Từ vụ việc về hai chị em ruột vì bác sỹ của bệnh Sản-Nhi Bắc Giang chuẩn đoán không ra bệnh dẫn đến phải cắt tử cung và bỏ thai nhi, PV còn tìm hiểu thêm được một số trường hợp khác cũng bị chết thai nhi, chết cả 2 mẹ con khi đến sinh nở tại bệnh viện này.
Lần theo thông tin về trường hợp chị Phan Thị B, tử vong cả thai phụ lẫn thai nhi khi đến sinh nở tại bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Văn C (SN 1982 chồng của chị B) ở phố Chi Li 1 (phường Trần Phú, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
Sợ mình không cầm nổi nước mắt khi kể lại, anh Cầu đã gọi cho anh trai và chị dâu là anh Nguyễn Văn N và chị Phạm Thi T, là những người trực tiếp đưa chị B đi đẻ để tường tận sự việc chính xác.
Tận mắt chứng kiến em dâu chết trong đau đớn, chị T ngẹn ngào cho biết: “Cho đến bây giờ khi nghĩ đến cái chết của em dâu (chị B) tôi vẫn chưa hết bàng hoàng”.
Theo lời chị T kể lại, tối ngày 22/03/2013, chồng đi vắng, thấy chị B trở dạ sinh, chị T cùng chồng mình là anh Nguyễn Văn N đưa vào viện Sản Nhi Bắc Giang để sinh.
Sau khi làm thủ tục nhập viện xong các bác sỹ đưa đi khám, siêu âm, đo huyết áp và các bước khác thì bác sỹ kết luận tất cả đều bình thường. Sau đó họ chuyển chị B vào phòng chờ đẻ.
Đến 1h đêm do nóng ruột mãi không thấy em dâu sinh, chị T lẻn vào phòng đẻ thấy chị B đang đứng truyền nước mặt mày nhăn nhó kêu đau. Nhưng chị T bị đuổi ra ngoài.
Vừa ra khỏi cửa thì chị T thấy có tiếng từ bên trong phòng của chị B vọng ra bảo “chị ấy ngã rồi”. Bác sỹ gọi gia đình vào bảo gọi bố đẻ và chồng chị B lên để làm thủ tục mổ.
Chị T cùng người nhà vào thì được bác sĩ ca trực giải thích nguyên nhân phải mổ: “sản phụ lên cơn co giật, rồi ngất đi, không bắt được mạch, tím tái mặt, sùi bọt mép”.
Chị T kể lại: “Lúc đó tôi ngó qua cửa kính thấy em dâu tôi mặt mày tím tái nằm bất động nhưng ca trực không mổ ngay. Đang trong tình trạng nguy kịch nhưng đến hơn hai tiếng sau là 3h 30 phút mới chuyển vào phòng mổ. Bác sỹ Bích là người trực tiếp mổ.
Đến 5h sáng các bác sỹ thông báo với gia đình tình trạng sản phụ rất yếu còn cháu bé thì không khóc được do bị ngạt não không không có phản ứng gì. Các bác sỹ thông báo với gia đình, bây giờ chuyên môn của họ có hạn nếu gia đình có điều kiện thì chuyển lên tuyến trên sẽ có khả năng cứu chữa tốt hơn. Vì ở đây không có điều kiện tốt như tuyến trung ương, chúng tôi không đo được mạch và huyết áp của sản phụ nữa”.
Chuyển viện trong tình trạng nguy kịch, cả 2 mẹ con tử vong
Theo chị T, chị còn nghi nghờ các bác sỹ ca trực không mổ cho chị B: “Không biết các bác sỹ có mổ cho em nó không vì che kín không nhìn thấy. Với lại do không hiểu biết về chuyên môn nên các bác sỹ bảo chuyển lên tuyến trên tốt hơn thì tất nhiên gia đình đồng ý rồi”.
Ngay khi chuyển từ phòng mổ ra để chuyển viện, sản phụ B trong tình trạng bất tỉnh, máu từ mồm, mũi, tai liên tục chảy ra nên phải truyền máu. Chị T cùng chồng là anh Nguyễn Văn N theo xe chuyển chị B xuống Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Trong suốt chặng đường từ bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đến Bệnh viện Bạch Mai, chị B vẫn liên tục thổ huyết mỗi lúc một nhiều hơn.
Đến giờ chị T vẫn còn chưa hết kinh hãi về cảnh tượng này: “Trong xe cấp cứu chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai, tôi ngồi cạnh cầm tay em nó để truyền máu, Bích vẫn liên tục trào máu ra miệng, tai và mũi, ra cả máu hòn máu cục. Đến cầu Thanh Trì xe xóc, mấy cục máu trong miệng thím ấy trào ra tôi sợ quá kêu lên; sao máu cứ chảy ra lúc ấy tay em tôi đã lạnh ngắt rồi.
