Những người Việt dưới chân “cầu Sài Gòn”
Hiền lái xe tuk tuk chạy trên đại lộ Monivong. Bất ngờ, tôi trông thấy một biển hiệu có ghi chữ Việt xen lẫn chữ Khmer trên một cửa hiệu ven đường: "Lò bánh mì Quang Hưng". Chúng tôi đi xuyên một chiếc cầu lớn. Hiền ngoái cổ lại thét vào gió: "Đây là cầu Sài Gòn". Sau này, tôi mới biết cây cầu đó có tên hành chính là Chba Om Pau. Tuy có tên hành chính "rất Campuchia" nhưng hầu hết, kể cả người dân Campuchia bản địa cũng gọi đó là cầu Sài Gòn. Tôi nuôi dưỡng điều thắc mắc này trong tâm trí cho đến khi Hiền quẹo chiếc tuk tuk ghé vào chợ Sài Gòn.
Anh Hiền sang tận Campuchia bán vé số để cải thiện thu nhập cho gia đình.
Hiền chỉ cho tôi một sạp bán cơm tấm ở rìa chợ. Đó là sạp bán cơm của vợ chồng ông Trí, một giáo viên dạy sử học ở Tây Ninh. Năm 1991, vợ ông bị bể hụi, nên cả hai bỏ quê trốn sang Phnom Penh. Sau 2 năm buôn gánh bán bưng nơi xứ người, hai vợ chồng ông đã đủ tiền gửi về quê trả nợ. Hết nợ, hai vợ chồng cũng bén hơi xứ lạ nên quyết định ở lại nơi đây lập nghiệp. Hiện giờ hai vợ chồng ông đã nhập tịch Campuchia, mua được nhà và một sạp cơm ở chợ Sài Gòn.
Ông Trí cho biết, sở dĩ cây cầu này có tên thường gọi "rất Việt" là do người Việt và người Campuchia đã từng là sui gia. Ông kể: "Nhiều người bảo người Campuchia gọi tên cầu là Sài Gòn để tưởng nhớ quân tình nguyện Việt Nam giải phóng đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng Pon Pot là không am tường lịch sử. Nó có tên gọi đó từ thời xa xưa. Hồi năm 1969, má tôi thường xuyên đi buôn đường dài Nam Vang (tức Phnom Penh) - Gò Dầu (Tây Ninh, Việt Nam) đã nghe người dân Campuchia gọi nó là cầu Sài Gòn rồi. Sách sử có viết, hồi năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái thứ của mình là công nữ Ngọc Vạn cho vua Campuchia là Chey Chetta đệ nhị để xây dựng tình giao hảo giữa 2 nước. Cây cầu này được vua Chey Chetta đệ nhị xây để đón bà Ngọc Vạn. Quan quân người Việt đưa tiễn cô dâu Ngọc Vạn đến đây rồi trở về. Bà Ngọc Vạn được vua yêu quí đặt cho tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo Dey Preavoreac. Năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cử một đoàn sứ mang tặng phẩm sang Udong tặng cho con rể và con gái. Khi sứ thần Việt trở về, vua Chey Chetta đệ nhị cũng tiễn đến tận cây cầu này. Do vậy, nó có tên gọi là Sài Gòn để tưởng nhớ những cuộc chia ly này. Năm 1972, khi Lon Non cầm quyền, cây cầu được xây dựng lại và chính thức có tên hành chính là Chba Om Pau. Do thói quen từ xa xưa, người dân vẫn cứ gọi là cầu Sài Gòn".
Tên gọi Phnom Penh cũng bắt nguồn từ việc bà Ngọc Vạn làm hoàng hậu Campuchia. Do cách phát âm, bà Vạn được gọi thành bà Penh. Chuyện truyền khẩu cho rằng, Phnom Penh là "núi bà Penh", tức "núi bà Vạn". Tại đất nước Campuchia ngày nay vẫn còn nhiều chùa xây tượng là Penh, tức bà Vạn để thờ cúng. Sau này người Việt sang Phnom Penh làm ăn đã quây quần cạnh chiếc cầu Sài Gòn cất nhà định cư. Dần dà, một ngôi chợ hình thành cạnh chiếc cầu cũng được gọi là "chợ Sài Gòn". Chợ Sài Gòn có tên hành chính là Sa Mieng Chey.
