Ngày 3/3, thông tin từ sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng, từ 5 - 9/3 tới đây, đoàn tàu Hải quân Mỹ sẽ chính thức cập cảng Đà Nẵng, thăm hữu nghị Việt Nam.
Đây là chuyến thăm được thực hiện theo thoả thuận của lãnh đạo cấp cao 2 nước, góp phần thúc đẩy quan hệ 2 nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực.
Suốt quãng thời gian gần 1 năm qua, các cơ quan Trung ương cũng như Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch chi tiết đón tiếp đoàn Hải quân Mỹ.
Theo kế hoạch do sở Thông tin và Truyền thông TP.Đà Nẵng cung cấp, trong 5 ngày lưu lại Đà Nẵng, 6.000 thủy thủ đoàn sẽ có nhiều hoạt động giao lưu với Hải quân Việt Nam, các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, trường đại học, biểu diễn văn nghệ quần chúng... Cạnh đó, tàu sân bay cũng sẽ đón các đoàn quân sự, báo chí và lãnh đạo Đà Nẵng lên thăm quan.
Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng cũng thông tin, lực lượng cùng các đơn vị có liên quan khác đã nhiều lần nhóm họp các phương án đón tiếp, bảo vệ. BĐBP chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ tới từng bộ phận để triển khai nhiệm vụ được giao.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đoàn tàu sân bay của Hải quân Mỹ đến Việt Nam lần này gồm: Tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson. Tàu được đặt tên theo một nghị sĩ bang Georgia của Mỹ, để ghi nhận đóng góp của ông đối với hải quân Mỹ.
"Siêu chiến hạm" USS Carl Vinson là 1 trong 10 tàu sân bay lớp Nimitz, được hạ thủy vào năm 1980. Đây là biểu tượng sức mạnh của siêu cường Mỹ ở ngoài lãnh thổ. Riêng tàu sân bay USS Carl Vinson (chưa tính đến các tàu hộ tống, tàu ngầm đi kèm trong một nhóm tấn công) đã hội tụ sức mạnh lớn hơn hầu hết sức mạnh không quân của đa số các quốc gia trên thế giới. USS Carl Vinson còn sở hữu 2 lò phản ứng năng lượng hạt nhân.
Để phô diễn hết sức mạnh con tàu dài 332,84m, rộng 76,81m, cao 12,5m, USS Carl Vinson cần có lực lượng thủy thủ đoàn hùng hậu lên tới 5.680 người. Tàu USS Carl Vinson được trang bị khoảng 90 máy bay nhiều loại, bao gồm tiêm kích hạm F/A-18F Super Hornet, máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye và máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler. Khả năng tấn công của USS Carl Vinson được bổ trợ bằng năng lực phòng thủ gồm: 2 bệ phóng tên lửa đối không Sea Sparrow, 2 bệ phóng tên lửa đối không tầm gần RIM. Ngoài ra, 3 hệ thống vũ khí CIWS cung cấp năng lực chống tên lửa tầm gần/máy bay trong trường hợp các vật thể này có cơ may vượt qua hệ thống máy bay và năng lực phòng thủ của tàu sân bay USS Carl Vinson.
USS Carl Vinson không hoạt động riêng rẽ mà nằm trong cụm tàu chiến đấu tàu sân bay Carl Vinson. Đi cùng USS Carl Vinson đến Việt Nam thăm hữu nghị lần này còn có USS LAKE CHAMPLAIN. Đây là tàu tuần dương lớp Ticonderoga.
Bên cạnh những khí tài quân sự tối tân bậc nhất của Hải quân Mỹ, tàu được trang bị khoảng 122 quả tên lửa Tomahawk cùng các thiết bị tác chiến điện tử hiện đại. Tàu có nhiệm vụ tấn công, đánh chặn và bảo vệ trong Nhóm tác chiến tàu sân bay số 1.
Cuối cùng, tàu khu trục USS WAYNE E.MEYER là tàu tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ, tàu thuộc lớp Arleigh Burke với sức tấn công vượt trội cùng trang bị khoảng 128 tên lửa hành trình Tomahawk.