Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân

Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân

Thứ 6, 28/12/2012 00:04

Mới 3 tuổi, Tiến Hồng Diễm đã bị một tai nạn ôtô khủng khiếp vĩnh viễn cướp đi đôi chân. Do gia cảnh quá nghèo, cha mẹ cô bé không có đủ tiền để lắp cho cô con gái một đôi chân giả, vì thế, các bác sĩ đã phải dùng nửa quả bóng rổ để thay thế đôi chân cô bé.

Đó là vào ngày 21/11/2000, khi đó cô bé Tiến Hồng Diễm, thuộc huyện Lục Lương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc mới được 3 tuổi, em cùng với mấy đứa trẻ nữa đi tìm nơi mẹ làm việc vì mẹ đang giữ chìa khóa nhà. Khi Tiến Hồng Diễm đang băng qua đường thì bất ngờ một chiếc ôtô lớn lao tới, đâm thẳng vào người em. Khi cô bé tỉnh lại thì thấy mình đã nằm ở một nơi rất lạ, chắc chắn đó không phải là nhà mình.

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân

Hồng Diễm nhớ lại: "Toàn bộ vật dụng ở đó đều màu trắng, tấm ga trải giường, bức rèm cửa sổ và cả căn phòng… Tất cả đều là màu trắng và hoàn toàn xa lạ". Lúc đó, mẹ đang ngồi cạnh Hồng Diễm, và cô bé đã nói với mẹ rằng: "Mẹ hãy mang giày vào cho con, chúng ta về nhà thôi". Người mẹ không trả lời, bà chỉ ôm Hồng Diễm mà khóc, nước mắt rơi lã chã xuống ướt cả mặt cô bé. Thì ra, từ bây giờ, cuộc sống của Hồng Diễm không cần phải mang giày nữa, cũng không cần phải đi tất hay mặc quần.

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 2).

Tai nạn ôtô đã cướp đi của Hồng Diễm đôi chân vĩnh viễn. Nhưng nỗi đau của cha mẹ em còn lớn hơn khi họ nghèo đến mức không thể có đủ tiền để lắp cho em một đôi chân giả. Các bác sĩ buộc phải gắn cho em một nửa quả bóng rổ vào phần dưới cơ thể, thay vào nơi đôi chân bị khuyết. Những ngày sau đó, cuộc sống của Tiến Hồng Diễm thật khó khăn bởi em không còn đôi chân bé nhỏ để chạy nhảy, vui đùa như bao đứa trẻ khác. Tiến Hồng Diễm lại bắt đầu chuỗi ngày tập đi, nhưng không phải với một đôi chân, mà em tập đi bằng tay. Đôi tay bé nhỏ cầm hai tấm gỗ chắc chắn cùng với cái "chân bóng rổ", em cố gắng tự nâng mình lên và "đi" từng bước một trước sự động viên, khích lệ của cha mẹ.

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 3).

Cuối cùng, nỗ lực của em đã được đền đáp, em đã có thể tự mình đi lại được thay vì mọi người luôn nghĩ Tiến Hồng Diễm sẽ không bao giờ có thể đến trường học như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng đến năm 2005, em quyết định xin cha mẹ cho đi học, em muốn được cắp sách đến trường dù phải tự đi bằng đôi bàn tay. Và em đã làm được điều đó để chứng minh cho cha mẹ và mọi người thấy lòng quyết tâm của mình.

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 4).

Ngày 31/5/2005, Tiến Hồng Diễm vô cùng hạnh phúc khi được cùng bạn bè ngồi trong một lớp học tại làng Zhuangxia thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để tham dự buổi học đầu tiên của mình. Từ khi được đi học, cô bé đã rất chăm chỉ, luôn luôn chú ý lắng nghe lời thầy cô giảng bài. Và mặc dù việc đi lại của em gặp rất nhiều khó khăn, em chưa từng bỏ một buổi học nào.

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 5).

Khi thế vận hội các môn thể thao thuộc môn nghệ thuật thứ bảy được tổ chức tại Côn Minh, Trung Quốc vào tháng 5/2007 như là một cơ hội của Tiến Hồng Diễm. Hồng Diễm vốn là một cô bé rất ham mê thể thao, qua truyền hình, em đã xem tất cả các cuộc thi đấu của những vận động viên khuyết tật mỗi ngày và em đã rất cảm động về những gì mà họ làm được. Cuộc đời của cô bé bắt đầu có sự thay đổi lớn lao từ đây. Cô bé đã quyết định sẽ xin tham gia câu lạc bộ bơi lội đặc biệt dành cho người khuyết tật.

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 6).

Tiến Hồng Diễm cùng với cha mẹ của em đã đi tham khảo ý kiến của ông Trương Hồng Hồ, một huấn luyện viên được nhiều người biết đến vì thành tích huấn luyện rất nhiều vận động viên khuyết tật nổi tiếng, về các cơ hội cũng như thách thức dành cho Tiến Hồng Diễm khi cô bé tham gia vào khóa huấn luyện tại câu lạc bộ bơi lội này. Được sự chấp nhận của vị huấn luyện viên danh tiếng này, Tiến Hồng Diễm đã chính thức tham gia câu lạc bộ sau đó ít lâu với mong muốn trở thành một vận động viên chuyên nghiệp. Lúc này cô bé mới chỉ 10 tuổi.

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 7).