Ở Phnom Penh có 4 ngôi chợ lớn, gồm: Chợ Or xây (còn gọi là chợ Cũ), chợ Th'mey (chợ Trung tâm), chợ Stung Luk Bung (chợ Nga) và chợ Sài Gòn. Trong số 4 ngôi chợ ấy, duy nhất chợ Sài Gòn chấp nhận giao dịch bằng tiền Việt, số còn lại chỉ sử dụng tiền đô la và tiền real.
Đặt chân vào chợ Sài Gòn, tôi hoàn toàn không cảm nhận được mình đang ở nước ngoài bởi không khí mua bán không hề khác bất cứ ngôi chợ nào ở Việt Nam, kể cả việc bán thách giá. Người bán luôn chào gấp đôi giá bán thực. Người bán mời mua một chiếc khăn cro ma 5 USD, có nghĩa là họ sẽ bán giá 2,5 USD. Tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến ở đây. Thỉnh thoảng, khi trao đổi với người Khmer, mọi người mới sử dụng tiếng Việt. Hầu như tất cả hàng hóa ở ngôi chợ này đều có xuất xứ từ Việt Nam.
Chị Dưng có tên Campuchia là Bok, chủ một quầy hàng quần áo cho biết: "Hai vợ chồng tôi sang đây từ năm 1980. Con cái vẫn còn ở quận Gò Vấp. Đứa nào vừa đến tuổi đi học là tôi gửi về Việt nam cho bà ngoại chăm sóc và để đi học. Hàng tháng, hai vợ chồng tôi thay phiên về Việt Nam thăm nhà, thăm con đồng thời lấy hàng đem sang đây bán. Người Khmer chuộng quần áo may sẵn ở Việt Nam lắm".
Chị Dưng cho rằng, ngoại trừ những người mua bán căn cơ như chị, rất nhiều người Việt nghèo sang đây sống "lậu", không có giấy tờ hợp pháp. Họ rời quê tìm cơ may đổi đời bằng đủ thứ nghề cơ cực như bán vé số, chạy tuk tuk, bốc vác, thợ hồ. Kiếm được đồng nào, họ gửi về quê đồng nấy. Một số khác xuất cảnh bằng hộ chiếu phổ thông. Theo qui định, mỗi hộ chiếu phổ thông chỉ được phép cư trú 30 ngày. Hết hạn cư trú 30 ngày, họ đón xe bus về tới biên giới Việt Nam làm thủ tục xuất nhập cảnh rồi trở lại Phnom Penh tiếp tục hành trình mưu sinh.
Bán bún, bán chè là những công việc tạo thu nhập ổn định cho người Việt trên đất nước chùa Tháp.
"Siêng năng ắt sẽ giàu"
Câu chuyện của chị Dưng đang dang dở, một người đàn ông chìa tập vé số chen vào. Tôi ngạc nhiên vì xấp vé số trên tay anh đều có xuất xứ từ Việt Nam. Anh Hiền, người bán vé số, giải thích: "Vé số này được gửi từ Việt Nam qua mỗi ngày theo các tuyến xe bus, vì vậy giá bán cao hơn giá Việt Nam 2.000 VND/tờ. Bây giờ, Campuchia chỉ có vé số Việt Nam và số đề. Ở đây, chơi số đề không phạm pháp".
Anh Hiền quê Châu Đốc, An Giang vốn là bộ đội quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh về quê chạy xe ôm sinh sống. Hàng năm, anh chỉ sang Campuchia bán vé số từ tháng 8 âm lịch đến hết tháng 12 rồi về quê ăn tết. Ăn tết xong, anh chạy xe ôm phục vụ khách hành hương miếu bà Chúa Xứ núi Sam. Hết mùa vía bà, anh làm đồng thuê. Đến tháng 8 lũ về, anh lại lên Phnom Penh bán vé số. Cái vòng quay mưu sinh đó đã trở thành chu kỳ hàng năm của cuộc đời anh suốt 10 năm nay. Trung bình, 4 tháng ở Campuchia anh cũng tích lũy được hơn 10 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí ăn uống.