Đến đường Giải Phóng thì tôi phát hiện kim đồng hồ bình thở ô xi cho Bích đã hết. Tôi nói với bác sỹ hết ô xi rồi, nhưng bác sỹ nói giọng tỉnh bơ 'hết rồi thật à'. Tôi rất sợ khi nhìn thấy máu nên khi đến Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội thì tôi cũng ngất”.
Cùng theo xe đưa chị B đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn Văn N cho biết: “Chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai được chừng một tiếng thì bác sỹ gọi tôi vào và thông báo B không thể cứu được nữa, bảo gia đình đưa về an táng. Gia đình chúng tôi đưa em về an tang luôn trong ngày”.
Chưa hết đau thương khi phải tiễn biệt người mẹ xấu số, đến 5h chiều cùng ngày 11/03/2013, gia đình nhận được thông báo từ bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang về tình trạng con của chị B rằng “Tiên lượng của cháu hiện rất xấu”.
Các bác sỹ cũng giải thích y như lần trước "không đủ phương tiện, kỹ thuật, trình độ có hạn…". Sau đó, cháu bé cũng được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung Ương ở Hà Nội. Tại đây các bác sỹ đã hết lòng cứu chữa nhưng do cháu quá yếu khi chuyển đến nên một tuần sau cháu cũng không qua khỏi.
Chỉ trong vòng một tuần, anh Nguyễn Văn C. mất đi người vợ yêu thương và cả đứa con còn chưa kịp đặt tên.
“Cháu chưa kịp cất tiếng khóc chào đời, tôi cũng chưa kịp đặt tên. Khi cháu mới sinh ra, tôi bận đi làm nên chưa đến kịp. Vì sự việc xảy ra quá nhanh. Đáng lẽ ra như trường hợp của vợ tôi đang trong lúc nguy kịch, các bác sỹ phải mổ ngay, không cứu được mẹ thì cũng cứu được con”, anh Nguyễn Văn C. chia sẻ.
Bệnh viện “ngó lơ” trước cái chết của bệnh nhân
Theo lời phía gia đình thì sau sự việc, phía bệnh viện cũng không hỏi thăm, không lời giải thích rõ ràng về nguyên nhân dẫn đến tử vong của chị B và cháu bé.
Chị T cho biết: “Từ hôm em và cháu chúng tôi mất đi, phía bệnh viện Sản - Nhi BG không hề hỏi thăm hay có lời giải thích nào về nguyên nhân dẫn đến cái chết của em và cháu nó. Lo hậu sự cho hai mẹ con em xong chúng tôi có làm đơn thư gửi đi khắp nơi nhưng không có phản hồi. Đợi mãi không có câu trả lời, chúng tôi đã đến trực bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, trong buổi làm việc với ca trực hôm ấy cùng với lãnh đạo bệnh viện. Các bác sỹ ca trực cho biết, sản phụ Bích bị thiếu đường còn giám đốc bệnh viện nói là tắc mạch ối. Mỗi người một nguyên nhân.
Theo tôi tìm hiểu qua một bác sỹ ở bệnh viện Từ Dũ thì được biết; nếu tắc mạch ối thì sản phụ phải có hiện tượng tăng huyết áp, nếu vậy sao lại truyền đường? Nhưng trong tất cả các lần đi khám và kiểm tra lần gần nhất là khi nhập viện Sản Nhi Bắc Giang để sinh cũng có kết quả bình thường. Cho đến nay, sự việc của em tôi đã bị chìm hẳn và bệnh viện ngó lơ.”
Anh C cho biết: “Đến giờ tôi vẫn còn cảm thấy sự việc mới như ngày hôm qua. Mỗi khi nhìn lên di ảnh vợ và đứa con bé bỏng đã mất, tôi lại không cầm được nước mắt. Từ khi sinh ra, do cháu luôn trong tình trạng sức khỏe yếu phải ở phòng cấp cứu ở bệnh viện nên tôi không được thấy cháu nhiều. Cháu là đứa con thứ hai của chúng tôi. Cháu lớn năm nay 10 tuổi. Ngày mẹ nó mất, cháu hỏi tôi mẹ đi đâu hả bố, tôi bảo mẹ mất nhưng cháu vẫn không chịu mà cứ đòi mẹ về với cháu.”
Sau rất nhiều lần gửi đơn thư, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã có văn bản số 102/BVSN-KHTH ngày 26/4/2013, do ông Lê Công Tước ký trả lời như sau: “Các triệu chứng và diễn biến bệnh trong quá trình nằm điều trị của sản phụ Bích được chẩn đoán và xử trí tắc mạch ối là phù hợp. Đây là bệnh hiếm gặp, không có dấu hiệu báo trước, diễn biến rất nhanh, cấp tính. Khi đã xảy ra, dù có xử trí tích cực, khẩn trương, đúng theo quy trình kỹ thuật chuyên môn thì tiên lượng tử vong với mẹ và thai nhi (khi còn trong buồng tử cung) là rất cao”.
Đào Sơn