Lương tăng 15%...
Từ nhiều tháng nay, công nhân tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp chờ đợi thông tin về việc phê duyệt tăng lương tối thiểu. Bởi với mức lương đang hưởng, nhiều người không đủ trang trải những chi phí tối thiểu chưa nói đến việc gửi tiền về quê cho ông bà nuôi con. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu, vùng với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với các đơn vị trên từ ngày 1/1/2014 sẽ tăng khoảng từ 250.000-350.000 đồng (khoảng 15%) so với mức cũ. Cụ thể, vùng I tăng từ 2.350.000 đồng lên 2.700.000 đồng, vùng II từ 2.100.000 đồng lên 2.400.000 đồng, vùng III từ 1.800.000 đồng lên 2.100.000 đồng, vùng IV tăng từ 1.650.000 đồng lên 1.900.000 đồng.
Cuộc sống của nhiều công nhân vẫn gặp nhiều khó khăn (ảnh minh họa).
Chậm nhất đến 2016 tiền lương tối thiểu phải theo kịp mức sống tối thiểu Ông Đặng Quang Điều cho rằng: Theo tôi cần đưa ra mốc thời gian là năm 2015 mà chậm nhất là năm 2016, tiền lương tối thiểu phải theo kịp mức sống tối thiểu. Tức là tiền lương tối thiểu mỗi năm phải tăng lên 30%. Tăng từ năm 2014, 2015 thì đến 2016 tiền lương tối thiểu mới đáp ứng được mức sống tối thiểu". |
Được biết trước đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có cuộc khảo sát và cho rằng, mức lương tối thiểu năm 2014 phải được điều chỉnh tăng thêm so với năm 2013 từ 400.000-850.000 đồng (khoảng 24-36%) thì mới có thể đáp ứng 77-84% so với nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động. Mặc dù mức lương tăng chỉ bằng một nửa đề xuất tăng cao nhất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (36%), nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, tăng lương vào thời điểm này vẫn không khác gì "ép chết" doanh nghiệp. "Nồi cơm" của họ có nguy cơ bị vỡ.
Trước thông tin, công nhân, người lao động sắp được tăng lương, chị Nguyễn Thị Ngọc (khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho hay: "Tôi có đọc báo, nghe đài và chờ đợi kết quả quyết định tăng lương của Chính phủ. Bởi, hiện nay mức thu nhập của tôi chỉ hơn 2 triệu đồng. Số tiền này tôi chi tiêu tiết kiệm lắm cũng không thể đủ cho chi phí thuê nhà, ăn uống, điện thoại... Nhiều tháng nay, tôi không có tiền để gửi về quê nuôi con. Với mức tăng như hiện nay, có lẽ, thu nhập của tôi cũng không nhích lên là bao, cũng chẳng thấm tháp so với trượt giá".
Trao đổi với PV, ông Đặng Quang Điều cho hay: "Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất việc điều chỉnh mức lương như vậy là cố gắng lớn của Chính phủ để đáp ứng một phần đời sống của người lao động. Tuy nhiên, với mức tăng như hiện nay, về phía công đoàn cho rằng, nó vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu. Theo quy định của Bộ luật Lao động thì tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và con cái họ. Tuy nhiên, mức tăng như vậy mới chỉ đáp ứng được 70% mức sống của người lao động thôi, cho nên người lao động còn rất khó khăn vẫn phải chi tiêu hết sức tằn tiện mới đủ cho cuộc sống của mình.
Theo ông Điều trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì công nhân chấp nhận chia sẻ với doanh nghiệp, nhà nước. Tuy nhiên, nếu hỏi mức tăng đó đã đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của người lao động, của luật lao động chưa thì câu trả lời là chưa thực hiện được.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội phân tích: Khi tăng lương tối thiểu, điều đầu tiên cần phải chú ý đó là chỉ số thất nghiệp, sau đó là chỉ số lạm phát. Tăng lương tối thiểu mà không dựa trên năng lực thật của nền kinh tế thì sẽ gây ra lạm phát, mà để xảy ra lạm phát thì vô hình trung việc tăng lương không còn ý nghĩa nhiều.
Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam).
... Chưa kịp mừng đã lo
Doanh nghiệp nào kém thì giải thể Cảm thông với những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện song vị này cũng cho rằng, một số doanh nghiệp nếu nợ lương, nợ bảo hiểm mãi thì sẽ không tồn tại được. Chính vì thế, chính sách lương tối thiểu sẽ là một yếu tố để xem xét doanh nghiệp nào yếu kém thì phải giải thể. |
Bà Hương nhấn mạnh, tiền lương không phải là trợ giúp xã hội mà là một khoản chi phí trong sản xuất cho nên phải bảo đảm được khả năng chi trả của doanh nghiệp. Tiền lương tác động toàn bộ đến tổng chi trực tiếp (các khoản chi để thuê mướn lao động) và các khoản chi gián tiếp (toàn bộ phúc lợi an sinh xã hội đi theo) của doanh nghiệp. Cho nên, khi tính toán tăng lương, phải đưa hệ thống mức lương tối thiểu giả định đã đề ra cộng với các chi phí lao động khác. Nếu sản xuất có khả năng bù đắp thì việc tăng lương mới là tăng lương thật, còn không thì nó sẽ tạo ra lạm phát. Lạm phát chính là cái chênh lệch giữa giá trị của đồng tiền danh nghĩa và giá trị thực tế của đồng tiền.
Chính vì thế, theo vị Viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội, yếu tố quan trọng khi tăng lương là phải cân đối với khả năng chi trả của doanh nghiệp. Đồng thời, nó phải cân đối với các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng đầu tư... Tăng lương tối thiểu là tốt, nhưng tốt cho những người lao động có công ăn việc làm. Còn nếu tăng mà doanh nghiệp không chịu được, họ phải bỏ bớt lao động ra. Những người phải ra khỏi thị trường lao động sẽ thất nghiệp, đời sống lại kém đi thì việc tăng lương lại là tăng cái chênh lệch bất bình đẳng, tăng nghèo đói lên. Chi phí của Nhà nước về thất nghiệp lại phải tăng lên. Nói là tín hiệu vui nhưng chưa chắc, vì có thể nó chỉ vui với một nhóm người những người đang ở lại và may mắn sẽ được ở lại các doanh nghiệp.
Dẫn giải ra con số thực tế, bà Hương cho hay: "Tăng lương là tốt cho người lao động làm công ăn lương, nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ có 35% thôi. Còn một số rất lớn những người lao động khác. Những đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là rất tốt nhưng cũng cần phải nhìn nhận là cần bảo vệ cho toàn bộ người lao động chứ không riêng gì tầng lớp làm công ăn lương. Việc tăng lương tối thiểu phải cân đối giữa những người được hưởng lợi và những người sẽ chịu hậu quả do chính sách tăng lương tối thiểu. Đứng về mặt Nhà nước phải xem chính sách đó có gây nên thất nghiệp không, nếu chính sách đó mà thất nghiệp tăng lên thì Nhà nước lại phải chịu thêm những gánh nặng xã hội khác".
P.Hạnh - T. Huế