Cầu cứu xuyên quốc gia
Để sống "dễ thở" hơn, không bị chủ nhà đánh đập, chị Thanh hùng hục làm việc. Tin tưởng chị đã thôi ý định trốn chạy, một thời gian sau, họ bắt đầu thả lỏng chị hơn. Sau đó, nhờ hiểu biết về công nghệ thông tin, chị đã dùng điện thoại của mình để liên hệ và kêu cứu khắp nơi từ đại sứ quán đến các diễn đàn trên mạng xã hội.
May mắn, sau nhiều thời gian kêu cứu, chị đã kết nối được với người mẹ nuôi đang sống ở Úc. Sau khi được chị Thanh chia sẻ, người này đã tìm hiểu thực hư sự việc đang diễn ra với con gái nuôi của mình. Biết hoàn cảnh éo le của con, người mẹ nuôi này đã tìm mọi cách liên hệ với Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Việt Nam cũng như các đại sứ quán mà bà biết trên đất nước Ả rập để giải thoát cho chị Thanh. Ngoài ra, chị Thanh còn liên hệ được với mẹ ruột của mình ở Việt Nam để làm đơn cầu cứu lên các cơ quan chức năng trong nước.
Khi liên lạc được với người thân, chị Thanh như sống lại vì tràn trề hy vọng được giải thoát khỏi địa ngục trần gian. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu, chị suýt bị chủ nhà phát hiện ý định cầu cứu. Một lần, những người trong nhà thấy chị sử dụng điện thoại di động. Sợ chị liên lạc với bên ngoài, họ giật lấy, đập nát.
Chị kể: “Hôm đó, tôi làm xong mọi việc và thấy các thành viên chủ nhà bắt đầu đi ngủ nên tôi cũng vô phòng của mình, lấy điện thoại lên mạng để kết nối, nói chuyện với người thân. Thật không ngờ, người con trai của nhà chủ nhìn thấy. Họ đã giật lấy điện thoại của tôi và la hét bằng ngôn ngữ của họ. Tôi đã cố gắng giải thích rằng đó là điện thoại riêng, tài sản riêng của tôi nhưng anh ta vẫn giật lấy và đập nát nó”.
Rất may, những người này không biết tiếng Việt nên không đọc được nội dung trong điện thoại mà chị Thanh trao đổi với người nhà. Thời gian sau, với sự khôn ngoan của mình, chị Thanh đã kết thân với cô cháu gái trong gia đình chủ nhà. Chị đã nhờ cô này mua giúp một chiếc điện thoại khác. Bằng chiếc điện thoại này, chị lại có thể liên lạc được với gia đình. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này, chị sử dụng điện thoại cẩn thận hơn.
Sắp về nước vẫn bị đánh
Sau khi mẹ nuôi và mẹ ruột của chị Thanh làm đơn cầu cứu, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập – Xê út đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, giải cứu chị. Đoàn Đại sứ quán Việt Nam đã đến gặp chủ nhà của chị Thanh để nói chuyện. Lúc này, gia đình này đều phủ nhận những việc hành hung, cưỡng hiếp chị. Tuy nhiên, trước những áp lực và chứng cứ không thể chối cãi, họ đã đồng ý cho chị Thanh về nước.
Trong khoảng thời gian chị Thanh chờ hoàn tất các thủ tục về nước, các thành viên chủ nhà ôm mối hận trong lòng vì bị chị tố cáo. Họ liên tục kiếm cớ vu khống chị ăn cắp đồ để có thể đánh đập chị. Thậm chí, các vật dụng cá nhân của chị, họ cũng đòi chiếm đoạt hoặc làm hư hỏng…
“Cuối cùng, tôi đành phải hối thúc, cầu cứu phía đại sứ quán đưa tôi đi ngay khỏi gia đình này. Tôi nói mình không thể nào chịu đựng thêm. Nếu tôi vẫn cứ ở đây, chắc chắn sẽ bị họ đánh đến chết,…”, chị Thanh bày tỏ. Cuối cùng, chị Thanh được các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đưa về trụ sở ở nửa tháng, chờ hoàn tất các thủ tục giấy tờ. Đến ngày 21/9/2014, chị Thanh mới có vé máy bay trở về nước.
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh, Đội trưởng đội 4, phòng 6, cục Cảnh sát hình sự (C45) bộ Công an (cơ quan Đại diện phía Nam) cho biết, ngay sau khi nhận được đơn cầu cứu của chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1981, ngụ quận 7, quê tỉnh Tây Ninh) đang xuất khẩu lao động tại Ả rập – Xê út gửi về cho mẹ ruột cầu cứu, bộ Công an đã tiến hành xác minh vụ việc. Sau khi biết được chị Thanh phải chịu áp bức, bóc lột khi đi xuất khẩu lao động, bộ Công an đã làm việc, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập – Xê út, công ty xuất khẩu lao động có hợp đồng ký kết với chị Thanh để đưa chị Thanh về nước.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)