Tại sao không thuê CEO cho các bệnh viện công?

Tại sao không thuê CEO cho các bệnh viện công?

Thứ 5, 27/12/2012 23:51

Một số ý kiến cho rằng giám đốc bệnh viện không cứ phải có học hàm giáo sư, phó giáo sư hay tiến sỹ mà phải là một nhà quản lý (CEO) giỏi

Quá tải, ô nhiễm, nhũng nhiễu phong bì phong bao…tồn tại phổ biến ở các sở y tế công lập, bệnh viện nhà nước hiện nay cho thấy đều bắt nguồn từ sự yếu kém trong công tác quản lý. Các lãnh đạo bệnh viện đều trưởng thành từ những bác sĩ giỏi nhưng lại không được đào tạo về công tác quản lý nói chung và quản trị bệnh viện nói riêng. Vì vậy, rất nhiều các quyết sách đưa ra mới chỉ giải quyết được phần ngọn hoặc mang tính chữa cháy. Kết quả cuối cùng là cái vòng luẩn quẩn quá tải - giảm chất lượng điều trị - thiếu hụt y đức - mất an ninh trật tự vẫn liên tục xảy ra bất chấp sự nỗ lực của ngành y tế.

Xã hội - Tại sao không thuê CEO cho các bệnh viện công?

Tình trạng quá tải trở thành "căn bệnh" lâu nay

Nảy sinh nhiều bất cập

Chắc hẳn, nhiều người vẫn chưa quên được vụ bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương hoặc một loạt tai biến thai sản dẫn đến tử vong khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua. Mặc dù, các bệnh viện đã triển khai một số giải pháp nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nhưng mọi việc vẫn chưa có gì tiến triển. Theo quan sát của phóng viên, không chỉ ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương mà tại một số bệnh viện khác, "quy trình" giao nhận trẻ, cho xuất viện thường khá đơn giản. Điều mà bệnh viện cũng như gia đình trẻ sơ sinh lo lắng nhiều nhất chính là việc trao nhầm con. Nhưng vụ việc xảy ra không hoàn toàn đơn giản như vậy. Phức tạp hơn lại chính là chuyện ăn trộm trẻ sơ sinh, rồi các bậc cha mẹ tìm cách bỏ lại núm ruột của mình (vì bệnh tật của con hoặc do hoàn cảnh gia đình) nhưng bệnh viện đành bó tay, không truy tìm được tung tích.

Tất cả những gì xảy ra đều bắt nguồn từ tình trạng quá tải đang xảy ra ở các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là cơ sở y tế đầu ngành của cả nước. Con số được báo cáo tại hội nghị "Tổng kết công tác y tế năm 2011, kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế năm 2012" cho thấy, mặc dù ngành y tế đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giảm tải cho các bệnh viện nhưng hiện tình trạng này vẫn vô cùng tồi tệ. Công suất sử dụng giường bệnh tại một số bệnh viện và các khoa trọng điểm luôn cao hơn so với số giường bệnh thực tế. Đơn cử, tại BV Bạch Mai, công suất sử dụng giường bệnh ở Khoa Truyền nhiễm là 192%; Thận tiết niệu 191%; Thần kinh 181%; BV Chợ Rẫy: Khoa Ngoại tiêu hóa là 237%; Ngoại thần kinh 236%; Tim mạch can thiệp 231%. Bệnh viện K: Khoa Tia xạ tổng hợp 365%; Ngoại phụ 364%...

Theo kết quả điều tra của ngành y tế, đa số người bệnh (chiếm 56%) có xu hướng đến thẳng các bệnh viện tuyến cuối ngay lần đầu phát hiện ra bệnh mà không điều trị theo tuyến. Nguyên nhân khiến người bệnh dồn lên tuyến trên thì ai cũng hiểu nhưng liều thuốc để chữa "căn bệnh" vượt tuyến, quá tải lại chưa đủ mạnh để trị tận gốc. Chính điều này cũng dẫn đến tình trạng, các cán bộ y tế ở các bệnh viện tuyến Trung ương luôn phải làm việc quá sức, dẫn đến sự trao đổi giữa bác sĩ, y tá với người bệnh thiếu bình đẳng. Người bệnh hiếm khi dám hỏi cặn kẽ, tường tận về bệnh tình, cách điều trị chứ chưa nói đến chuyện nêu ý kiến thắc mắc khi thấy những việc làm bất thường của các bác sĩ được mệnh danh lương y như từ mẫu. Chính điều đó đã tạo kẽ hở cho nhũng nhiễu, tiêu cực nảy sinh.

