Sự im lặng của Nga
Cuộc không kích của quân đội Israel hôm 10/5 vào lực lượng Iran ở Syria nhằm đáp trả lực lượng Iran phóng rocket về các tiền đồn của Israel trên cao nguyên Golan là điều đã được Nga biết trước. “Nga đã được thông báo trước về cuộc tấn công thông qua kênh thông tin liên lạc quân sự”, ông Jonathan Conricus chia sẻ hôm 10/5.
Kênh thông tin liên lạc quân sự giữa Nga và Israel được thiết lập vào mùa thu năm 2015 nhằm ngăn chặn những va chạm không đáng có giữa không quân hai nước ở Syria, ông Conricus tiết lộ.
Iran là một đồng minh lâu năm của Moscow tại Syria, tuy nhiên trước việc nước này bị Israel tấn công, Nga không hề có bất kỳ động thái nào bảo vệ đồng minh.
Sau vụ việc, đặc phái viên của Nga tại Trung Đông Mikhail Bogdanov cũng chỉ đưa ra một thông báo trung lập, nói rằng các diễn biến của vụ việc là “đáng báo động” và không nằm trong mục tiêu chống khủng bố tại Syria, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm thiểu căng thẳng giữa các bên.
Thái độ im lặng của Nga dù được Israel thông báo trước về cuộc không kích vào Syria mang đầy toan tính cần thiết của Moscow, giới phân tích cho hay.
Nguyên tắc tránh can thiệp các hoạt động quân sự của Israel ở Syria
Theo Reuters, Nga không muốn ngăn cản các hoạt động quân sự của Israel ở Syria. Thông tin này được chính Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chia sẻ hôm 9/4 sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin.
Kể từ khi tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria theo lời mời của Tổng thống Syria Assad hồi năm 2015, Nga thường làm ngơ trước các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các đoàn xe nghi chở vũ khí và các hoạt động triển khai quân của phong trào Hezbollah (Lebanon) và Iran, đồng minh của chính quyền Syria.
Hôm 9/5, Thủ tướng Netanyahu tới Nga chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và sau khi Syria cáo buộc Israel tiến hành một cuộc tấn công tên lửa mới nhắm vào một căn cứ quân sự gần Thủ đô Damascus của Syria.
“Với những gì xảy ra ở Syria, điều cần thiết là phải bảo đảm việc duy trì hợp tác quân sự giữa quân đội Nga và Lực lượng phòng vệ Israel”, ông Netanyahu phát biểu trước khi về nước, đề cập tới đường dây nóng do hai nước thiết lập để ngăn chặn xảy ra xung đột quân sự bất ngờ tại Syria.
Israel và Nga vẫn luôn tránh can thiệp vào hoạt động của nhau tại Syria và đã thống nhất các nguyên tắc chung để không làm tổn hại các lợi ích của nhau, bao gồm cả việc Israel sẽ thông báo trước cho Nga về các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu tại Syria, giới phân tích cho hay.
Nga hiện vẫn duy trì các máy bay chiến đấu tối tân cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-400 hiện đại tại Syria. Hệ thống này đủ khả năng đánh chặn bất kỳ cuộc không kích nào của Israel tại Syria, song Nga không có ý định can thiệp trực tiếp vào vấn đề này.
Mối quan hệ của Thủ tướng Netanyahu với Tổng thống Putin luôn được phát triển theo chiều hướng xây dựng tích cực. Trong chuyến thăm Nga kéo dài 10 giờ hôm 9/5, nhà lãnh đạo Israel đã sánh đôi cùng ông Putin trong lễ kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít tại Quảng trường Đỏ.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã có bài trả lời phỏng vấn trên báo Nga với nội dung nhắc lại thông điệp rằng Israel không hùa theo các nước phương Tây trong việc áp đặt lệnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Crimea cũng như vụ đầu độc điệp viên ở Anh.
Nga đang là quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Syria và Tổng thống Putin đang tìm cách thúc đẩy hòa bình trong khu vực để nâng cao vai trò của Nga. Vì lẽ đó nên nếu một cuộc chiến xảy ra giữa Iran và Israel sẽ làm xáo trộn khu vực và làm suy yếu vị thế mà Nga đã dày công xây dựng. Hiển nhiên Tổng thống Putin sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn. Tuy nhiên giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để Nga đưa ra bất cứ phản ứng nào bởi phía Nga vẫn cần quan sát, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng động thái của các bên liên quan.
Xem thêm >> Căng thẳng dâng cao, Iran tìm sự ủng hộ từ Nga, Trung Quốc