-
Chị cảm thấy thế nào khi trở thành chủ đề của một topic chỉ trích mẹ đơn thân trên diễn đàn mạng?
- Cảm giác đầu tiên của tôi là ngạc nhiên. Thực sự ngạc nhiên vì không thể tin là ở thời đại văn minh như bây giờ, xã hội phát triển như bây giờ mà còn có lối suy nghĩ đáng buồn ở một số người chưa già, nếu không muốn nói là trẻ, và lại là người làm văn hóa. Nói là không buồn thì không đúng, nhưng nỗi buồn của tôi đi qua rất nhanh. Có thể vì tôi tự tin và mạnh mẽ như mọi người thường nghĩ, nhưng chính xác hơn là tôi thậm chí không có thời gian để mà buồn.
Sự việc xảy ra khi tôi đang cùng các tình nguyện viên tất bật chuẩn bị cho chuyến đi hỗ trợ học sinh nghèo thiên tai sau mưa đá, kết hợp “Mang âm nhạc đến bệnh viện” cho y bác syĩ, bệnh nhân nghèo Lào Cai, chuẩn bị triển khai Thư viện miễn phí trong bệnh viện Nhi Trung ương và Việt Đức, rồi sắp khai trương công ty đào tạo nghệ thuật cho trẻ em mà tôi làm cố vấn chuyên môn… Cả việc công lẫn việc tư cuốn tôi đi, mình không thể cho phép mình buồn. Thành ra lại “vượt bão” rất nhẹ nhàng.
-
Tuy không muốn nhắc lại, nhưng thực tế gia đình đã nghĩ sao về quyết định làm mẹ đơn thân của chị?
- Chuyện này qua lâu rồi thành ra tôi cũng không muốn nhắc nhiều. Ở thời điểm cách đây 5 năm, quyết định làm mẹ đơn thân của tôi cũng gây sốc cho nhiều người lắm, đặc biệt là bố mẹ. Nhưng sau khi tôi giải thích cho bố mẹ tôi hiểu được rằng không ai sống hộ được ai, rằng tôi đã chạm 30 tuổi và đủ khả năng chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình cũng như đứa trẻ, rằng hạnh phúc của chúng tôi quan trọng hơn nhiều so với việc lo lắng xem dư luận nói gì, thì bố mẹ tôi đã thông cảm và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Đến giờ chuyện tôi làm mẹ đơn thân, nếu có được nhắc tới thì cũng chỉ là một chuyện rất nhỏ không đáng kể trong gia đình.
-
Cuộc sống của của chị và con gái bị ảnh hưởng thế nào khi chị là mẹ đơn thân?
- Có một thực tế mà những ai thân với tôi hay có dịp gặp gỡ em bé của tôi đều thấy: Thái An là một em bé tự lập và hạnh phúc. Tôi thực sự không cảm thấy cần phải bù đắp về mặt tình cảm vì bé vẫn luôn gặp cha, vẫn có cha khi muốn, và lại sống trong tình thương yêu chan chứa của cả đại gia đình. Thậm chí sau mỗi chuyến đi miền núi về, gặp gỡ tiếp xúc với những đứa trẻ đói rét khổ cực, tôi càng cảm thấy “nghĩa vụ” của hai mẹ con tôi, cần phải chia sẻ cho các bé kém may mắn nhiều hơn. Tôi chỉ cảm thấy nghĩa vụ bù đắp cho con về mặt thời gian sau những chuyến công tác dài ngày, thường thì sẽ sắp xếp công việc để hai mẹ con có một buổi bên nhau.
-
Quan điểm của chị về những người làm mẹ đơn thân ở Việt Nam hiện nay?
- Trong xã hội phong kiến, làm mẹ đơn thân là “tội” tày đình. Chế độ ấy diệt vong từ lâu lắm rồi nhưng tiếc là nhiều suy nghĩ lạc hậu và cổ hủ thời đó lại vẫn còn tồn tại. Chính những suy nghĩ này đã kìm hãm, ngăn cản quyền mưu cầu hạnh phúc của nhiều phụ nữ, kể cả trong xã hội bây giờ. May mắn ở Việt Nam hiện nay đã có những quan niệm, cái nhìn đúng đắn hơn về việc này, và ngày càng nhiều phụ nữ chủ động tìm lấy hạnh phúc cho mình và con mà không cần quá phụ thuộc vào đàn ông. Tôi ủng hộ tất cả phụ nữ dũng cảm chọn con đường làm mẹ đơn thân nếu trong hoàn cảnh của họ điều đó là nên làm, là cần thiết. Chẳng tội gì phải cam chịu sống tủi nhục, bị ngược đãi hành hạ cả về thể xác lẫn tâm hồn, thậm chí chấp nhận làm vợ hai, vợ ba chỉ để đổi lấy tiếng là cũng có chồng. Phụ nữ và nam giới đều có quyền bình đẳng như nhau, trong đó có quyền được sống hạnh phúc.
-
Sau sự việc vừa qua, bạn nghĩ sao về việc đưa thông tin và quan điểm cá nhân trên những trang mạng xã hội?
- Tôi nghĩ cái gì cũng có mặt trái và mặt phải. Việc tự do đưa thông tin và quan điểm cá nhân trên mạng ban đầu là tốt, so với thời gian trước đây các thông tin đều được đưa ra ở thế chủ động (người viết) và độc giả gần như luôn ở thế bị động, không có sự tương tác, không có cơ hội phản hồi. Tuy nhiên, hiện nay việc loạn thông tin trên các trang mạng xã hội là có thực. Không chỉ làm “ô nhiễm ngôn ngữ”, nhiều khi việc này còn gây ra những tác hại ghê gớm. Ví dụ như các cuộc thi tài năng hiện nay thường xảy ra trường hợp nhiều khán giả trẻ lên mạng nói xấu, bôi nhọ danh dự hay chửi bới nhục mạ những thí sinh trót là “đối thủ” của thí sinh mà các bạn ấy yêu thích, thậm chí còn lôi cả gia đình, họ hàng người ta ra để thóa mạ không thương tiếc, gây tổn hại sâu sắc đến danh dự và tinh thần của người bị hại. Tôi thực sự thấy buồn.
Thái Thùy Linh được trao Giải "Gương mặt trẻ tiêu biểu 2012" vì những cống hiến, đóng góp của cô cho cộng đồng. Cô là người tham gia sáng lập hai chương trình từ thiện "Mặc ấm – Vì học sinh nghèo dân tộc miền núi" và "Mang âm nhạc đến bệnh viện". Chương trình "Mặc ấm" đã chuyển được 130 tấn quần áo cũ cùng gần 100.000 quyển vở mới, khoảng 5.000 đôi ủng và dép cùng nhiều quà tặng bằng hiện vật và tiền mặt cho học sinh nghèo miền núi phía Bắc. "Mang âm nhạc đến bệnh viện" đã phục vụ âm nhạc miễn phí cho trên 15.000 khán giả là y bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, kết nối gần 200 nghệ sĩ đến với chương trình, quyên góp số tiền trên 400 triệu đồng ủng hộ trực tiếp cho các bệnh nhân khó khăn tại 28 bệnh viện trọng điểm. |