Trong thời gian gần đây, trên các trang tin điện tử lớn của các hãng truyền thông quốc tế như Tech In Asia, ABC Radio Australia lần lượt xuất hiện thông tin về một chiếc “máy tính bảng” được phát triển bởi đội ngũ kĩ sư người Việt. Tuy nhiên ở Việt Nam, chiếc “máy tính bảng” này không phải là sản phẩm mà ai cũng biết.
Gọi như vậy cho sang bởi thực ra, chiếc “máy tính bảng” này chính là quyển sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam vốn được biết đến với tên gọi Classbook. Classbook là sản phẩm tổng thể gồm cả thiết bị phần cứng, phần mềm, kho nội dung hỗ trợ… Thiết bị này có màn hình cảm ứng đa điểm 8”, tỷ lệ 4:3, mang lại trải nghiệm đọc tương tự như sách giáo khoa truyền thống. Classbook được thiết kế và phát triển nhằm thay thế những bộ sách giáo khoa vốn cồng kềnh, nặng nề và gây lãng phí lớn ở thời điểm hiện tại, đồng thời tăng sự hứng thú và hiệu quả học tập của học sinh khi các em được trải nghiệm những tính năng tương tác đa chiều.
Chuyên trang công nghệ Tech In Asia cho rằng, sự xuất hiện của Classbook tại Việt Nam vào thời điểm hiện nay tỏ ra “thức thời” do lĩnh vực cung cấp các thiết bị và nội dung số hướng đến lĩnh vực giáo dục dành cho trẻ em, học sinh đang rất tiềm năng.
Thông tin về sách điện tử Việt Nam trên trang Tech in Asia
Về mặt kỹ thuật, Classbook nhận được đánh giá tích cực khi đây là sản phẩm dành riêng cho học tập với trọn bộ các đầu sách giáo khoa, sách bài tập 12 lớp (kể cả chương trình nâng cao), được số hóa và tích hợp các chức năng đa phương tiện, tương tác từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; đảm bảo về mặt nội dung, bản quyền và chất lượng hiển thị, phù hợp đối với những gia đình không có thời gian trong việc chuẩn bị nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo cho con cái trong mỗi dịp năm học mới.
Trang Tech In Asia còn đề cập đến tính năng ưu việt của Classbook đó là đội ngũ kỹ thuật đã xây dựng tùy chỉnh bản ROM cho phép cha mẹ kiểm soát các ứng dụng, thêm nội dung cài đặt sẵn, theo dõi hành vi trực tuyến của con em mình thông qua việc cập nhật nội dung qua máy tính dùng Windows.
Classbook trên ABC Radio Australia phiên bản tiếng Việt
Chung nhận định, trang web chuyên về giáo dục Open Equal Free cho rằng Classbook với thương hiệu "Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam" được phát triển như một giải pháp sách giáo khoa tiên tiến và phù hợp với lộ trình đổi mới sách giáo khoa đến năm 2015 tại Việt Nam, Classbook được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy và học của các trường phổ thông trong tương lai.
Trên trang tiếng Việt của Đài phát thanh Australia (ABC Radio Australia), Classbook được ví như một “cuộc cách mạng sách giáo khoa Việt Nam”. Tuy nhiên, tác giả bài viết cũng bày tỏ lo ngại về giá của thiết bị khi cho rằng: Hiện tại mức giá hơn 4 triệu đồng cho 1 chiếc Classbook có thể coi là rẻ nhưng với nhiều gia đình, nhất là những người dân ở nông thôn, mức giá này vẫn là quá cao so với mức thu nhập trung bình của đa số mọi người.
Classbook có khả năng kết nối HDMI hỗ trợ giáo viên trình chiếu các bài giảng của mình
“Trong khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng loại thiết bị như Classbook trong việc dạy học, tuy nhiên thiết bị này ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ với nhiều phụ huynh. Điều này cũng có nghĩa là, những người thực hiện dự án sẽ còn phải mất rất nhiều công sức trong việc truyền thông, quảng bá. Đặc biệt là với các bậc phụ huynh ở nông thôn, những nơi điều kiện dân trí còn chưa phát triển”, ABC Radio Australia nhận định.
Việc sớm phát triển và cho ra đời những bộ sách sách giáo khoa điện tử như Classbook là một hướng đi đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, với mức độ chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam thời điểm hiện tại, nhất là giữa các khu vực thành thị và nông thôn, để ý tưởng này có thể đi vào thực tiễn lại là một vấn đề không hề đơn giản một chút nào. Vậy nên, để một sản phẩm tiện ích như Classbook có thể thực sự đi vào đời sống xã hội, cần có những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước để giảm giá thành của thiết bị này. Đồng thời cũng cần phải có các biện pháp tuyên truyền quảng bá phù hợp, để những ích lợi của loại hình giáo dục mới mẻ này được đông đảo người dân chú ý tới.
Hằng Giang