Cuộc điện đàm “đi vào lịch sử”
Kremlin cho hay, ông Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria” và rằng ông Assad ủng hộ một kỳ bầu cử Tổng thống và Quốc hội mới.
Trước các phóng viên, Tổng thống Trump không trả lời câu hỏi về số phận của ông Assad nhưng khẳng định cuộc điện đàm gần 90 phút giữa ông và Tổng thống Nga rất “tuyệt vời”.
“Chúng tôi đồng tình mạnh mẽ về việc mang lại hòa bình cho Syria. Điều đó rất quan trọng”, ông Trump nói.
Ông Assad trước đó đã gặp Tổng thống Nga Putin tại thành phố Sochi và cảm ơn nhà lãnh đạo Nga đã “cứu Syria” thông qua chiến dịch quân sự của Moscow từ năm 2015. Một cuộc họp tại Sochi trong tuần này gồm các nhà lãnh đạo Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng sẽ diễn ra. Đây là những bên đang tích cực tham gia tìm kiếm giải pháp chính trị đối với tương lai Syria.
Những diễn biến trên, cùng với việc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đánh bại gần như hoàn toàn và các nhóm phiến quân do Mỹ chống lưng đang bị chia cắt, cho thấy khả năng ông Assad vẫn giữ được vị trí hiện tại là rất cao. Đó là nhận xét của ông Jim Phillips, một chuyên gia Trung Đông tại Quỹ The Heritage.
“Chiến dịch không kích của Nga và sự phối hợp của Iran tại thực địa đã cứu chính quyền Assad đồng thời diệt trừ các phe phái đối lập. Ông Putin đang ngồi ghế lái tại Syria. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump đang tập trung vào việc diệt IS chứ không đặt nặng mục tiêu vào ông Assad”, ông Phillips nhận xét.
Hiện tại, IS đang bị dồn vào bước đường cùng vì vương quốc tự xưng của tổ chức khủng bố này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ngoài những nỗ lực của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Syria, “dường như Nhà Trắng sẽ không tiếp tục duy trì hoạt động tích cực tại Syria như họ đã từng”, chuyên gia nói.
Nhà Trắng khẳng định ông Trump và ông Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi giải pháp năm 2015 được đưa ra bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Giải pháp đó kêu gọi xây dựng một Chính phủ Syria có sự chuyển tiếp và thống nhất, cùng những kỳ bầu cử dân chủ, hợp hiến. Những cuộc bỏ phiếu sẽ được theo dõi bởi Liên Hợp Quốc và cả những người tị nạn cũng được phép thể hiện quyền lợi qua những lá phiếu.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đã bày tỏ sự ủng hộ với tiến trình do Liên Hợp Quốc khởi xướng, nhằm “giải quyết một cách hòa bình cuộc nội chiến tại Syria, kết thúc khủng hoảng nhân đạo, cho phép những người Syria quay lại quê hương và đảm bảo sự ổn định cho một Syria đoàn kết không có sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, không có bóng dáng khủng bố”, Nhà Trắng cho hay.
“Hai vị Tổng thống xác nhận tầm quan trọng của hợp tác chống khủng bố tại Trung Đông và Trung Á, đồng thuận trong việc tìm giải pháp diệt IS, Al-Qaeda, Taliban và các tổ chức khủng bố khác”, tuyên bố Nhà Trắng có đoạn.
Điện Kremlin cho rằng, một giải pháp chính trị phải dựa trên những nguyên tắc được xây dựng trong tiến trình “đàm phán nội bộ” gồm tất cả các bên ở Syria. Nhưng số phận chính trị ông Assad vẫn là một rào cản lớn đối với tiến trình đó. Moscow từ lâu đã giành được sự ủng hộ từ phía ông Assad về mặt chính trị nhằm kết thúc cuộc chiến. Nhưng ông Assad lại không muốn chấp thuận đàm phán với các nhóm đối lập.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn được hợp tác cùng Moscow và Syria, chủ yếu nhằm hạ bệ IS do đó Washington ở thời điểm hiện tại ít quan tâm tới tương lai của ông Assad. Nhưng quá trình xích lại gần nhau giữa Moscow và Washington vẫn gặp nhiều trở ngại do sự hậu thuẫn của Nga với ông Assad cũng như cuộc điều tra khả năng Kremlin can thiệp bầu cử Mỹ hồi cuối năm ngoái.
Vị thế của Nga ở Trung Đông
Theo chuyên gia Phillips, Kremlin hậu thuẫn thành công chế độ Assad cho thấy vị thế gia tăng của Nga ở Trung Đông.
“Ông Putin đã sử dụng cuộc chiến Syria như một công cụ nhằm tái định vị Nga tại Trung Đông với vai trò là một siêu cường. Syria là quốc gia đầu tiên nằm bên ngoài vùng lãnh thổ Liên Xô cũ mà Nga đưa quân tới kể từ năm 1991. Với mục tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, ông Putin đã đồng thời cứu cả chính quyền Assad”, ông Phillips nhấn mạnh.
Dù nhiều người tin rằng cuộc chiến Syria đang bước tới hồi kết nhưng theo chuyên gia phân tích an ninh quốc tế Mark Sleboda, khẳng định đó vẫn khiến ông hoài nghi.
“Nhiều khả năng xung đột Syria vẫn tiếp diễn. Không nghi ngờ gì về việc cuộc xung đột này sẽ kéo dài thêm cả thập kỷ nữa. Vẫn còn những vùng lãnh thổ của Syria do IS kiểm soát. Toàn bộ tỉnh Idlib đang nằm trong tay Al-Qaeda, dưới sự kiểm soát của Al-Nusra Front”, Sleboda nói.
“Chúng ta đều hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận chính trị giữa Chính phủ Syria với các bên được Mỹ ủy nhiệm tại cuộc chiến này, những lực lượng hiện đang chiếm nhiều dải đất ở phía Đông Syria”, chuyên gia nói. Nhưng ông cũng khẳng định “chính sách của chính quyền Donald Trump cũng không rõ ràng như chính sách của người tiền nhiệm Obama trong suốt 6 năm qua”.
Xem thêm: Syria và ngày bận rộn của “nhà soạn nhạc tài ba” Vladimir Putin