Thực ra, ngay từ đầu, ông Trương Hồng Hồ không quan tâm đến Tiến Hồng Diễm nhiều lắm. Ông nói: "Những khả năng của cá nhân là rất quan trọng trong việc lựa chọn một cầu thủ. Tiến Hồng Diễm không có chân, điều đó giống như một con tàu không có bánh lái. Làm sao con tàu đó có thể vận hành tốt khi nó thiếu mất một bộ phận quan trọng như vậy". Tuy nhiên, chính ông cũng phải "mủi lòng" trước thái độ tự tin và lòng quyết tâm của cô bé. Cuối cùng, ông đã gật đầu đồng ý cho cô bé một cơ hội thử sức. Những ngày đầu thực sự là khó khăn đối với Tiến Hồng Diễm. Lý Khắc Cường, một huấn luyện viên khác của cô bé cho biết: "Khi mới gia nhập câu lạc bộ, cô bé rất ít nói và sống hướng nội, nhưng đến nay, cô bé trở nên rất vui vẻ, hoạt bát và cởi mở".

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 8).

Kể từ khi trở thành một vận động viên trong câu lạc bộ bơi lội, Tiến Hồng Diễm luôn luôn cố gắng hết mình để tập luyện, mặc dù ban đầu em gặp vô vàn những khó khăn. Vì không có chân, nên việc giữ thăng bằng dưới nước là rất khó, huấn luyện viên của cô bé đã phải lên một bài tập đặc biệt để giúp cô học cách cân bằng vai khi bơi. Cô bé phải tập luyện rất nhiều theo một chương trình chuyên nghiệp: Tập thể dục và bơi 2.000m mỗi ngày.

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 9).

Huấn luyện viên Trương nói: "Tiến Hồng Diễm là một cô bé cứng rắn và đầy nghị lực. Em chưa bao giờ kêu ca về điều kiện luyện tập khắc nghiệt, mặc dù ban đầu em phải đối mặt với rất nhiều khó khăn". Cô bé Tiến Hồng Diễm có một ước mơ cháy bỏng, đó là được thay mặt người Trung Quốc tham dự giải Paralympics game - Thế vận hội dành cho người khuyết tật sẽ được tổ chức vào năm 2012 tại London, em muốn trở thành nhà vô địch thế giới, đó cũng chính là lý do cho mọi nỗ lực của cô bé. Tiến Hồng Diễm chia sẻ: "Nếu em có thể đạt huy chương vàng, cha mẹ em sẽ rất vui mừng và tự hào về em".

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 10).

Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và những người tốt bụng, Tiến Hồng Diễm đã được các bác sĩ tạo cho một đôi chân giả phù hợp để em tiện đi lại. Nhưng em vẫn thích đi bằng quả bóng rổ, thỉnh thoảng em vẫn dùng nó như em đã từng dùng trong nhiều năm nay. Cho đến nay, em đã "đi" mòn 6 quả bóng rổ. Em nói: "Quả bóng giúp em ra, vào bể bơi dễ hàng hơn là đôi chân giả".

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 11).

Tiến Hồng Diễm tập luyện rất chăm chỉ và nghiêm túc. Sau một thời gian ngắn, chính huấn luyện viên của cô bé, ông Trương Hồng Hồ đã phải ngạc nhiên thốt lên: "Cô bé đúng là có năng khiếu bơi lội". Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng: "Tiến Hồng Diễm bơi lội rất tốt, nhưng nếu thiếu kiên trì, cô bé sẽ nhanh chóng nhàm chán vì những bài tập lặp đi lặp lại mỗi ngày và sẽ chiếm của cô bé rất nhiều thời gian". Tất nhiên điều lo ngại của huấn luyện viên Trương đã nhanh chóng được gạt bỏ khi thành tích tập luyện của Tiến Hồng Diễm ngày một khá. Không lâu sau đó, ông đã phải nhận định lại: "Có thể tôi không dám đảm bảo cô bé sẽ trở thành vô địch thế giới, nhưng tôi có thể nói rằng cô bé chắc chắn là một vận động viên bơi lội đầy hứa hẹn. Mặc dù vậy, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là đào tạo cho những vận động viên khuyết tật có một thái độ tích cực trong cuộc sống".

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 12).

Huấn luyện viên Lý Khắc Cường nói thêm: "Tiến Hồng Diễm hầu như dành tất cả thời gian của mình để tập bơi. Chúng tôi cũng luôn cố gắng để không phá hỏng lòng quyết tâm và sự tự tin của cô bé". Ông Lý Khắc Cường là người hiểu Tiến Hồng Diễm hơn ai hết, bởi ông cũng từng là một vận động viên khuyết tật. Tuy ông đã bị mất đi một cánh tay nhưng ông vẫn đoạt cả Huy chương bạc và đồng cho Trung Quốc tại Athens.

Nghe/Xem - Sức sống mãnh liệt của cô bé không chân (Hình 13).

Hiện nay, Tiến Hồng Diễm và các huấn luyện viên của cô bé đang tập luyện tích cực để giúp em có thể biến ước mơ thành hiện thực. Tuy số phận bất hạnh xảy đến quá sớm với em, nhưng điều đó không làm cho em gục ngã. Giờ đây, người ta luôn thấy một cô bé Tiến Hồng Diễm tươi tắn, dễ thương với nụ cười luôn thường trực trên môi em. Như ông Trương Hồng Hồ đã nói: "Thực sự là môn thể thao bơi lội đã đem đến cho Tiến Hồng Diễm một niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống này. Cô bé sẽ trở thành một vận động viên xuất sắc so với những vận động viên bơi lội cùng lứa tuổi ở kỳ Paralympics tới và sẽ dễ dàng để cô bé lọt vào top 10 của thế giới về lĩnh vực này".

Minh Khuê (Tổng hợp)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.