Syria: Nghi án Mỹ “giải thoát” 20 đầu sỏ IS ở Deir ez-Zor cho mục đích ngầm

Syria: Nghi án Mỹ “giải thoát” 20 đầu sỏ IS ở Deir ez-Zor cho mục đích ngầm

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 2, 11/09/2017 10:00

Mỹ lên tiếng bác bỏ cáo buộc nước này đã “giải cứu” 20 chỉ huy Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi tỉnh Deir ez-Zor, trong khi Nga khẳng định đó chính là sự thật.

Suốt 3 năm qua, tỉnh Deir ez-Zor bị lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vây hãm.

Chúng liên tục tiến hành các đợt tấn công chống lại Quân đội Chính phủ Syria (SAA) và đồng minh với phương thức quen thuộc: Đánh bom tự sát và xe bom.

Trong khoảng thời gian đó, cuộc sống của nhân dân ở Deir ez-Zor lâm vào cảnh khốn cùng, trong khi lực lượng quân Chính phủ Syria không thể tiến hành công tác tiếp viện.

Thực phẩm, đạn dược được chuyển tới khu vực chiến trường chỉ thông qua máy bay trực thăng.

Thế giới - Syria: Nghi án Mỹ “giải thoát” 20 đầu sỏ IS ở Deir ez-Zor cho mục đích ngầm

Khủng bố IS chiến đấu tại Deir ez-Zor.

 

Tuy nhiên, sau một thời gian dài kiên trì, bền bỉ chiến đấu, lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad cuối tháng Tám vừa qua đã chọc thủng được tuyến phòng thủ của IS tại Deir ez-Zor và trấn giữ nhiều cứ địa trọng yếu.

 Tới nay, các tay súng khủng bố gần như đã bị quét sạch tại Deir ez-Zor, tỉnh được coi là thành trì cuối cùng của nhóm khủng bố IS ở Syria.

Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng tới cuối tháng Chín, Deir ez-Zor sẽ được giải phóng hoàn toàn.

Thành công của lực lượng SAA tại Deir ez-Zor là bước đệm để giải phóng Syria sau 6 năm chìm trong bom đạn triền miên.

Giữa những lúc tin vui đang đến tới tấp với lực lượng SAA và đồng minh tại tỉnh Deir ez-Zor, thì một tin bất ngờ đã xuất hiện.

Tờ Sputnik dẫn nguồn tin quân sự và ngoại giao cho hay, những máy bay trực thăng của Không lực Mỹ đã giúp sơ tán hàng chục chỉ huy và chiến binh nòng cốt của lực lượng IS từ chiến trường Deir ez-Zor, sang những khu vực khác.

“Đêm 26/8, trong đợt đầu tiên, trực thăng của Không quân Mỹ đã đưa 2 chỉ huy IS gốc châu Âu cùng gia đình ra khỏi khu vực giao tranh ở phía Tây Bắc Deir ez-Zor vào ban đêm”, tờ Sputnik viết.

Hai ngày sau, trực thăng Mỹ tiếp tục đưa 20 chỉ huy IS và những chiến binh thân cận từ khu vực Đông Nam của thành phố này tới miền Bắc Syria, nguồn tin cho hay.

Tuy nhiên, khi Sputnik liên lạc với bộ phận báo chí của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Syria, cơ quan này đã bác bỏ những cáo buộc trên.

Trong khi đó, các nguồn tin đối lập khác nói rằng, Washington chỉ đang di tản “một số người quan trọng”.

Dù liên quân đã lên tiếng phản đối nhưng nghi vấn Washington hỗ trợ IS ở Syria vẫn không được dập tắt.

Thế giới - Syria: Nghi án Mỹ “giải thoát” 20 đầu sỏ IS ở Deir ez-Zor cho mục đích ngầm (Hình 2).

Lính Mỹ tại Syria. 

 

Liên quân chống khủng bố IS gồm 62 nước do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria và Iraq từ năm 2014.

Dù không được sự hoan nghênh của Chính phủ Syria nhưng liên quân vẫn hiện diện tại chiến trường này trong nhiều năm qua.

Quan điểm của Lầu Năm Góc cùng các đồng minh là muốn thay đổi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, tới nay mục tiêu đó đang trở nên ngày càng khó khăn với Mỹ, khi Syria nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Nga và Iran, đồng thời liên tục lập nhiều chiến công, tiến tới chấm dứt hoàn toàn cuộc nội chiến.

Xuất phát từ quan điểm đó, Mỹ được cho là quyết chống lưng cho các phiến quân đối lập và từng nhiều lần bị giới chức Nga, Syria và Iran cáo buộc đang hậu thuẫn cho cả khủng bố để đạt được mục tiêu, đặc biệt trong bối cảnh phần thắng trên chiến trường đang thuộc về quân Chính phủ Syria.

Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Hội đồng Liên bang về quốc phòng và an ninh Nga, Franz Klintsevich cho biết, việc Mỹ “di chuyển” các chỉ huy IS khỏi khu vực Deir ez-Zor là tin tức chính xác 100%. Nó xuất phát từ lập trường đối đầu với Nga.

“Không có gì lạ, khi ban lãnh đạo của cái gọi là liên minh chống khủng bố bác bỏ cáo buộc máy bay Mỹ đưa hơn 20 chỉ huy của nhóm chiến binh IS rời Deir ez-Zor. Qua nhiều kinh nghiệm lâu năm quan sát các hành động của Mỹ, bao gồm cả ở Afghanistan, chúng tôi đảm bảo thông tin này có độ tin cậy 100%. Là một người từng trải qua những cuộc chiến, tôi có thể nói Nga thường xuyên cảm nhận thấy sự tham gia trực tiếp của Mỹ đối với khủng bố”, ông Franz Klintsevich nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã “bóng gió” về việc Mỹ giúp khủng bố rời khỏi Deir ez-Zor sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian vào hôm 8/9 vừa qua.

Ông tuyên bố, những kẻ khủng bố ở Syria phải bị diệt trừ và không kẻ nào được phép trốn thoát.

Theo truyền thông Nga, đây không phải lần đầu tiên Mỹ bị nghi ngờ hậu thuẫn các phần tử khủng bố.

Trong chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul (Iraq) kéo dài 8 tháng, Washington cũng từng “dẫn lối” giúp IS tràn từ Iraq sang Syria.

Mỹ cùng Saudi Arabia ngầm thỏa thuận với IS, cho chúng thoát khỏi Mosul với điều kiện phải tăng cường tấn công lực lượng trung thành với ông Assad ở Deir ez-Zor, Palmyra, Hama và Homs.

Hồi tháng 11/2015, trang mạng LiveLeak cũng từng đăng tải một đoạn video khiến giới quan sát bất ngờ không kém khi một đoàn xe của IS từ Iraq sang Syria mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, dù máy bay trực thăng AH-64 Apache của Mỹ theo ngay phía sau.

Với những hành động khó hiểu và có phần “lén lút” của Washington, giới quan sát nghi ngờ rằng phải chăng Mỹ lại đưa IS sang Iraq để tái gây dựng tổ chức, sau đó đẩy chúng sang Syria vào thời điểm thích hợp nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là thay đổi chế độ ở Syria?

Xem thêm: Toan tính của IS khi nhận trách nhiệm các vụ tấn công khủng bố

D.T

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.