Mỹ có "vuốt râu hùm?
Nếu lựa chọn tấn công vào căn cứ không quân của Syria, Mỹ sẽ phải cẩn trọng một cách hết sức có thể nếu không muốn “run tay” bắn nhầm hỏa lực vào các lực lượng Nga có mặt tại đây, theo The Guardian.
Cách đây 1 năm, Tổng thống Donald Trump từng ra lệnh tấn công căn cứ không quân Al-Shayrat bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk, nhằm phản ứng với cáo buộc tấn công hóa học ở Syria.
Vào thời điểm đó, Mỹ tuyên bố đã phá hủy 20 máy bay mà Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis mô tả là 20% sức mạnh không quân của Syria và làm tổn hại nghiêm trọng căn cứ. Tuy nhiên, các thông tin khác đã bác bỏ điều này, nói rằng các máy bay Syria đã cất cánh khỏi đây chỉ vài giờ trước.
Kể từ đó đến nay, vẫn chưa có những cuộc điều tra hay bằng chứng mới nào xác thực cáo buộc tấn công hóa học là có thật. Sau vụ tấn công bằng khí độc nghi ngờ ở Douma, Nhà Trắng đang cân nhắc một cuộc tấn công khác ở quy mô lớn hơn.
Theo tờ The Guardian, nếu Tổng thống Trump cần gửi một thông điệp mạnh mẽ hơn vào thời điểm này, một trong những lựa chọn hàng đầu là tiêu diệt toàn bộ lực lượng không quân Syria.
Theo số liệu quân sự do viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London công bố: Syria có 15.000 nhân lực trong lực lượng không quân; Israel có 34.000 và Mỹ là 316.000.
Với năng lực khiếm tốn của Syria, nhà phân tích quân sự của Israel, Reuven Ben-Shalom, đánh giá khả năng của Mỹ là thừa sức tiêu diệt lực lượng không quân của nước này.
Tuy nhiên, nhân vật này lưu ý rằng, vấn đề ở đây không phải là đối đầu quân sự đơn thuần với lực lượng của Syria.
"Điều quan trọng chính là chiếc ô mà Nga đã đưa cho người Syria. Hay nói cách khác, người Nga đang ở bên trong Syria". Nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 có thể nổ ra nếu như Washington “vuốt râu hùm” Moscow - Ben-Shalom cảnh báo.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Jeremy Binnie từ Jane's by IHS Markit cho rằng: "Hải quân Mỹ có thể sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk để thực hiện một cuộc tấn công trả đũa lớn hơn vào căn cứ không quân al-Shayrat năm ngoái, nếu họ có đủ số tàu khu trục và tàu ngầm tấn công trong phạm vi".
Các mục tiêu có thể sẽ là chiến đấu cơ hoặc các khí tài khó sửa chữa hơn so với cơ sở hạ tầng quân sự.
Nếu cuộc tấn công vào căn cứ Al-Shayrat năm ngoái đã làm tổn hại 20% lực lượng không quân Syria (theo như tuyên bố của Mỹ), thì cuộc tấn công lần này với quy mô gấp bốn lần trên lý thuyết sẽ gần như khiến cho lực lượng không quân nước này tiêu vong.
Dẫu vậy, nguy cơ lớn nhất mà chính quyền Trump phải đối mặt không phải là hệ thống phòng không của Nga mà là vô tình làm tổn hại lực lượng của Nga.
Chính quyền Mỹ đã cảnh báo Nga trước vụ tấn công Al-Shayrat vào năm ngoái và chắc chắn lần này cũng sẽ làm như vậy để tránh nguy cơ tung nhầm hỏa lực vào phía Moscow.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mọi thứ trong chiến tranh đều có thể sai lầm.
Căng như dây đàn
“Mỹ phải hết sức chú ý để không tấn công vào các mục tiêu Nga hoặc lỡ giết nhầm cố vấn Nga. Chỉ điều này cũng khiến cho Mỹ bị hạn chế đáng kể trong việc đưa ra các lựa chọn vì quân nhân Nga thường hoạt động chung với các đội quân của Syria”, chuyên gia Ben Connable thuộc trung tâm nghiên cứu Rand nói với AFP.
Cùng với đó, Mỹ cũng phải tránh hai căn cứ quân sự do Nga kiểm soát trên lãnh thổ Syria, bao gồm căn cứ không quân Hmeimim ở phía Tây và căn cứ hải quân Tartus bên bờ Địa Trung Hải.
Trong quan điểm của mình, đại tá Daniel Davis, chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu Defense Priorites, ủng hộ việc Mỹ nên đi theo cam kết rút quân trước đó, thay vì tiếp tục tấn công Syria và dấn sâu vào vũng lầy nơi đây.
“Lựa chọn chính trị tệ hại nhất đối với Mỹ chính là can thiệp sâu hơn vào cuộc nội chiến tại Syria, trong khi cuộc nội chiến này không đe dọa an ninh và sự phồn thịnh của Mỹ. Đặc biệt khi, can thiệp quân sự kiểu này có nguy cơ va chạm với Nga, quốc gia đang nắm giữ vũ khí hạt nhân”, đại tá Daniel Davis nêu quan điểm.