Tâm sự đắng của người phụ nữ bị ép lấy chồng ngoại

Tâm sự đắng của người phụ nữ bị ép lấy chồng ngoại

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

"Suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi lúc ấy là thà chấp nhận làm vợ một người xa lạ còn hơn bị bọn chúng bán vào động mại dâm..."

Trong gian nhà cấp 4 ở xóm ngoài, chị ngồi trước hiên, hướng ánh mắt buồn rười rượi ra phía ao đầm và cánh đồng trước mặt. Giọng chị đứt quãng, nghèn nghẹn như muốn nhói vào tâm can người nghe. Thi thoảng, chị lại lén lau đi những giọt nước mắt.

Chị kể lại quãng thời gian 11 năm khổ cực và tủi phận khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Chị là Vũ Thị Huệ (sinh năm 1970, xóm Đường Trưỡng, xã Lập Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Ký ức định mệnh

Cuối năm 2000, nghe theo lời của một mối lái trong làng tên Đinh Thị Hời (xóm Nhà Thờ, xã Lập Lễ) đi sang Trung Quốc làm công nhân, cô gái trẻ Vũ Thị Huệ đã không ngần ngại theo đi. "Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ qua Trung Quốc làm công nhân may, vừa phù hợp với nghề mình được học, vừa kiếm được nhiều tiền giúp đỡ gia đình. Khi đó, gia đình ở quê đang thiếu thốn về kinh tế", chị Huệ nói.

Ngày đó, trong đoàn cùng đi, ngoài người mối lái tên Hời thì còn một người phụ nữ nữa mà khi xuống thuyền ở bến Bính (Hải Phòng), chị Huệ mới biết mặt. Tàu đi từ bến Bính, qua Móng Cái rồi sang cửa khẩu Trung Quốc.

Khi sang Trung Quốc, lập tức người ta đưa chị Huệ đến ở một căn nhà nhỏ, tối tại một vùng ngoại ô của thành phố Quảng Châu. Cả ngày, chị bị giam trong căn nhà cấp 4 cũ nát, tối tăm, cửa bên ngoài lúc nào cũng khóa trái và có vài gã đàn ông mặt mũi bặm trợn canh giữ.

Uống vội ngụm nước, chưa kịp đặt chén xuống bàn, chị tiếp câu chuyện trong sự e dè: "Nửa tháng ở trong căn nhà đó, tôi chỉ nghe mang máng đây là thành phố Quảng Châu còn huyện, xã nào thì mù tịt.

Khi ấy, tôi cũng đã biết mình bị lừa bán. Một buổi tối, phía bà mối Hời chỉ nói vỏn vẹn và thẳng thừng một câu là dẫn tôi đến chỗ xem mặt và gặp nhà chồng. Tôi không có quyền từ chối, đành ngồi trên xe máy cho người ta chở đi.

Sợ sệt và hoảng loạn lắm nhưng lúc này tiếng không biết, đường sá không quen, suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi lúc ấy là thà chấp nhận làm vợ một người xa lạ còn hơn bị bán vào động mại dâm. Mấy gã đàn ông bặm trợn thì liên tục đe dọa, chúng hỏi tôi rằng: "Mày muốn làm vợ một người hay muốn mua vui cho thiên hạ...?"".

Nhà chồng chị Huệ ở một vùng nông thôn (gọi là chồng nhưng thực chất vợ chồng chị không có đăng ký kết hôn). Bên mối và bên nhà chủ nhà sau một hồi trò chuyện bằng tiếng Trung xì xồ thì ra vẻ đồng ý với nhau, chị Huệ chỉ còn biết nhìn phía gia đình nhà chồng ra hiệu bằng cử chỉ rồi làm theo.

Pháp luật - Tâm sự đắng của người phụ nữ bị ép lấy chồng ngoại

Chị Vũ Thị Huệ.

Chị bảo, ngay từ lúc mới đến, chồng chị đã có thái độ dửng dưng, vô cảm. Mấy tháng sau đó, hai vợ chồng không nhìn mặt nhau vì anh ta không thích chị. Duy chỉ có gia đình chồng là đồng ý, phần vì họ muốn con trai mình khỏi ế vợ, phần vì mong có cháu trai để nối dõi. Lúc ấy, thông tin duy nhất mà chị biết về chồng là anh ta hơn mình 3 tuổi.

