Tâm sự khó nói ở ngôi làng không có đàn ông

Thứ 6, 28/12/2012 00:05

Chị Nguyễn Thị Nhan, người "khai sinh" ngôi làng Lòi nổi tiếng ở xứ Nghệ tâm sự rằng: "Chúng tôi rồi sẽ già và ai cũng muốn có cho mình một chỗ dựa lúc cuối đời. Thế là tự thân mỗi người, bằng cách này cách khác, đã đi xin, để kiếm cho mình một đứa con".

Ngày ấy, chuyện như vậy là đi ngược với định kiến xã hội, nhưng chẳng ai lên tiếng oán hờn chị em làng Lòi cả, bởi suy cho cùng, những con người với những cảnh đời bất hạnh và rất đặc biệt này cũng đáng được thông cảm. Nhất là khi, những chị em này là những nữ TNXP, dân quân tự vệ, bộ đội đã không tiếc sự hy sinh tuổi xuân của mình cho Tổ quốc.

Những mong muốn rất con người

Không ai còn nhớ chính xác ngày tháng thành lập ngôi làng này, nhưng đó là thời điểm của những ngày sau 30/4/1975. Chưa kịp hân hoan với niềm vui thống nhất nước nhà, chị em phụ nữ ở xã Viên Thành (Yên Thành - Nghệ An) đã phải lo cho số phận hẩm hiu của mình. Không cam chịu, 30 cô gái có cùng hoàn cảnh đã quyết định rời bỏ chức vị, rời bỏ gia đình ra khai hoang ở một vùng đất mới, và lập nên ngôi làng có tên như bây giờ. Họ sống quần tụ, sớm tối thắp lửa tắt đèn có nhau.

Và rồi, khi thời gian chẳng đợi tuổi, như nghĩ đến phận già cô đơn của mình, họ đã xin có cho mình mỗi người một đứa con để nương tựa khi ốm đau. Tất nhiên, lúc này, việc làm đó đi ngược với định kiến xã hội, nhưng âu đó cũng là điều dễ thông cảm, bởi phàm là con người, ai chẳng khát khao thiên chức được làm mẹ.

Chị Nguyễn Thị Nhan nhớ lại, thời điểm sau chiến tranh, chị Nhan tưởng rằng sẽ được cùng chồng đoàn tụ, cùng với đứa con gái sắp chào đời. Nhưng rồi 1 tháng, 2 tháng sau ngày hòa bình, chồng chị vẫn biệt vô âm tín. Hỏi qua đồng đội của chồng thì được biết, anh ấy đã định cư luôn ở tỉnh Lâm Đồng và có gia đình mới. Nén nỗi đau, chị sinh con trong nỗi cô đơn, tủi hờn. Biết không thể sống mãi với những gièm pha của thiên hạ, chị Nhan quyết định ôm con ra một bãi đất hoang, dựng nhà và tự sinh sống. Sau chị, còn có chị Tuyền, chị Hương, chị Tâm...Tổng cộng là 29 người nữa tiếp bước “khai sinh” lập nên ngôi làng Lòi.

Sau một vài năm, cuộc sống nơi ngôi làng Lòi bắt đầu hình thành, họ sinh sống và sản xuất, những người phụ nữ không ngại cày bừa, lao động nặng nhọc như những trụ cột trong bao gia đình khác. Nhưng khi gánh nặng về kinh tế đã ở lại phía sau lưng, sự cô đơn cũng được vơi dần khi có bóng dáng của những đứa trẻ.

Chị Nhan kể: Năm 1988, chị đã làm liều đề nghị "xin" đứa con, và được một người đàn ông cùng xã chấp nhận. Tất nhiên, chỉ một lần duy nhất mà thôi, chị một mình nỗ lực nuôi con mà không cần bất cứ ai phải san sẻ gánh nặng. Sau lần ấy, chị có thêm đứa con trai và thỏa ước nguyện từ bấy lâu. Không phải chị Nhan, mà hầu như chị em làng Lòi nào cũng vậy. Ngày ấy, hiểu cho thân phận éo le và khát khao rất con người của chị em làng Lòi, mà chẳng ai lên tiếng, hay xì xào bàn tán bất cứ chuyện gì.

Truân chuyên những mảnh đời

Làng lòi hiện nay đã có tên mới là thôn Đội Cung, xã Viên Thành (Yên Thành - Nghệ An). Dân cư đã tập trung đông đúc, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Người dân ở đây cho biết, làng đang có phong trào đi Tây (xuất khẩu lao động). Tưởng rằng, với sự phát triển của xóm làng, chị em làng Lòi cũng may mắn hưởng lợi và giảm bớt đi phần nào nỗi lo cơm áo. Nhưng trong câu chuyện với chị Nhan và chị Lưu, chúng tôi lại phải nghe những điều hoàn toàn trái ngược.

