"Quả đấm" nhằm vào ông Assad?
Theo Politico, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 17/1 ám chỉ rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện một lực lượng quân đội lớn ở Syria để chống lại các nhóm khủng bố, chống lại ảnh hưởng gia tăng từ Iran, mở đường cho mục tiêu chấm dứt sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo Bashar al - Assad.
Những nhận định của ông Rex Tillerson là lời tuyên bố rõ ràng nhất của một quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump về kế hoạch của Mỹ tại Syria. Bình luận của Ngoại trưởng Mỹ cũng giải đáp những đồn đoán cho rằng Tổng thống Donald Trump muốn Mỹ rút khỏi những cuộc chiến ở thế giới Hồi giáo.
Phát biểu tại viện Hoover, đại học Stanford, California, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho rằng, chính quyền của ông Donald Trump sẽ không mắc phải sai lầm của cựu Tổng thống Barack Obama trong việc rút quân Mỹ khỏi Iraq để sau đó gửi họ tới đây để chống IS.
“Chúng tôi không thể đưa ra sai lầm tương tự như những gì từng xảy ra năm 2011”, ông Tillerson cho biết sau khi nhắc tới việc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác đã triển khai các hoạt động khiêu khích sau khi Mỹ rút lui.
Ông Tillerson phát biểu rằng ông “hiểu một số người Mỹ đang tỏ ra quan ngại trước việc Mỹ tiếp tục ở lại Syria”, song ông tin đây là bước đi cần thiết để đảm bảo IS “không tổn hại đến lãnh thổ nước Mỹ và không tái xuất trong một hình thái khác”.
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng IS và các nhóm khủng bố khác có thể trỗi dậy sau khi Mỹ rút lui khỏi Syria và nếu Mỹ rút lui khỏi Syria, hậu quả sẽ khó lường.
Nhà ngoại giao Mỹ cũng khẳng định các chính sách của ông Donald Trump ở Trung Đông trong cuộc chiến chống khủng bố khiến IS mất đi chỗ đứng ở Iraq và Syria.
Ông Tillerson tuyên bố những hoạt động của ông Trump đã mang lại kết quả rõ ràng và cho phép các chỉ huy quân đội được tự do chống IS. Theo dự tính, khoảng 3,2 triệu người Syria và 4,5 triệu người Iraq đã được giải phóng.
Rõ ràng, ở Syria, ưu tiên hàng đầu của Mỹ vẫn đang là chiến đấu với IS và các nhóm khủng bố khác, Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ không nhắc tới việc liệu Washington có can thiệp quân sự vào nội chiến Syria hay không.
Washington rút quân hoàn toàn khỏi Iraq năm 2011, 8 năm sau khi lật đổ chính quyền Saddam Hussein. Al-Qaeda nhờ đó nên vẫn tồn tại.
Washington quay trở lại Iraq năm 2014, quy mô nhỏ hơn trước, để giúp Baghdad diệt IS.
Nhà ngoại giao Mỹ cũng tin rằng ảnh hưởng của Iran tại Syria thông qua các lực lượng vũ trang mà nước này hậu thuẫn là không thể xem thường.
Tuyên bố cứng rắn
“Là một quốc gia bất ổn tiếp giáp với Israel, Syria là một cơ hội lớn mà Iran không thể bỏ qua”, ông nói. “Chúng ta phải đảm bảo rằng việc chấm dứt xung đột ở Syria sẽ không giúp Iran kiểm soát toàn khu vực này”, nhà ngoại giao Mỹ cho hay.
“Việc ông Assad tiếp tục nắm quyết sẽ khiến xung đột mới có thể bùng nổ và tăng nguy cơ vũ khí hóa học có thể được sử dụng”, ông Tillerson nói.
Theo ông Tillerson, về lâu dài, Mỹ và các nước đồng minh sẽ cần phải thực hiện các “biện pháp xây dựng” trên toàn Syria, bao gồm tháo dỡ bom mìn, thiết lập mạng lưới điện, nước sạch và các dịch vụ công ích khác.
Điều này chỉ có thể được thực hiện khi có sự hiện diện của quân đội Mỹ, nhà ngoại giao Mỹ cho hay.
Xem thêm >> Syria: Toan tính của Mỹ khi bất ngờ thành lập lực lượng an ninh biên giới mới