"Ở đây, cuộc sống ngày thường chẳng khác gì nông dân ở Việt Nam là mấy. 4 tháng đầu không biết tiếng, tôi quanh quẩn đi làm đồng. Chồng tôi thì lúc nào cũng chìm ngập trong rượu chè, không động tay, động chân vào bất cứ việc gì của gia đình.

Một thời gian sau khi học được tiếng, tôi xin đi làm công nhân may, thu nhập một tháng khoảng 700 nhân dân tệ (gần 2 triệu đồng/tháng). Lấy chồng một năm thì tôi sinh con trai đầu lòng, ngặt nỗi vợ chồng không có tình cảm, lúc nào chồng tôi cũng xin tôi tiền, nếu tôi không cho thì hắn mắng chửi, đánh đập.

Nhiều hôm, hắn đạp vào người tôi bầm tím. Bố mẹ chồng thì luôn cho con trai họ đúng nên cũng chẳng khuyên can", chị Huệ nghẹn ngào kể.

Kiếm được bao nhiêu tiền, chị Huệ lại dồn hết vào việc chăm con. Tiền ăn uống hàng ngày khá eo hẹp, mang tiếng là lấy chồng nước ngoài mà chị chưa lần nào dư giả để gửi về quê biếu cha mẹ già một đồng, một cắc nào.

Thi thoảng gọi về quê, nghe ở nhà nói thiếu cái này, cái kia mà lòng chị nghẹn đắng. Nghèo đói, khổ cực, lại bị bạc đãi nhưng chị không có tiền về nước, cũng chẳng biết đường, hơn nữa, cơ hội bỏ trốn cũng không dễ dàng...

Một thân một mình bơ vơ nơi xứ người, ở gần đó không có bóng dáng của một người Việt nào, chị chỉ còn biết tiếp tục sống và chấp nhận định mệnh đã an bài.

Trong đời sống vợ chồng do không hiểu tiếng, không thương yêu và thông cảm cho nhau, chị liên tiếp phải gánh chịu những trận bạo hành về cả thể xác lẫn tinh thần.

Éo le hơn nữa là cả phía bố mẹ chồng cũng rất khó tính, sống cổ hủ. Sinh được một trai, một gái thì ông bà chỉ biết đến đứa cháu trai còn cháu gái từ khi mới lọt lòng đã bị hắt hủi.

Xa nhà, chị bảo con gái tủi thân nhất là dịp tết đến. Trong mấy năm chưa bao giờ chồng chị nói được với vợ một câu ân cần, tình cảm. Hai vợ chồng ngủ riêng, cuộc sống lạnh nhạt.

Nói đoạn, chị thở dài: "Nghĩ lại cả quãng thời gian làm dâu ấy, tôi thấy ám ảnh, người ta đày đọa mình chẳng khác nào con vật. Tôi ước giá như chỉ lấy một thanh niên trong làng, không giàu nhưng lại yêu thương nhau nhưng tuổi trẻ nông nổi quá và cũng lỡ rồi".

Nỗi đau khi bỏ con xứ người

Suốt cuộc trò chuyện, tôi không nhớ đã bao nhiêu lần chị Huệ ngập ngừng, bỏ dở câu chuyện. Chị phân trần, đau đớn gì cũng qua rồi, những nỗi bất hạnh mà chị đã phải chịu đựng thì nhiều lắm nên chị không muốn nhắc lại nữa.

Lo lắng cho cuộc mưu sinh hàng ngày, người phụ nữ ấy vẫn phải chịu đựng những lời dọa dẫm, đánh chửi. Có lần, chị bị chồng ép nhịn ăn rồi cảnh báo rằng sẽ đưa vào nhà chứa nếu không đưa tiền cho hắn.

Trong đời sống riêng, hai vợ chồng thi thoảng lắm mới gần gũi, mỗi lần ấy với chị chẳng khác nào cực hình. Chị tâm sự: "Hai vợ chồng giường ai nấy ngủ, mình làm dâu nên có trách nhiệm phải sinh nở, tôi nghĩ có lúc anh ta sẽ thay đổi nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy".

