Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng trước hết, do mặt bằng giá vẫn ở mức cao. So với năm 2011, mặt bằng giá cả cao hơn gấp 1,5-2 lần trong khi đó thu nhập thực tế của người dân không tăng. Việc liên tục tăng giá các chi phí đầu vào như điện nước, xăng dầu, gas, viện phí... làm san sẻ sức mua, khiến cho người dân phải điều tiết chi tiêu và ăn uống hàng ngày. Bên cạnh đó, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, đình trệ sản xuất đã khiến hàng vạn người thất nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
Theo chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tất cả những yếu tố trên khiến doanh số các siêu thị giảm từ 10-15%. Doanh số bán lẻ 8 tháng loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6%, trong khi mọi năm tăng khoảng 10-12%. Mặc dù lạm phát tháng 8 dương nhưng vẫn ở mức thấp. Tám tháng đầu năm CPI mới chỉ tăng 2,86%. Lạm phát thấp hơn GDP khoảng 1-2% thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới bình thường được.
Ông Phú lý giải, trong bối cảnh sức mua suy giảm, bản thân các siêu thị cũng như các doanh nghiệp không muốn tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, các sản phẩm nguyên nhiên liệu đầu vào như giá xăng, giá gas tăng giá buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng nếu muốn tiếp tục tham gia "cuộc chơi". Nếu không tăng giá, họ sẽ phá sản hàng loạt. Và khi các doanh nghiệp đã tăng giá thì ngoài thị trường tiểu thương cũng "té nước theo mưa" là lẽ đương nhiên. Chính vì thế, người tiêu dùng cũng không thể trách doanh nghiệp được. Sức mua của người tiêu dùng tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian qua cũng bắt nguồn từ nguyên do đó.
Tuy nhiên, ông Phú cũng khẳng định, sau khi giá xăng dầu liên tục tăng giá, một số siêu thị đã chủ động gửi công văn đề nghị không tăng giá cho các nhà cung cấp. Mục đích là để giữ sức mua và yêu cầu phía nhà sản xuất tiếp tục chia khó, giảm lãi. Trong công văn đó, một số siêu thị còn khẳng định rõ quan điểm rằng nếu nhà sản xuất nào tăng giá sẽ tìm nhà cung cấp mới thay thế.
Doanh nghiệp "đói" vẫn không dám "làm liều" Thực tế, theo tìm hiểu của PV, bản thân các doanh nghiệp cũng không dám "làm liều". Dù giá cả đầu vào đều tăng nhưng nhiều siêu thị vẫn "bấm bụng" giữ giá để đẩy mạnh sức mua. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn chấp nhận bù lỗ để kích cầu tiêu dùng. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại siêu thị Big C khẳng định: "Đây là thời điểm tương đối nhạy cảm. Vì sức mua yếu nên các nhà cung cấp phải xem xét rất kỹ vấn đề tăng giá. Tôi đang triển khai đồng loạt nhiều chương trình khuyến mãi nên đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu người dân. Theo đó, nhiều mặt hàng sẽ có giá ổn định cho đến hết năm". |
Hạnh Văn