Hôm 17/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói trước truyền thông nước này rằng Ankara đã đạt được “một thỏa thuận căn bản” với Mỹ về Manbij – thành phố hiện đang được quản lý bởi một nhóm địa phương mang tên Hội đồng Quân sự Manbij, do phiến quân Lực lượng Dân chủ (SDF) thành lập. SDF chủ yếu là lực lượng người Kurd, do Washington hậu thuẫn.
Trong khi đó, về phía mình, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ thỏa thuận nào giữa Washington và Ankara liên quan tới tương lai của Manbij.
Ankara từ lâu cho rằng lực lượng người Kurd – Các đơn vị Nhân dân người Kurd (YPG) – là bộ phận mở rộng của đảng Công nhân người Kurd (PKK). Mỹ cùng với Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi PKK là một tổ chức khủng bố, nhưng Washington lại cho rằng YPG là một thực thể riêng biệt nên vẫn hậu thuẫn cho SDF.
Phía Mỹ khẳng định, “vẫn chưa có gì được đưa đến kết luận. Những cuộc đàm phán về Manbij vẫn tiếp tục”, bà Nauert cho hay.
Hồi tháng Hai, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gặp mặt Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 tiếng đồng hồ trong một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng với đồng minh NATO của Mỹ.
Ông Cavusoglu cho hay cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được sự đồng thuận về Manbij nhưng khi đó bà Nauert phủ nhận. Hôm 17/5 vừa qua bà Nauert lại cho hay tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thảo luận với ông Cavusoglu về vấn đề này.
“Đó là vấn đề chúng tôi đã thảo luận tại NATO”, bà Nauert nói, đề cập tới cuộc gặp giữa ông Pompeo và phía Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 27/4 vừa qua.
Ông Pompeo nói trước Ủy ban Thượng viện rằng tình hình tại Syria đã vốn rất phức tạp song sự có mặt của Thổ Nhĩ Kỳ tại quốc gia này lại càng khiến mọi việc trở nên hỗn loạn hơn.
Ông Pompeo cho rằng SDF là một “nhóm người hoàn thành rất tốt công việc của mình” khi đã hạ gục tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Hồi cuối tháng Ba, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp một phái đoàn người Kurd Syria và khẳng định rằng lực lượng Pháp sẽ được triển khai ở Manbij “rất nhanh chóng” để hỗ trợ quân đội Mỹ ở đây.
Một tuần sau đó, những thông tin đầu tiên về sự có mặt của lính Pháp ở Manbij đã xuất hiện.
Ông Cavusoglu dự kiến sẽ gặp ông Pompeo vào ngày 4/6 tới. Dường như ông Pompeo sẽ có quan điểm “cứng” hơn so với người tiền nhiệm Tillerson về vấn đề Manbij. Mỹ dường như đang cố gắng củng cố vị trí của mình tại vùng Đông Syria trong khi giảm bớt các hoạt động ở phía Tây nước này.
Cuối ngày 18/5, hãng tin Reuters cho hay chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định “rút sự hỗ trợ quân sự tại phía Tây Bắc Syria”, nơi các phiến quân Hồi giáo cực đoan hoạt động tích cực. Washington sẽ “tập trung nỗ lực” vào phía Đông Bắc, vùng đã được giải phóng khỏi IS và hiện do SDF và các đồng minh địa phương của Mỹ hoạt động.
Xem thêm: Trực thăng quân đội Mỹ thả nhầm thùng đạn làm thủng mái trường học ở Texas