Chị Nhan bảo, chị phải bán đất, chạy đôn chạy đáo khắp nơi mới kiếm được 120 triệu đồng cho đứa con trai đi xuất khẩu lao động. Nhưng sang làm việc ở Tây Á, chị cũng không biết được con mình sống chết thế nào, bởi thông tin lúc có lúc không, khiến chị ngày đêm thấp thỏm. Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hương còn đáng thương hơn nhiều. Chị bị tật nằm một chỗ từ gần chục năm nay, mọi việc trong gia đình do đứa con trai sinh năm 1987 tên là Hồng lo liệu hết. Nhưng bởi làm việc quá sức, năm 2004, Hồng bị chết khi đi bắt rạm trên cánh đồng làng, nguyên nhân sau này được xác định là do say nắng. Chị Hương hiện đang sống trong 2 gian nhà tình nghĩa do xã Viên Thành làm cho, nhưng mọi việc sinh hoạt đều phải nhờ đến bà con chòm xóm.

Hoàn cảnh của chị Xuân cũng thật đáng thương. Chị có 3 người con thì một người chết vì bệnh ung thư, người nữa thì tàn tật, cuộc sống cơ cực, chị Xuân phải bươn chải khắp nơi để lo cho những đứa con tội nghiệp của mình. Hay như chị Tâm, người chỉ có một đứa con duy nhất bỗng dưng mất tích, nay chưa rõ tung tích. Nhiều năm nay, chị Tâm sinh ra lẩn thẩn, suốt ngày gọi tên con.

Theo tìm hiểu của PV, thì gần như chẳng đứa trẻ nào ở làng Lòi học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên, đa phần phải bỏ học vì hoàn cảnh oái oăm của gia đình. Gần đây, làng có phong trào đi xuất khẩu lao động, chị em làng Lòi cũng phấn đấu cho con mình xuất ngoại để mong đổi đời. Ngoài chị Nhan, còn có chị Hữu, chị Bình, chị Khang cũng có con đi xuất khẩu lao động, nhưng ở mấy gia đình này, chưa một gia đình nào sung túc nhờ có người đi Tây.

Dù sao đi nữa, như chị Nhan, chị Hương, chị Tâm còn đỡ, vì vẫn có những đứa con để cảm nhận và nếm trải vui buồn, hạnh phúc, bất hạnh. Còn tình cảnh như bà Bốn, bà Đạt đáng thương hơn nhiều khi phải sống cô đơn, không người nương tựa. Hai người phụ nữ này thuộc số 30 người khai sinh ra làng Lòi. Tâm nguyện kiếm một đứa con nương tựa lúc tuổi già, nhưng bởi nhiều lý do nên đã không được toại nguyện, thành ra phải cô đơn như thế.

Hiện tại, bà Bốn, bà Đạt đang sống trong ngôi nhà tình nghĩa do nhân dân đóng góp xây tặng. Nhưng có lẽ, đáng thương nhất vẫn là chị Lan. Đi bộ đội trở về, chị Lan không lập gia đình, cũng không thể có con, nên phải sống một mình. Tuổi đã cao lại bệnh tật, chị sợ cô đơn nên quay trở về sống với gia đình của người em. Tuy nhiên, do em trai cũng khó khăn, nên chị cũng không biết đường nào mà tính.

Mỗi nhà một cảnh, nhưng bao trùm lên tất cả là sự cô đơn và nỗi đau chỉ biết nén vào trong. Phụ nữ dù có nỗ lực, phi thường đến mấy cũng không thể thay thế hết được công việc và trách nhiệm của người đàn ông. Làng Lòi là cá biệt với rất nhiều nỗi truân chuyên của những con người khổ đau và rất cần sự quan tâm của toàn xã hội.

Chuyện buồn nhân thế

Chị Nhan kể: Sau khi thông tin xuất hiện trên truyền thông (khoảng năm 1990), chị em làng Lòi nhận được rất nhiều sự quan tâm chia sẻ của toàn xã hội. Chị em phấn khởi vui vẻ hẳn lên, khi vài ba tháng lại được một đoàn nào đó về động viên, và tặng cho những món quà ý nghĩa. Chị Nguyễn Thị Lưu cho biết: "Đoàn nào về cũng chỉ trao quà cho 30 chị em có công khai sinh làng Lòi (Trong khi, làng bây giờ có rất nhiều hộ mới, họ không thích điều này) và ngay cả chính quyền ở xã cũng có người không thích chuyện đó. Rồi chuyện gì đến sẽ phải đến. Năm 2008, một doanh nghiệp về thăm làng Lòi và tặng cho chị em 100 triệu đồng, nhưng sau đó tuyệt nhiên, chị em làng Lòi không được nhận một xu. Kiện cáo nhiều cũng bằng thừa, xã đem phát đi đâu không ai hay. Hiện nay, con số phụ nữ không chồng ở xã Viên Thành tăng vọt, nên chị em làng Lòi lại bị mang tội là dẫn đường cho một thói hư. Tất cả như mũi dùi chĩa vào chị em làng Lòi, không rõ vì những món quà tài trợ chỉ đến với chị em đầu tiên "khai sinh" làng, hay vì họ là "tội đồ" gây ra họa lớn cho làng xã. Thật buồn vì trong khi chị em làng Lòi đang khốn khổ vật lộn với cuộc sống, thì sự đố kỵ ở đâu đó xung quanh càng tăng thêm nỗi đau cho họ.

Kim Thoa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.