Vụ việc xảy ra tại bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khiến cho các đơn vị y tế giật mình, lo cho công tác an ninh bệnh viện. "Mất bò" thì phải "lo làm chuồng" nhưng làm bằng "vật liệu", làm như thế nào thì vẫn là bài toán nan giải. Bởi muốn giải quyết phần ngọn thì phải trị từ gốc, mà cái gốc ở đây chính là việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Thứ trưởng Bộ Y tế, giám đốc BV Phụ sản trung ương Nguyễn Viết Tiến cho biết, bệnh viện sẽ lắp hệ thống camera để phòng chống những vụ việc tương tự. Nhưng trang thiết bị không phải là "vấn đề" của các bệnh viện hiện nay mà phải là con người và cách quản lý.

Suốt ngày lo giảng bài thì...về làm thầy

Có thể thấy, yếu trong công tác quản lý là tình trạng chung của các cơ sở y tế hiện nay. Nguyên nhân rất khách quan, đó là lãnh đạo bệnh viện đều trưởng thành từ bác sĩ giỏi nhưng lại không được đào tạo về công tác quản lý nói chung, quản trị bệnh viện nói riêng. Ở Việt Nam, tư duy về vấn đề này hiện còn rất mới. Quản trị, điều hành bệnh viện là vấn đề đã được các bệnh viện tư quan tâm đầu tư. Hơn ai hết, họ đều hiểu chất lượng bệnh viện (lý do để tồn tại và phát triển của đơn vị) phải được tạo bởi đội ngũ quản trị giỏi. Tại những bệnh viện đã quản trị thành công, giám đốc phụ trách chuyên môn kỹ thuật và giám đốc phụ trách quản trị thường tách bạch và có vị trí tương đương nhau. Có một CEO giỏi thì bệnh viện sẽ hoạt động chuyên nghiệp hơn, chất lượng dịch vụ sẽ nâng cao. Đây chính là kinh nghiệm được rút ra từ mô hình của nhiều nước trên thế giới và một số bệnh viện tư ở nước ta. Nhưng kinh nghiệm vẫn chưa bao giờ được áp dụng vào hệ thống bệnh viện công.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, ĐH Y dược TP.HCM cho biết: Từ trước đến nay và có lẽ mất thêm một thời gian khá dài nữa, các bệnh viện công đều quan niệm rằng: “Bệnh viện chỉ cần giám đốc chứ không cần CEO. Bởi vì, gần như tất cả các hoạt động của bệnh viện không ít thì nhiều đều được Nhà nước bao cấp. Nào là thương hiệu bệnh viện, đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực... Với sự gia tăng đến chóng mặt của dân số, số lượng bệnh viện lại chưa đủ, nên phần lớn các bệnh viện đều quá tải từ 120 - 300%”.

Thử làm ghi nhận tại một loạt các bệnh viện đóng trên các thành phố lớn sẽ cho thấy một kết quả: Nơi nào cũng đầy ắp bệnh nhân. Các nhân viên y tế thì đều quay cuồng với công việc và hầu hết sống bằng nghề tay trái. Rất ít bệnh viện trả lương đủ sống cho các thầy thuốc. Chính vì thế, vai trò của giám đốc điều hành rất phai nhạt. Thậm chí, nhiều người trong số họ còn không có một khái niệm nào về công tác quản lý.

Đề cập tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Học hàm, học vị trong ngành y sẽ không còn là thế mạnh cho ghế giám đốc bệnh viện. Bộ sẽ sớm đồng bộ, xây dựng quy chế bổ nhiệm cán bộ. Tiêu chuẩn giám đốc Sở Y tế, giám đốc bệnh viện, Bộ Y tế sẽ xây dựng lại. “Chúng ta không thể bắt giám đốc bệnh viện cứ phải có học hàm giáo sư, phó giáo sư hay tiến sỹ. Bởi đã là giám đốc bệnh viện, người đó phải là một CEO, một giám đốc điều hành. Chứ còn giám đốc bệnh viện của chúng ta mà cứ suốt ngày lo đi làm giáo sư, làm tiến sỹ với giảng bài và nghiên cứu khoa học, thì hãy trở về làm thầy. Tôi thấy chúng ta phải có sự đổi mới toàn diện trong tư duy quản lý và lãnh đạo hướng đến nâng cao chất lượng bệnh viện”- bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Y tá, bác sĩ đều làm “tay ngang”

Lãnh đạo bệnh viện không am hiểu về quản trị bệnh viện, đội ngũ làm công tác này lại thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng. Hiện mới chỉ có ĐH Hùng Vương tổ chức đào tạo trình độ ĐH và ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh liên kết với một cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo thạc sĩ về quản trị bệnh viện. Bởi thế, mới có chuyện, ở hơn 1.400 bệnh viện và trung tâm y tế trên cả nước, y tá, dược sĩ hay bác sĩ phải đảm nhiệm thêm cả việc sắp xếp giường bệnh, quản lý danh sách bệnh nhân nội, ngoại trú, quản lý trang thiết bị y tế... Thầy thuốc làm việc "tay ngang", tính chuyên nghiệp không cao, và lại mất thời gian để làm công việc chính là chăm sóc bệnh nhân.

Hoàng Anh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.