Với 56 phiếu thuận và 43 phiếu chống, ngày 1/2, ông Rex Tillerson đã chính thức được Thượng viện Mỹ thông qua và trở thành người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông được cho là một nhân vật “thân Nga” và từng có nhiều quan hệ giao dịch, kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí với Nga từ trước đó.
Ban đầu, một số thành viên đảng Cộng hòa tỏ ra e dè với quyết định bổ nhiệm ông Tillerson thành Ngoại trưởng Mỹ do ông là một người có ít kinh nghiệm về chính trị. Nhưng sau đó, tất cả thành viên đảng Cộng hòa đã ủng hộ ông.
Ông Tillerson từng chịu trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh của tập đoàn Exxon Mobil tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Tân Ngoại trưởng Mỹ cũng từng phản đối lệnh trừng phạt Nga và được Tổng thống Vladimir Putin trao Huân chương Tình bạn năm 2013, chỉ ít năm sau khi ông hoạt động ở Nga.
Nhiều người từng bày tỏ kỳ vọng quan hệ giữa Moscow và Washington sẽ được cải thiện tích cực hơn sau khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ và ông Rex Tillerson đứng đầu Bộ Ngoại giao, làm cầu nối cho quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, theo cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Micheal McFaul, ông Rex Tillerson có thể sẽ có những quan điểm cứng rắn đối với Nga chứ không hoàn toàn đứng về phía Moscow như điều mà mọi người đang suy luận. Cụ thể, ông McFaul nhận định, ngài Ngoại trưởng Tillerson có thể sẽ là người có quan điểm “đối lập” với sự nhiệt tình của Tổng thống Trump hướng về phía Nga.
Trên thực tế, hồi tháng 2 năm ngoái, tân Ngoại trưởng Rex Tillerson từng tự hào nói về mối quan hệ của ông với Tổng thống Vladimir Putin nhưng cũng nhấn mạnh rằng ông “không đồng ý” với tất cả những gì mà nhà lãnh đạo Nga đang làm.
Trong phiên điều trần phê chuẩn chức vụ hồi đầu tháng 1 năm nay, ông Tillerson cũng công khai xác nhận trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ rằng Nga tạo ra một mối nguy hiểm đối với Mỹ và các đồng minh trong khối NATO.
Dù Tổng thống Trump thường thể hiện sự tôn trọng với ông Putin và nước Nga cũng như có xu hướng gần gũi với Moscow nhưng ông Tillerson khẳng định, Mỹ và Nga “không giống như những người bạn”. Theo nhận xét của vị ngoại trưởng này, “hiện tại hai nước rõ ràng đang ở trong tình thế đối lập và không hề thân thiện”.
“Tillerson có vẻ sẽ cứng rắn hơn với Nga so với Tổng thống Trump”, cựu Đại sứ McFaul viết lên trên mạng xã hội Twitter ngay khi đang diễn ra phiên điều trần.
Trong cuốn sách mang tên “Đế chế tư nhân: Exxon Mobil và quyền lực Mỹ”, tác giả Steve Coll đã dẫn lời một nhà lãnh đạo tập đoàn Exxon Mobil cho hay, Tổng thống Nga Putin đã bất ngờ nổi cáu khi ông Tillerson đề nghị triển khai thỏa thuận hợp tác dầu khí tại dự án Sakhalin-I theo luật định của Nga chứ không nên dựa vào sắc lệnh hành pháp tổng thống.
Một quan chức từng làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ, người hiểu biết rõ về ông Tillerson, cũng bác bỏ về ý kiến khẳng định ông ứng xử quá thân mật với ông chủ điện Kremlin. “Họ chắc chắn chẳng phải những người bạn thân thiết với nhau”, người này nói.
Tuy vậy, vẫn có nhiều chuyên gia lạc quan về tương lai quan hệ giữa hai cường quốc sau khi ông Tillerson chính thức nắm giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Theo cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga Igor Yusufov, ông Tillerson có thể hồi sinh sự hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt giữa Washington và Moscow.
Trong khi đó, theo nhà phân tích người Nga Dmitri Trenin, làm việc tại văn phòng đại diện ở Moscow của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, tân Ngoại trưởng Mỹ là người không khoan nhượng và cực kỳ dứt khoát. “Tôi kỳ vọng ông ấy sẽ sửa đổi một số chính sách không cần thiết đã biến Nga trở thành đối thủ của Mỹ”, chuyên gia này nói.
Xem thêm: Hơn 100.000 người Nhật 'mất tích' mỗi năm, họ ở đâu?
Danh Tuyên