Mối nguy hiểm của những kẻ bị dồn đến chân tường
Tờ Sputnik dẫn lời phát ngôn viên chiến dịch “Nhổ tận gốc” của liên quân Mỹ tại Syria cho hay, họ đã phá hủy một kho vũ khí hóa học nằm trong tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
“Chúng tôi nhận thấy IS đã bắt đầu sử dụng các vũ khí hóa học ở cả Iraq và Syria”, ông Dillon nói. “Sau khi phát hiện, lực lượng của chúng tôi đã theo sát chúng và phá hủy số vũ khí này”, ông nói thêm.
Các nhà nghiên cứu và phân tích đã ghi nhận hàng chục trường hợp trong đó IS sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và Iraq.
Họ đã lên tiếng cảnh báo, nhóm khủng bố này có nhiều khả năng sẽ sử dụng thứ vũ khí hiểm độc đó để củng cố chiến thuật trong bối cảnh chúng có nguy cơ sụp đổ “đế chế” riêng tại Trung Đông.
“Chúng tôi đã tìm thấy nhiều trường hợp IS sử dụng súng cối, súng phản lực chống tăng, súng phóng lựu, kết với các hợp chất hóa học để biến chúng thành vũ khí hóa học”, phát ngôn viên của liên quân Mỹ cho hay.
Đại tá Dillon cũng lưu ý, họ đã tìm thấy các kho dự trữ rất nhiều các loại hóa chất công nghiệp có thể được sử dụng khi trộn lẫn với nhau. Tuy nhiên, họ đã phá hủy chúng ngay sau khi phát hiện.
Đại tá Ryan Dillon cho hay, lực lượng liên quân và đồng minh ở khu vực đang tiếp tục nỗ lực nhằm gây suy giảm khả năng chiến đấu của IS khi cuộc chiến chống khủng bố đang bước vào những giai đoạn cuối cùng.
“Chúng tôi đang làm mọi thứ để khiến chúng mất khả năng phản đòn, dù chúng có lợi dụng vũ khí hóa học, hay hệ thống các máy bay không người lái và vũ khí tuyên truyền… Chúng tôi sẽ khiến tổ chức khủng bố này không có khả năng gây quỹ, xây dựng nguồn lực và tiến hành các cuộc tấn công khác nữa. Liên quân quốc tế đã khiến chúng kiệt quệ và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó”, ông Dillon nhấn mạnh.
Vấn đề gây tranh cãi
Vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại chiến trường Syria đã trở thành một vấn đề mang màu sắc chính trị. Các chuyên gia từ Liên Hợp Quốc và tổ chức theo dõi Cấm phổ biến Vũ khí hóa học ngày mới đưa ra một báo cáo cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tại Khan Sheikhoun vào hồi tháng Tư vừa qua, khiến hơn 90 người chết.
Chính phủ Syria phủ nhận mọi cáo buộc liên quan. Về vấn đề này, Nga phản pháo đanh thép và cho rằng các cơ quan điều tra của Liên Hợp Quốc đã không tuân thủ đúng quy trình, phương pháp điều tra, chỉ ưu tiên một số chứng cứ nhằm cố ý gây mất mặt cho Syria.
Nga vừa dùng quyền phủ quyết chặn một nghị quyết do Mỹ soạn thảo, không cho Liên Hợp Quốc tiếp tục điều tra khả năng Syria dùng vũ khí hóa học để sát hại dân thường.
Theo Moscow, vụ tấn công bằng khí độc sarin có thể do một quả bom nổ dưới đất chứ không phải do máy bay Syria tấn công như phương Tây bịa đặt.
Nga trước đó đã 8 lần dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để chặn các cuộc điều tra liên quan tới Syria.
Xem thêm: Tổng thống Putin báo tin mừng của Nga tại chiến trường Syria