Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã tạo cơn địa chấn trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước với tạp chí Time khi nói về quan điểm mới ở Syria cũng như số phận của Tổng thống Bashar Al-Assad.
"Bashar tiếp tục ở lại chiếc ghế quyền lực. Nhưng tôi tin rằng lợi ích của ông ấy không phải là thứ để cho Iran làm bất cứ điều gì họ muốn", nhà lãnh đạo trẻ 32 tuổi nói.
Lời nhận xét của nhân vật quyền lực nhất nhì Saudi Arabia được coi là một sự đảo ngược đầy bất ngờ đối với chính sách của Riyadh trước đó. Với việc từ bỏ mục tiêu lật đổ Chính phủ Damascus, các nhà quan sát nhận định đây là sự thừa nhận thất bại của Saudi Arabia trong cuộc chiến ở Syria.
Mohammed bin Salman vẫn được biết đến là một Thái tử đầy bí ẩn của Saudi Arabia. Một số nhà phân tích nói rằng ông là một nhà cải cách lớn trong khi những người khác gọi ông là một chính khách áp đặt.
Tuy nhiên Mohammed bin Salman đang thể hiện vai trò nổi bật của một nhà lãnh đạo thế hệ mới ở cường quốc Trung Đông, nắm bắt và vận dụng hài hòa "quyền lực mềm" vốn có của đất nước.
Một quốc gia mạnh về quyền lực và tài chính nhưng đầy bảo thủ trong thế giới Ả Rập đang mang đến bộ mặt cởi mở và khéo léo hơn.
Giành ảnh hưởng
Chưa có một nhà lãnh đạo Saudi Arabia nào xây dựng hình ảnh đầu tiên trên truyền thông bằng các chuyến thăm Anh và Mỹ như Mohammed bin Salman.
Động thái ngoại giao này của Riyadh từng gây chấn động vào thời điểm đó. Nhưng hiện tại đây được coi là một nỗ lực nghiêm túc để làm nồng ấm thêm quan hệ với đồng minh và nâng tầm ảnh hưởng trong nước.
Nói một cách khác, nền ngoại giao Saudi Arabia đang chuyển đổi một cách hợp lý và hợp thời hơn.
Trong khi có chuyến thăm nồng ấm tới Mỹ, Thái tử Mohammed bin Salman không quên có những bước đi gắn bó với Nga khi hai nước nhất trí về một liên minh năng lượng lâu dài, bên cạnh thông báo sẵn sàng hợp tác với chính quyền Assad.
Rõ ràng, vị thái tử 32 tuổi đang nghĩ đến tình hình khó khăn của Saudi. Giá dầu ổn định ở mức cao chỉ có thể đạt được khi hợp tác với Nga và sự hội tụ này đơn giản không thể có được từ Mỹ.
Bất chấp sự hỗn loạn trong vụ đầu độc cựu gián điệp Skripal, Mohammed bin Salman không cảm thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng làm giảm đi ý nghĩa chiến lược sâu sắc của liên minh dầu mỏ Saudi-Nga.
Saudi mâu thuẫn với Mỹ về Syria
Một lần nữa, Mohammed bin Salman đã nghiêm túc nói về sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của cường quốc Ả Rập đối với Syria ngay khi ông đang ở trên đất Mỹ.
Điều đáng lưu ý là quyết định này được đưa ra ngay sau cuộc thảo luận về vấn đề Syria với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 20/3, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.
Thậm chí cuộc phỏng vấn của Mohammed bin Salman với tờ TIME chỉ diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Trump nói với một đám đông tại Richfield, Ohio vào tuần trước: "Chúng tôi sẽ sớm ra khỏi Syria. Hãy để những người khác làm nốt những việc còn lại. Sẽ rất sớm thôi, chúng tôi sẽ rời đi".
Tuy nhiên, Thái tử Saudi Arabia dường như không đồng ý với quan điểm này của nhà lãnh đạo Mỹ. "Chúng tôi tin rằng quân đội Mỹ nên ở lại ít nhất là giữa chặng đường, nếu không nói là dài hạn", Mohammed bin Salman cho biết.
Ông nói với TIME rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria là nỗ lực cuối cùng giúp ngăn Iran tiếp tục mở rộng ảnh hưởng với các đồng minh trong khu vực, bên cạnh việc cho phép Washington có tiếng nói ở quốc gia Trung Đông trong tương lai.
Dẫu vậy, sẽ rất khó để lời khuyên từ một chính khách trẻ có thể ảnh hưởng đến một chính khách nói là làm như Tổng thống Trump.
Trên thực tế, sau phát ngôn của nhà lãnh đạo Mỹ, những tin tức về việc hai nhân viên quân sự bị giết và năm người khác bị thương tại thành phố Manjib ở đông bắc Syria có thể khiến quyết định này được tiến hành khẩn trương hơn.
Những thay đổi gần đây về nhân sự trong Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ là điều kiện cho phép ông Trump thi hành chính sách Syria của mình mà không gặp phải nhiều cản trở.
Thái tử Mohammed bin Salman được cho là sẽ sớm ghé thăm Baghdad và Najaf để nối lại quan hệ với Iraq đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Tương tự, nhà lãnh đạo trẻ của Saudi Arabia cho thấy ý định đầu tư trực tiếp cho Damascus thay vì các dự án tài trợ cơ sở hạ tầng điện nước, nhiều mục đích của Lầu Năm Góc.
Mohammed bin Salman thấy rằng mục tiêu "thay đổi chế độ" ở Syria đã không còn hợp lý. Vị thái tử trẻ đang muốn gợi ý làm ăn với chính quyền Assad, bởi rốt cuộc, Tổng thống Syria Bashar không phải là người xa lạ với hoàng gia Saudi.