhưng một vài máy móc trong số đó không hoạt động. Tuy nhiên, theo lời kể của các nhân viên từng làm việc tại đây, không ít những trường hợp bệnh nhân được đưa vào nằm điều trị tại các máy móc này nhưng bệnh viện không cho bật máy. Nghĩa là bệnh nhân vẫn được nằm để các máy móc đó điều trị nhưng thực chất là máy không hoạt động. Và tất nhiên, người bệnh vẫn phải trả phí cho những dịch vụ kể trên.

Trao đổi với PV, anh N.M.V. (45 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết: "Phòng khám Apollo trả phí cho rất nhiều nhà đài để được quảng cáo, nhiều nhà đài của các tỉnh lân cận cho phát sóng chương trình quảng cáo của phòng khám này vào những giờ có đông người theo dõi các chương trình truyền hình. Do đó, hiệu ứng truyền thông là rất lớn. Điều khiến người bệnh như tôi từng phải méo mặt, trước khi đến khám tại phòng khám, tôi đã điện thoại để được tư vấn trước về giá cả và cách thức điều trị. Các nhân viên tư vấn ở đây đưa ra một một giá khá thấp cùng lời cam kết sẽ chữa khỏi. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh, ngoài được điều trị bệnh, bệnh nhân còn được tư vấn về rất nhiều các dịch vụ khác liên quan, mà theo lời của các tư vấn viên thì phải sử dụng dịch vụ đó nếu muốn khỏi dứt điểm hoặc khỏi nhanh, thậm chí có thể về trong ngày mà không phải tái khám. Tất nhiên, số tiền mà các bệnh nhân phải trả cho việc điều trị bệnh và các dịch vụ làm thêm sẽ cao hơn rất nhiều so với cái giá mà các tư vấn viên đưa ra ban đầu. Vì thế, phòng khám này đã thu về lợi nhuận rất cao".

Trong quá trình điều trị, có nhiều bác sỹ người Trung Quốc trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Bệnh nhân đến khám chữa bệnh thấy bác sỹ người nước ngoài khám bệnh đã được các cơ quan chức năng cấp phép, nhưng thực ra, tất cả các bác sỹ này đang hành nghề chui. Những "bác sỹ" này đang được nhiều bác sỹ người Việt Nam cho thuê bằng, những cái tên đăng ký tại cơ quan chức năng chỉ là trên danh nghĩa. Thực tế là không có bất cứ một bác sỹ nào của Việt Nam có tên trong danh sách đăng ký khám chữa bệnh đang làm việc tại phòng khám Apollo.

 Có hay không sự "liên kết" giữa phòng khám với chính quyền sở tại!?

Lý giải cho việc tại sao phòng khám có nhiều "bác sỹ" người Trung Quốc hành nghề chui trong một thời gian dài lại không bị một cơ quan chức năng nào phát hiện, một nhân viên của phòng khám này cho hay: "Tôi nghi ngờ có một sự móc nối nào đó giữa phòng khám này với chính quyền địa phương. Lý do là thường trước khi bị đoàn thanh tra nào kiểm tra, hầu như toàn thể nhân viên ở đây đều được thông báo trước. Khi thấy đoàn thanh tra đến, sẽ có một hồi chuông để các "bác sỹ" người Trung Quốc lẩn trốn. Cùng lúc đó, nhân viên phòng khám sẽ gọi điện ngay cho các bác sỹ người Việt, đang đứng tên trong danh sách bác sỹ khám chữa bệnh đến phòng khám để đối phó với đoàn kiểm tra.

Nhân viên này cho biết thêm: "Vì được chuẩn bị trước các phương án đối phó nên các đoàn thanh, kiểm tra rất khó để phát hiện được trực tiếp các sai phạm để xử phạt. Khi có đoàn thanh tra vào, nhiều loại máy móc được treo biển tạm ngưng hoạt động (trước đó, những máy móc này vẫn "hoạt động bình thường"). Vì là kiểm tra sơ sài, nên không thể phát hiện được các bác sỹ nước ngoài không có giấy phép hành nghề đang làm việc ở đây. Chỉ đến khi có sự phối hợp liên ngành của sở Y tế TP.HCM với các cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra bất ngờ, kỹ càng thì sự thật về phòng khám này mới dần hé lộ".

Theo tìm hiểu của PV, để ngụy trang cho những loại thuốc mà phòng khám Apollo sử dụng để cấp cho người bệnh, trong các tủ thuốc, nhìn bên ngoài vào chỉ thấy các loại thuốc có tên và nguồn gốc ở Việt Nam. Còn phía sau các các loại thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là nhan nhản những loại thuốc có chữ Trung Quốc, mà khi đoàn thanh, kiểm tra thì phòng khám vẫn chưa xuất trình được nguồn gốc các loại thuốc này. Ngoài ra, dưới nền nhà có nhiều hộp thuốc có chữ Trung Quốc không rõ nguồn gốc, mà theo nhân viên ở đây là để "dự trữ", cấp dần cho bệnh nhân. Những loại thuốc này không dám chưng lên tủ một cách công khai, bởi sẽ rất dễ bị phát hiện nếu có đoàn thanh tra bất ngờ của các cơ quan chức năng.

Phòng khám này cũng đã từng bị xử phạt với số tiền 44,5 triệu đồng về quảng cáo không đúng quy định, hoạt động quá phạm vi chuyên môn, không niêm yết giá, hồ sơ bệnh án bệnh nhân không đầy đủ. Nhưng theo tìm hiểu của nhiều người, còn số này là quá nhỏ, và dù có xử phạt nhiều lần nữa, với mức xử phạt cao hơn cũng không là gì so với lợi nhuận mà phòng khám này thu về hàng ngày. Chính vì thế, phòng khám này vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức các cơ quan chức năng.                                   

Có thể tước giấy phép hành nghề của phòng khám Apollo

Trao đổi với chúng tôi về những sai phạm tại phòng khám Apollo, đại diện sở Y tế TP.HCM cho biết, các bác sỹ người Trung Quốc hành nghề tại đây không xin phép nên rất khó để kiểm soát. Phòng khám được một bác sỹ người Việt Nam đứng tên, nên việc cấp phép cho phòng khám này hoạt động là đúng quy định. Trong thời gian tới, sở Y tế TP sẽ làm rõ những bác sỹ Việt Nam nào đứng tên phòng khám, bác sỹ nào cho thuê mướn chứng chỉ hành nghề để đưa ra hình thức xử lý. Xử phạt phòng khám này về các hành vi sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, khám chữa bệnh vượt quá chuyên môn cho phép. Ngoài ra, sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành làm rõ các dấu hiệu nghi ngờ có sai phạm khác để tiến hành xử lý. Chỉ cần với những sai phạm hiện tại, sở Y tế cũng có thể tước giấy phép hành nghề của phòng khám này.

CÔNG THƯ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.