Chậm tiến độ so với đăng ký
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 87,84km, gồm Tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Tiểu dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, đi qua thị xã Hoàng Mai và 5 huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên.
Trong đó, Tiểu dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có chiều dài tuyến 49,3km đi qua 4 huyện: Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (44,46km) và huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (4,84km). Dự án có 4 gói thầu xây lắp, khởi công ngày 22/5/2021, dự kiến hoàn thành tháng 5/2024. Giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 11.157,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia hơn 6.067,7 tỷ đồng. Hợp đồng BOT ký giữa Bộ Giao thông vận tải với liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - Cienco4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - CTCP Đầu tư và xây dựng VINA2 và CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng là doanh nghiệp dự án.
Hiện, dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đang chậm tiến độ so với đăng ký của doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực, làm tăng ca để bù tiến độ, đặc biệt phải đảm bảo nguồn lực tài chính.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 (Ban QLDA6) phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp. Thời gian tới, nếu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tiếp tục chậm tiến độ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban QLDA6 căn cứ các quy định hợp đồng BOT đã ký, kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định.
Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành trên toàn tuyến, đủ công địa để các nhà thầu thi công. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm vướng cục bộ ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, thời tiết mưa nhiều, khó khăn tiếp cận các mỏ vật liệu đắp; nguồn đất đắp khó khăn, các nhà thầu phải lấy đất ở các mỏ xa dự án nên giá cả tăng cao hơn nhiều so với dự toán được duyệt. Cùng với đó, mặt bằng ở một số vị trí đường găng của dự án được bàn giao chậm (như rừng phòng hộ phía Bắc, phía Nam hầm Thần Vũ…).
Ngoài ra, một số vị trí thiết kế kỹ thuật chưa phù hợp dẫn tới trong quá trình thi công người dân phản đối đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công của nhà thầu. Một số vị trí nền đường đào (Km438+500 – Km438+681 do thi công và Km453+250 – Km453+500 của công ty Hoà Hiệp thi công) do quá trình thi công làm nứt nhà dân, hiện nay người dân ngăn cản không cho nhà thầu thi công.
Đoạn tuyến Km464+360 – Km464+460 cũng bị sụt lún nền đường bất thường, phải dừng thi công và tiến hành khoan địa chất bổ sung để đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng công trình ổn định lâu dài…
Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng cho hay, đơn vị đã đề nghị với Ban QLDA6 hỗ trợ đẩy nhanh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng những vị trí còn lại; khẩn trương làm trích đo, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng bổ sung phần còn thiếu (khoảng 4.000m2) khu vực trạm thu phí QL46B.
Đồng thời, đề nghị Ban QLDA6 đôn đốc chỉ đạo các bên sớm phê duyệt dự toán đối với những hạng mục điều chỉnh TKKT để ký phụ lục hợp đồng BOT, ký phụ bảng khối lượng…; hỗ trợ tạo điều kiện cho nhà thầu công tác thanh toán để sớm có dòng tiền triển khai thi công đáp ứng tiến độ.
“Doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công... đang quyết tâm rất cao. Chúng tôi đang thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, làm liên tục ngày đêm. Nếu thời tiết ủng hộ như thời gian qua thì dự án sẽ về đích đúng hạn”, đại diện Phúc Thành Hưng cho hay.
Huy động tối đa nhân lực, thiết bị để đảm bảo tiến độ
Chiều 21/1, Đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, chỉ đạo hiện trường Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành. Trên địa bàn Nghệ An hiện còn một số vướng mắc như đường điện 110kV tại nút giao QL46B chưa hoàn thành khu tái định cư cho 8 hộ dân (2 hộ chưa đồng ý phương án bồi thường) ở dưới hành lang đường điện; Đất ở của 5 hộ dân phạm vi làn nhập nhánh N6 và bổ sung khoảng 4.000m2 khu điều hành trạm nút giao QL46B địa phương đang lập phương án bồi thường.
Một số vị trí từ nón mố cầu thiếu phạm vi mặt bằng như: mố cầu nút giao QL46B (mố A1), cầu vượt QL46B (mố A1, A2), cầu vượt QL46 (mố A1, A2). Tại Km 437+500 (đồi Xuân Dương, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu) người dân cản trở không cho thi công, lý do chưa thống nhất bồi thường ảnh hưởng nổ mìn.
Đến ngày 21/1/2024, giá trị sản lượng của toàn dự án đạt khoảng 68,6% hợp đồng (chậm 2,95% so với tiến độ điều chỉnh lần 4).
Kiểm tra thực tế tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; các nhà thầu đã vượt khó tập trung thi công dự án trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tập trung mọi nguồn lực, huy động tối đa thiết bị, đặc biệt là nhân lực để triển khai thi công, đặc biệt các hạng mục đường găng của dự án; làm việc “3 ca, 4 kíp”, xuyên lễ, Tết để đảm bảo tiến độ.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm tháo gỡ vướng mắc mặt bằng còn lại của dự án để bàn giao cho nhà thầu thi công; Ban Quản lý dự án 6 phải trực tiếp và thường xuyên kiểm tra hiện trường, giao ban với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các đơn vị liên quan để kiểm tra tiến độ, chất lượng của các gói thầu, đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch.
Hiện nay, thời gian thực hiện dự án còn khoảng 4 tháng, với sản lượng còn lại 2.698 tỷ đồng thì bình quân mỗi tháng dự án phải đạt 674 tỷ đồng (tương đương 7,84% giá trị Hợp đồng dự án). Như vậy, các nhà thầu phải tập trung nguồn lực hơn năm 2023, quyết liệt thi công hơn nữa mới có thể đáp ứng tiến độ dự án.