Tết ấm tình quân dân từ miền cực Tây Tổ quốc

Tết ấm tình quân dân từ miền cực Tây Tổ quốc

Thứ 4, 06/02/2013 08:10

Tết đến, xuân về, nhà nhà quây quần, người người tìm nhau sum họp. Nhưng với nhiều người, đón Tết xa quê lại trở thành thông lệ thường niên. Trong cái giá lạnh của miền biên viễn, họ lấy niềm vui của dân bản làm hạnh phúc của mình. Để rồi khi về xuôi, ngoài mùng 10 Tết, họ hồ hởi đùa vui với nhau rằng về quê ăn Tết lại.

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Tết Nguyên đán là một trong những dịp nghỉ lễ lớn của cả dân tộc. Đã là người Việt Nam dù đi đâu cũng muốn tìm về bên gia đình, có khi chỉ để ngồi bên nhau mà đủ thấy lòng hạnh phúc. Nhưng với các chiến sĩ bộ đội biên phòng thì về quê ăn Tết lại được coi là điều xa xỉ. Bởi đã là lính đồn, họ luôn tâm niệm một điều: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là gia đình, là anh em, là bà con hàng xóm. Khi cái rét ngọt sâu của tiết trời miền Bắc ùa tới chân đồn, khi đào nở bung hoa trên những ngọn đồi hun hút gió, trạng nguyên đỏ rực sườn đồi, chút hương trầm lẩn quất đâu đó lẫn với hương của rừng cũng là lúc mỗi chiến sĩ biên phòng lại bận lòng lo cho dân bản ăn Tết có no đủ, ấm cúng hay không?".

Xã hội - Tết ấm tình quân dân từ miền cực Tây Tổ quốc

Các chiến sĩ ở đồn hầu như không có khái niệm về quê ăn Tết.

Đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm, và rồi nghiễm nhiên nó trở thành một thứ tình cảm khó nói hết bằng lời. Bên cạnh những nhiệm vụ thường ngày như đi tuần tra biên giới, thông đường núi sạt lở, giúp dân bản tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vận động con em trong bản tới trường học cái chữ, người lính biên phòng quan tâm đến cả nồi bánh dày của dân bản. Anh Vũ Kim Hùng, chính trị viên phó đồn biên phòng A Pa Chải cho biết: "Mỗi người lính biên phòng như chúng tôi ngay từ khi nhập ngũ quan điểm rất rõ ràng: Đã mang trên mình quân hàm của người lính thì sẽ hoàn thành tốt tất cả mọi nhiệm vụ mà tổ chức phân công. Dù nhiệm vụ đó có khó khăn và gian khổ thế nào cũng sẽ hết lòng hết sức hoàn thành tốt. Hầu như chúng tôi không có khái niệm về quê ăn Tết".

Nơi cực Tây Tổ quốc đa số là người dân tộc Hà Nhì sinh sống. Người Hà Nhì thường ăn Tết trước người Kinh khoảng hai tháng, tức là họ ăn Tết từ tháng 11 dương lịch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do trong gia đình người Hà Nhì có con em đi học, công tác xa nhà và làm việc cùng người Kinh nên các gia đình dần dần cũng ăn thêm một cái Tết nữa là Tết Nguyên đán. Anh Hùng chia sẻ: "Với lính biên phòng như chúng tôi, Tết cũng trở nên bình thường vì có nhiệm vụ nào được nghỉ Tết đâu. Thậm chí, thời gian Tết lại càng phải tăng cường kiểm soát về mọi mặt. Những ngày Tết, ngoài giữ gìn cuộc sống yên bình cho bà con, bộ đội còn quan tâm đến nồi bánh dày và cái bàn thờ của dân bản. Nhìn vào hai thứ ấy để biết dân bản có no đủ hay không”.

Trong thời gian trước Tết Nguyên đán, các chiến sĩ biên phòng thường đến các gia đình người Hà Nhì giúp họ lợp lại mái nhà, kê lại đồ đạc, chuẩn bị đón năm mới. 99% người dân tộc thiểu số ở Sín Thầu là người Hà Nhì. Có một điều mà các chiến sĩ biên phòng cảm thấy ấn tượng nhất, đó là phong tục đón Tết rất riêng của người Hà Nhì. Vào tháng 11, 12 dương lịch, những ngày được chọn để đón Tết của dân tộc Hà Nhì là ngày đẹp, thường là ngày rồng, tháng chuột, giờ dê. Người Hà Nhì năm nào cũng đón Tết theo lịch 12 con giáp. Năm trước là Tết con rồng, thì năm nay là Tết con rắn, gắn với năm Quý Tỵ của người Kinh. Anh Hùng cho biết: "Tết với đồng bào dân tộc Hà Nhì rất vui vì họ có những nét rất đặc trưng thuộc về bản sắc không lẫn đi đâu được. Vào ngày Tết, người trưởng bản, già làng lên tận đồn biên phòng mời bộ đội xuống chung vui với dân bản. Lửa được đốt suốt cả ngày lẫn đêm. Bên đống lửa, trai gái trong bản và bộ đội cùng nhảy múa điệu cổ truyền. Vào ngày Tết họ thường chúc nhau là "Hồ Sự Chà kha pi pô". Cũng không ai giải thích được Hồ Sự Chà là gì và nó có từ bao giờ, chỉ biết đó là cách gọi Tết cổ truyền của người Hà Nhì ở miền biên viễn này đã truyền qua bao đời”.

