Theo Reuters, một chiếc máy bay chiến đấu của Israel đã bị tên lửa phòng không Syria bắn hạ vào hôm 10/2 khi đang trở về sau nhiệm vụ ném bom nhằm vào các căn cứ của Iran ở Syria.
F-16 là một trong ít nhất 8 máy bay chiến đấu của Israel được cho là được triển khai để ngăn chặn một máy bay không người lái của Iran xâm phạm không phận từ phía Syria vào ngày 10/2.
Máy bay chiến đấu F-16 của Israel sau đó đã bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không của Syria và rơi xuống miền Bắc Israel. Cả hai phi công đều thoát ra ngoài và bị thương, trong đó có một người bị thương nặng, một quan chức Israel cho biết.
Để trả đũa, ngay sau đó Israel đã thực hiện hàng loạt cuộc không kích nhằm vào 12 mục tiêu của Iran và Syria nằm trên lãnh thổ Syria, bao gồm các hệ thống phòng không của Syria.
Tổ chức Hezbollah của Lebanon do Iran hậu thuẫn cho biết, sự kiện F-16 bị bắn hạ đã "khởi đầu một giai đoạn chiến lược mới" sẽ hạn chế khả năng Israel tiến vào không phận Syria.
Những động thái quân sự của Iran ở Syria để ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến Syria kéo dài gần 7 năm, bao gồm việc triển khai những lực lượng do Iran hậu thuẫn đến gần cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, đã báo động Israel, quốc gia từng tuyên bố sẽ đáp trả trước mọi mối đe dọa.
Dù trả đũa, Israel tuyên bố không muốn tình hình leo thang trong khu vực.
"Israel tìm kiếm hòa bình nhưng sẽ tiếp tục chống lại mọi cuộc tấn công nhằm vào chúng tôi, hay mọi nỗ lực chống lại chúng tôi ở Syria của Iran", Thủ tướng Israel, ông Netanyahu tuyên bố trên truyền hình.
Nga cũng bày tỏ quan ngại về vụ việc và kêu gọi các bên cần kiềm chế, tránh leo thang.
Thủ tướng Netanyahu cho biết, ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cả hai đều đồng ý rằng hoạt động điều phối quân sự Nga-Israel ở Syria sẽ vẫn tiếp tục.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết trong cuộc điện đàm rằng, cần thiết phải tránh các động thái dẫn đến cuộc xung đột mới trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên nên hết sức kiềm chế, tránh mọi hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Nếu có bất kỳ ảnh hưởng xấu nào tới các binh sĩ Nga đang thực hiện nhiệm vụ tại Syria, nhằm nỗ lực hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực, Moscow sẽ hoàn toàn không chấp nhận”.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc thông báo, Mỹ luôn ủng hộ quyền tự vệ của Israel. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington “quan ngại sâu sắc” về bạo lực leo thang tại biên giới của Israel.
Liên minh quân sự dưới sự hậu thuẫn của chính quyền Tổng thống Syria Assad đã bác bỏ thông tin các máy bay không người lái có mặt tại không phận của Israel.
Trong một tuyên bố, liên quân cho biết, Israel đã nhắm vào mục tiêu tại căn cứ không quân tại sa mạc Homs. Đây là khu vực vốn đang được sử dụng để điều khiển các vật thể bay không người lái nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). “Hành động khủng bố do Israel gây ra sẽ phải nhận lại đáp trả cứng rắn và nghiêm khắc”, liên quân cho biết.
Người phát ngôn quân đội Israel tuyên bố, hành động của Israel là hoàn toàn tự vệ sau các phản ứng khiêu khích từ phía Iran.
Vụ bạo lực hôm 10/2 là một trong những vụ nghiêm trọng nhất liên quan đến Israel, Iran và Syria trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm ở Syria.
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cảnh báo Syria và Iran ngưng "vi phạm chủ quyền của Israel" nếu không sẽ phải trả giá đắt.
Người phát ngôn quân đội Israel Jonathan Conricus cho rằng, Syria và Iran đang "đùa với lửa". Theo ông Conricus, IDF sẽ hành động mạnh mẽ chống lại các hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Israel và sẽ tiếp tục phản ứng mạnh nếu cần thiết.
Xem thêm >> Nga tiết lộ lý do dân quân Syria bị thiệt hại lớn vì cuộc tấn công của liên quân Mỹ