Giá trị biểu tượng lớn
Theo Chuẩn đô đốc Ajit Kumar - chỉ huy hạm đội Viễn Đông, bốn chiến hạm Ấn Độ sẽ được triển khai và ghé thăm các cảng ở Malaysia, Việt Nam và Philippines (các nước có chủ quyền trên Biển Đông) và vùng biển Tây Thái Bình Dương đến cuối tháng 6 tới. Chuyến đi này sẽ góp phần tăng cường quan hệ quân sự giữa New Delhi với các nước trong khu vực. Ngoài ra, chiến dịch này cũng nhằm giới thiệu sức mạnh hải quân của Ấn Độ.
Khu trục hạm tàng hình INS Satpura của Ấn Độ.
Năm ngoái, hải quân Ấn Độ đã thực hiện một hải trình tương tự năm nay nhưng theo tiến sĩ Subhash Kapila (Ấn Độ), hải trình năm nay lại mang một giá trị biểu tượng lớn bởi ba nước mà hạm đội ghé thăm lần này hiện đang có căng thẳng về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Tiến sĩ cho hay, vài năm qua, tàu hải quân Ấn Độ đã nhiều lần thực hiện nhiều cuộc hải trình và tập trận chung với hải quân các nước Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Cuối tháng 5 vừa rồi, trên đường tới Biển Đông, bốn chiến hạm đã có cuộc tập trận hải quân chung với hải quân Singapore ở eo biển Malacca.
Hơn nữa, hải trình này được thực hiện ngay sau chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Hải trình lần này của hạm đội cũng đúng vào thời điểm Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh công du Nhật Bản và Thái Lan, trong đó, Ấn Độ thăm Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Đây cũng là thời điểm căng thẳng giữa Nhật và Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trước đó, trong cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã ký vào bản Tuyên bố chung: "Châu Á Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu. Ưu tiên hiện nay là thiết lập một khung an ninh và hợp tác mở, minh bạch, công bằng và trọn vẹn, dựa trên sự tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế". Bởi vậy, hải trình lần này của hạm đội chiến thuyền của Ấn Độ cũng đã tạo không ít áp lực cho phía Trung Quốc trong việc "khẳng định chủ quyền trên Biển Đông".
Cũng theo tiến sĩ Subhash Kapila, Ấn Độ là một nước có quyền lợi lớn trên Biển Đông nhưng hiện nay quyền lợi đó đang bị “lung lay” trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những động thái gây hấn từ Biển Đông tới Ladakh, thuộc dãy núi Himalaya. Vì thế, Ấn Độ cần phải vững vàng và sát cánh chiến lược với các nước đang bị Trung Quốc "bắt nạt" về mặt chính trị cũng như quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony.
Nhịp cầu vững chắc về an ninh trên biển
Theo tờ Times of India, Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ bền vững với các quốc gia như Việt Nam hay Nhật Bản, tạo thành "nhịp cầu vững chắc về mặt an ninh trên biển", đối kháng lại với chiến lược "chuỗi ngọc trai" mà Trung Quốc đang tích cực triển khai tại Ấn Độ Dương nhằm giảm bớt ảnh hưởng của New Delhi trong khu vực.
Giới phân tích cho hay, thực tế, thời gian qua, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định mối quan tâm của Ấn Độ đối với Biển Đông, nhất là sau các sự cố tàu Trung Quốc hù dọa các chiến hạm Ấn Độ và ngư thuyền các nước trong khu vực tại Biển Đông, hay yêu sách buộc New Delhi chấm dứt hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đã từng tỏ ý quan ngại trước các động thái lấn tới của Trung Quốc tại Biển Đông và nhắc lại lập trường của Ấn Độ là muốn các bên tôn trọng tự do hàng hải trong khu vực theo đúng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Ông còn nhấn mạnh, mặc dù Ấn Độ không có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng Ấn Độ có quyền lợi thương mại lớn trong vùng và các tuyến hàng hải, nên Ấn Độ cần bảo vệ quyền lợi đó của mình. Do đó, Ấn Độ sẽ không chỉ giám sát tuyến đường biển, đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương mà sẽ còn sẵn sàng vươn xa hơn nữa để bảo vệ lợi ích của mình.
Giới phân tích cho rằng, những quan điểm trên của ông Antony không phải là mới trong thời điểm này. Tuy nhiên, quan điểm này của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - một người nổi tiếng thận trọng với lời lẽ từ tốn thì lời nhắc nhở trên của ông Antony là một thông điệp mang nhiều ẩn ý hướng đến những động thái hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Từ lâu, Ấn Độ đã theo dõi sát sao diễn biến các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng bởi Ấn Độ có một mối lo ngại sâu sắc về việc sau Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc sẽ "nhòm ngó" đến Ấn Độ Dương. Cảm nhận được mối đe dọa từ Trung Quốc, Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình tư thế để có thể đối đầu với Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc Ấn Độ tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ quyền lợi của mình là điều dễ hiểu và hoàn toàn có thể chấp nhận. Bằng việc đẩy mạnh hoạt động tự chế tạo vũ khí hiện đại đồng thời là cường quốc nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, sức mạnh quân sự của Ấn Độ được đánh giá không thua kém và thậm chí có thể vượt qua được Trung Quốc. Và càng ngày Ấn Độ càng được coi như một lực đối trọng với sức mạnh quân sự và chính sách bành trướng của Trung Quốc.
Sức mạnh hải quân Ấn Độ Đội chiến hạm đến hoạt động tại Biển Đông lần này đặc biệt bao gồm chiếc INS Satpura - khu trục hạm tàng hình mới vừa được hải quân Ấn Độ tiếp nhận - cùng với chiếc INS Ranvijay, tàu khu trục lớp Rajput, hộ tống hạm INS Kirch và tàu tiếp liệu INS Shakti. Toàn bộ thủy thủ đoàn trên bốn chiếc tàu nằm dưới sự chỉ huy của Chuẩn đô đốc Ajit Kumar. Hai chiếc Satpura và Kirch đến từ Singapore sau khi tham gia cuộc triển lãm quốc tế về quốc phòng hàng hải và cuộc diễn tập hải quân song phương Singapore - Ấn Độ. Riêng hai chiếc Ranvijay và Shakti khởi hành từ Port Blair, Ấn Độ. |
An Mai (Theo Eurasia Review, News Strait Times, AFP)