Xã hội - Tết ấm tình quân dân từ miền cực Tây Tổ quốc (Hình 2).

Đồng bào dân tộc Hà Nhì du xuân theo cách riêng.

Ấm tình quân dân

Sau khi tổ chức đón Tết của dân tộc mình, người Hà Nhì không quên cái Tết miền xuôi để tỏ lòng biết ơn bộ đội trong đồn đã giúp họ tăng gia sản xuất và chỉ cho họ thấy cuộc sống đoàn tụ ấm no bên người thân, rời xa những cám dỗ của cuộc sống. Chiến sĩ Thắng, một người đã có nhiều năm đón Tết với đồng bào dân tộc Hà Nhì ở cực Tây chia sẻ: "Người bản họ sống thật và tình cảm lắm. Cứ mỗi dịp Tết đến, sau khi vui Tết của mình xong, họ không quên mang theo ngô, sắn và các sản vật mà họ tự làm ra trong một năm gửi đến đồn. Có khi đi bộ cả ngày trời chỉ để trực tiếp gửi lên đồn vài cái bánh chưng. Đó là những tình cảm rất quý báu. Nếu có một điều gì đó giúp chúng tôi nguôi đi nỗi nhớ nhà từ nơi biên cương của Tổ quốc, thì đó chính là tình cảm của đồng bào nơi đây”.

Bên cạnh nhiệm vụ gìn giữ biên cương Tổ quốc, người lính biên phòng nơi cực Tây còn chăm lo đến cuộc sống của dân bản. Những ngày Tết, họ không cho phép mình nghỉ ngơi nếu dân bản cần họ. Đó như một sự mặc định trong tiềm thức. Đêm giao thừa, nếu nhận được tin người dân cần sự giúp đỡ, họ không quản ngại khó khăn, đều kịp thời có mặt. Để rồi sau đó, món quà đầu năm mới mà họ nhận được sau khi thức trắng đêm giao thừa không phải để ngắm pháo hoa, đón người xông nhà mà là để biết rằng, có một gia đình đã được giúp đỡ trong đêm 30.

Anh Thắng bồi hồi nhớ lại: "Ngày 30 Tết năm trước, khi các chiến sĩ đang ngồi họp chuẩn bị đón giao thừa thì có thông tin gia đình ông Sừng Su Sìn, bản A Pa Chải bị gió tốc hết mái nhà. Gia đình ông lại sống tách biệt trên một quả đồi cách đồn 317 chừng 5km trên đường vào mốc ngã ba. Mặc dù trời rét buốt, giao thừa sắp đến, nhưng các chiến sĩ đã không quản ngại đêm tối, đường rừng lất phất mưa, đi bộ ngay đến nhà ông Sìn. Khi đến nơi, vợ con ông Sìn đều đang rét run. Một mình ông loay hoay với căn nhà không mái, chưa biết xoay xở thế nào. Cực một nỗi khu nhà ông ở có một mình nên chưa có đường dây điện giăng tới”. Vậy là, trong cái tối đen trời của đêm 30, khoảnh khắc giao thừa người người bên nhau, nhà nhà sum vầy nghe Chủ tịch nước chúc Tết thì các anh, những chiến sĩ biên phòng phải vật lộn với cái lạnh tê tái và những cơn gió bấc thốc từng cơn để lợp lại mái nhà cho một gia đình trong bản. Vì phải tìm kèo, tìm lá cho mái che, và không đầy đủ dụng cụ nên loay hoay mất 4 - 5 tiếng đồng hồ, mái nhà mới được dựng trở lại. Khi cả gia đình và chiến sĩ được ngồi quây quần bên đống lửa đốt giữa nhà cũng là lúc trời vừa sáng. Vậy là, một bữa khai xuân với rau rừng và những câu chuyện quanh cái mái nhà đã trở thành câu chuyện kể mãi.

 “Nhớ nhà lắm nhưng Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng ở lại”

Đó là tâm sự của hầu hết các chiến sĩ ở đồn 317. Họ cho biết: Tết ở đây chúng tôi cũng coi như ngày bình thường vì không được về quê nghỉ như những ngành nghề khác. Có điều khác là được hòa vào với không khí Tết rất riêng của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Không được sum vầy bên người thân, gia đình, nhớ nhà lắm nhưng đó là nhiệm vụ, là nghĩa vụ thiêng liêng mà mình đã tình nguyện gánh trên vai vì Tổ quốc.   

 

95% quân số đón Tết ở đồn

Anh Vũ Kim Hùng cho biết, đây là năm thứ 3 anh nhận công tác ở đồn và cũng là cái Tết thứ 3 anh đón giao thừa với núi rừng biên giới. Hầu hết các chiến sĩ đều ở lại trực đồn như những ngày bình thường và không có khái niệm về quê ăn Tết. Tết với người chiến sĩ biên phòng nói chung và chiến sĩ đồn 317 nói riêng là gắn bó với đồn. Họ chỉ có thể ăn Tết với gia đình vào khoảng thời gian trước và sau Tết. Còn thời gian chính Tết thì luôn luôn thường trực 90 - 95% quân số ở đơn vị.  

 Tiền Đông

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.