Những ngày cận Tết thiếu nhi 1/6, chúng tôi tìm đến xóm Phao thuộc bãi giữa sông Hồng, nơi sinh sống của dân tứ xứ đổ về, cái xóm này đã tồn tại hơn 20 năm. Họ sống tạm bợ trong căn nhà ọp ẹp được “thiết kế” khá đặc biệt để có thể nổi được ven bờ sông Hồng. Những người sống ở xóm Phao họ làm đủ thứ nghề đề kiếm sống, từ buôn đồng nát, xe ôm, bốc vác, bán hàng rong và thậm chí đi nhặt chai, lọ ven đường.
Thấy chúng tôi hỏi thăm, không ít người dân xóm Phao đứng trong nhà nổi nhòm ngó, bởi với họ, hiếm giữa trưa nắng có khách đến thăm. Và đặc biệt hơn còn hỏi về Tết thiếu nhi của những đứa trẻ nơi đây. Chị Nguyễn Thị Vân (22 tuổi) cười nói với chúng tôi: “Trẻ con ở xóm Phao này quanh năm chỉ biết đến sông nước, làm việc nhà giúp bố mẹ, biết con đường mòn đi lên cầu Long Biên để vào thành phố, chứ Tết thiếu nhi 1/6 chúng không biết là ngày gì cũng không biết nên tặng quà gì ngày 1/6 cho con...”.
Chị Vân kể với chúng tôi, ở xóm Phao này, những đứa trẻ từ khi sinh ra phải lênh đênh cùng bố mẹ trên chiếc nhà nổi. Bố mẹ đi làm thì đứa lớn trông đứa bé. Trông cho đến khi em ngủ thì quay vào nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Điều đặc biệt hơn, những đứa trẻ ở xóm Phao không biết đến Tết thiếu nhi, Tết trung thu…nhưng lại rất giỏi làm việc nhà. Mới 5, 6 tuổi đã biết rửa bát, nấu cơm, chúng không đòi hỏi cũng chẳng làm nũng bố mẹ và…chưa bao giờ biết ốm.
Cũng giống như chị Vân, gia đình chị Trần Thị Mai sinh sống ở xóm Phao đã được hơn chục năm. Anh chị đã có 3 mặt con nhưng cuộc sống thì vẫn vô cùng cực khổ. Khi chúng tôi đến thì đứa thứ 2 nhà chị đang cọ nồi để chuẩn bị nấu cơm. Tôi ngạc nhiên vì thấy cháu còn quá bé phải làm việc nhà thì chị bảo: “Bố mẹ đi vắng thì các con phải làm thôi, làm mãi cũng thành quen. Chúng tôi cũng cố gắng làm mọi việc để mong một ngày đưa các con lên bờ, không phải lênh đênh cùng bố mẹ nữa nhưng khó quá. Lên bờ mà sống được chắc chỉ có trong mơ thôi, cuộc sống ở đây bấp bênh lắm”.
Chị Mai cũng mong muốn một ngày nào đó cuộc sống của gia đình chị và những “nhà nổi” ở đây sẽ tốt hơn, những đứa trẻ được nhận quà Tết thiếu nhi của bố mẹ. Nhưng có lẽ đó mãi mãi chỉ là ước mơ...
(Còn nữa)
Xem thêm:
Tết Thiếu nhi 1/6: Những địa điểm vui chơi hấp dẫn cho bé ở Hà Nội
Mai Thu – Thanh Lam