Sau chợ Sài Gòn là một dãy nhà trọ lụp xụp mọc chen chúc ven sông Ton Le Sap. Xóm chợ Sài Gòn có khoảng 800 hộ dân Việt. Ngoài những người sống lâu năm, có nhà, có quốc tịch, có việc làm ổn định, phần nhiều người Việt mới sang đều vất vả. Bà Hai Xường - Chủ một nhà trọ 20 căn khẳng định, tất cả những người ở trọ đều là người Việt tạm cư. Nhà trọ ở đây cất tạm bợ bằng đủ thứ vật liệu hỗn tạp. Mỗi căn phòng khoảng 20 mét vuông. Giá thuê dao động từ 800.000 VND đến 1.200.000 đồng/1 phòng. Những người độc thân thường hùn nhau 4 người thuê chung một phòng.
Anh Hải, một thợ hồ đang sửa chữa ngôi nhà gần dãy nhà trọ của bà Hai Xường bỏ dở công việc đến góp chuyện với chúng tôi. Anh là thợ cả của một nhóm thợ người Việt ở xã Chum Pa. Xã Chum Pa cách chợ Sài Gòn khoảng 2km vẫn thuộc địa phận quận Mieng Chey. Ở đây quy tụ hơn 100 gia đình người Việt. Hầu hết là những người đã nhập tịch Campuchia, sống bằng nghề xây dựng. Người Campuchia gọi xóm này là "xóm thợ hồ Việt" hoặc "xóm quậy".
"Thợ xây dựng người Việt là hàng có giá ở Campuchia" - Anh Hải nói vui. Người Campuchia rất chuộng tay nghề thợ hồ Việt. Trong khi thợ hồ người Campuchia đừợc trả công cao nhất 10 USD/ ngày thì thợ Việt được trả 15 USD/ ngày. Vì vậy, thợ hồ Việt hiếm khi được rảnh tay, vừa xong công trình này đã có công trình khác để làm. Thợ hồ Campuchia phải làm việc 9 giờ/ ngày. Thợ hồ Việt chỉ làm đúng 8 giờ/ngày.
Với mức thu nhập đó, thợ hồ siêng năng sẽ có của ăn của để nhưng những thợ hồ Việt có "bệnh lười". Anh Hải ngán ngẩm: "Nhiều thằng lười biếng lắm. Một tuần chỉ làm 3 ngày, 4 ngày còn lại la cà nhậu nhẹt. Thợ hồ Campuchia không nghỉ làm ngày nào, kể cả chủ nhật". Đó là lý do xóm thợ hồ Việt ở Chum Pa vẫn còn nhiều gia đình nghèo mặc dù việc làm luôn mời gọi. Anh Hải nói tiếp: "Rảnh rỗi sinh nông nỗi. Không chịu đi làm, tụm 3 tụm 7 nhậu nhẹt, say xỉn rồi đánh lộn. Bởi vậy họ gọi là xóm quậy".
Nghèo mấy cũng phải có tết sung túc, tưởng nhớ ông bà Chỉ một số ít người Việt ở đây cho con cái đi học trường phổ thông Campuchia, phần đông còn lại thường gửi con về quê nhà ở Việt Nam cho đi học. Gần xóm thợ hồ Việt tại ấp Ta Ngâu, phường Nê Rôth, quận Meanchey cũng có 1 ngôi trường tiểu học của người Việt có tên là trường Tân Tiến. Gọi là trường nhưng giáo viên đều không có chuyên môn sư phạm, chủ yếu là dạy tiếng Việt và Toán vỡ lòng. Trường chỉ có hơn 20 trẻ em thuộc nhiều cấp lớp học lẫn lộn. Trường do hội Việt kiều huy động bà con góp tiền xây dựng để "giữ tiếng Việt" cho trẻ em Việt kiều. Hỏi về cái Tết Nguyên đán, bà Hai Xường hồn nhiên: "Làm cả năm chỉ để hưởng cái tết sung túc, tưởng nhớ ông bà. Nghèo cỡ nào cũng phải ăn tết cho ra hồn...". |
Hồ Xuân Dung