Quãng thời gian làm dâu bên xứ người là chuổi ngày dài của cơ cực, vất vả của chị Huệ. Lúc chị đau ốm, người ta cũng mặc kệ, chỉ đến khi chị gục ngã hẳn, nhà chồng mới quan tâm. Tiền đi làm còn đồng nào thì tự mua thuốc men, không thì nằm nhà, chưa bao giờ có chuyện chị được đưa đi viện chữa bệnh.

Khi đứa con gái tên Nhi ra đời, với tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ, một mình chị lại cắn răng dành dụm tiền, đồ ăn cho con. Ngày trốn về Việt Nam, chị chẳng có tiền, chỉ có thể đưa một đứa con về nước.

Chị nghĩ, dù có đưa cả hai con về cũng chẳng đủ tiền nuôi. Con trai do mình đẻ, mình thương, phải để con bên đó chị cũng đau lòng lắm nhưng khả năng của chị không nuôi được nên đành để cháu ở lại bên đó. Bỏ lại con ở xứ người là điều bất đắc dĩ, mỗi đêm nằm nghĩ về con chị lại khóc, bất lực và thương nhớ con.

Nói về thời khắc quyết định bỏ lại con ở xứ người để về nước, chị kể: "Năm ngoái, tôi bảo với cả nhà là bồng Nhi đi chơi rồi nhân cơ hội đó bỏ trốn. Hai mẹ con ra bắt xe lên bến xe thành phố Quảng Châu, từ đó đi tiếp xe Quảng Tây, đến cửa khẩu Móng Cái rồi về Hải Phòng. Nhà chồng không bao giờ gọi điện thoại về quê hỏi han, ông bà chỉ cần cháu trai, cháu gái thì có cũng như không".

Hiện hai mẹ con chị Vũ Thị Huệ sống với bố mẹ già. Ruộng cũng chẳng có, ngày chị đi xứ người cũng là lúc hộ khẩu và quốc tịch Việt Nam đã bị cắt. Mấy sào ruộng của bố mẹ già nằm ở vũng trũng, sâu, bùn đen nên không thể cày cấy mà đổi thành đầm ao, thả cá, chăn nuôi gà vịt.

Về Việt Nam, khó khăn nhất với chị là các thủ tục pháp lý cho bản thân và cho bé Nhi. Do không có hộ khẩu, chị phải chật vật với thủ tục khai sinh cho con. Thêm nữa, chị phải chạy đi chạy lại để xin làm thủ tục giấy tờ cho chính mình.

Dù điều kiện nhà chồng cũng xếp vào hàng khó khăn nhưng chị Huệ cho biết, người ta thường có tâm lý kỳ thị, coi thường người Việt Nam, nghĩ mình khó khăn mới phải qua đó lấy chồng. Ra đường, hễ thấy người Việt Nam thì họ xì xèo, chê bai đủ thứ.

Mới hơn 40 tuổi, nhưng với chị Huệ, cánh cửa tâm hồn như khép lại. Chị không nghĩ cho mình, không muốn đi bước nữa mà chỉ ở vậy nuôi con ăn học. "Mong muốn duy nhất của tôi là sau này hai đứa con có dịp nhận nhau...", vừa nói chị vừa gạt vội giọt nước mắt.

Hướng ánh mắt ra xa, giọng chị chùng xuống: "Nhi lớn tôi phải cho nó biết gia đình, biết nơi sinh ra. Năm nay tôi mới làm được hộ khẩu, sang năm làm hộ chiếu rồi đến dịp hè cho Nhi sang Trung Quốc thăm anh trai, chứ bố nó thì thăm làm gì".

"Sống dở, chết dở" với chồng ngoại

Hiện không ở đâu, trào lưu con gái lấy chồng ngoại lại nở rộ như ở Lập Lễ. Số phụ nữ "sống dở chết dở" với các ông chồng ngoại, bỏ trốn về quê cũng gia tăng. Nhắc đến chuyện này, chị Vũ Thị Huệ lắc đầu: "Với những cô gái có giấc mơ lấy chồng ngoại, họ thích thì không ngăn được, mình nói đâu có ai nghe bởi cả xã người ta đua nhau lấy chồng ngoại".

Yến Dương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.