Thảm họa múa minh họa

Thảm họa múa minh họa

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Có thể nói Đan Trường là ca sĩ đầu tiên có vũ đoàn riêng vũ đoàn Lido để múa minh họa khi anh biểu diễn. Dần dần, cho đến nay gần như ca sĩ nào xuất hiện cũng kèm theo một vũ đoàn.

Múa minh họa hiện nay hiện diện trong tất cả các dòng nhạc: rock, rap, hip-hop, pop, thậm chí cả nhạc trữ tình, nhạc truyền thống. Nhưng hình ảnh ca sĩ hát một đằng và nghệ sĩ múa một nẻo không còn là chuyện hiếm.

Ảnh minh họa

Nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu

Múa minh họa thường được sử dụng như một hình thức nghệ thuật để tăng hiệu quả biểu diễn trên sân khấu và lấp đầy những khoảng trống chờ nhạc dạo. Một ca khúc hùng tráng về người lính ra trận sẽ thêm hào hùng nếu sân khấu rợp cờ hoa và những bước nhảy mạnh mẽ, khỏe khoắn. Hay điệu múa nhẹ nhàng, uyển chuyển của một đôi vũ công ballet sẽ khiến một tình khúc trở nên lãng mạn và ấn tượng hơn.

Giới tổ chức biểu diễn của thế giới từ lâu đã phát triển múa minh họa thành nghệ thuật cấp cao, hỗ trợ tối đa cho hình ảnh, kỹ năng biểu diễn của ca sĩ chính và có không ít nghệ sĩ thành danh từ những vũ đoàn chuyên nhảy minh họa. Tiêu biểu nhất là ca sĩ Hàn Quốc Bi - Rain, người đã từng biểu diễn tại Việt Nam, giọng ca của anh không nổi bật, nhưng nghệ thuật nhảy múa của Bi và vũ đoàn đủ sức khiến khán giả cuồng nhiệt, tạo thành sân khấu hấp dẫn không thể cưỡng lại được.

Ở nước ta, múa minh họa bắt đầu xuất hiện nhiều trên sân khấu từ những năm 1990. Thời đó, chỉ có vài vũ đoàn chuyên nghiệp xuất thân từ Trường Múa Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, nổi tiếng nhất là vũ đoàn Kim Quy. Công việc chính của họ là dàn dựng và biểu diễn các bài múa độc lập trong các chương trình ca nhạc tổng hợp trên sân khấu hoặc truyền hình. Khi các vũ đoàn này múa minh họa cho ca sĩ - thì đó thường là tiết mục đinh của cả chương trình.

Hình thức này đến nay vẫn còn được sử dụng trong các chương trình ca nhạc lớn đã khẳng định thương hiệu như: Duyên dáng Việt Nam, Sắc màu Sài Gòn, Đêm thần thoại. Trong giai đoạn nền công nghệ biểu diễn ở nước ta trở nên chuyên nghiệp hơn, sự xuất hiện của các vũ đoàn chuyên về các thể loại nhạc trẻ như: Hoàng Thông, ABC, Lido... đã tạo sự sôi động, phấn khích và mối giao lưu giữa ca sĩ với khán thính giả. Cho đến nay, các vũ đoàn này vẫn giữ được sức mạnh truyền thống nhờ thường xuyên tìm tòi học hỏi và không ngừng đào tạo đội ngũ trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, múa minh họa đang bị lạm dụng. Mỗi khi một ca sĩ nhạc trẻ xuất hiện trên sân khấu, thì nhất định sẽ có một vũ đoàn minh họa. Theo thống kê, số lượng vũ đoàn ở TP Hồ Chí Minh đã hơn 80. Về nghệ thuật, các động tác múa lặp đi lặp lại thành công thức. Với những bản nhạc pop nhí nhảnh, thì chắc chắn màn múa sẽ là chạy nhảy tung tăng qua lại trên sân khấu mô phỏng những trò chơi trẻ con. Động tác múa thường gặp ở những bản nhạc có tiết tấu sôi động là hai chân nhảy chữ V, bắt chéo kết hợp với động tác tay như rô -bốt.

Nếu giai điệu bài hát có pha một chút phiêu lãng, thì khán giả sẽ được xem động tác uốn người, lượn mình tại chỗ. Ca sĩ đọc rap hay trình bày một ca khúc hip -hop, thì chắc chắn trên sân khấu sẽ có những chàng trai quần thụng áo phông, tung những tuyệt chiêu của breakdance như: nhảy ngựa, cắt kéo, lóc tôm, lat đồng tiền.

Dòng nhạc rock chỉ có một kiểu múa minh họa là giậm chân, quay đầu và lật tóc! Còn với nhạc trữ tình, thì bản hòa âm phối khí sẽ được viết lại cho sôi động hơn để vũ đoàn có thể múa minh họa bằng những động tác lắc hông và những bước nhảy hip -hop. Nhạc truyền thống thì càng dễ xử, vì giai điệu và lời hát hùng dũng, nên các vũ đoàn thường sử dụng những động tác múa mà như đánh võ: Tung chân ra cước, giơ thẳng nắm đấm về phía trước.

Những chuyện cười ra nước mắt

Có thể nói việc ca sĩ trẻ ra lò hàng loạt đã kéo theo công việc khá sôi động cho diễn viên múa minh họa. Có những nhóm múa phải chạy sô không kém các ca sĩ sao. Cát sê của diễn viên múa khá thấp, tùy quy mô của đêm diễn, từ 50 - 100 ngàn đồng /suất. Vì các tiết mục múa minh họa không có gì phức tạp nên nhiều khi họ chỉ múa đi múa lại một vài điệu giống nhau cho tất cả các tụ điểm biểu diễn.

Ảnh minh họa

Khán giả lắm lúc xem đi xem lại, cũng thấy nhàm và ngao ngán bởi sự nghèo nàn này dù ca sĩ có hát hay đến mấy. Nhiều khán giả phàn nàn họ luôn bị rối mắt khi xem ca nhạc bởi hai lẽ: Một là quá nhiều múa minh họa trong một chương trình, hai là nhiều điệu múa minh họa na ná nhau về động tác và đôi khi bị biến dạng sang các động tác nhảy, chẳng khác gì các bài tập thể dục, không hợp với bài hát.

Hình ảnh ca sĩ hát một đằng và nghệ sĩ múa một nẻo không còn là chuyện hiếm. Phải nói hiện nay múa minh họa trở thành "mốt" thời thượng, cho dù nhiều bài hát không cần múa kèm theo. Nhiều tiết mục múa bị lẫn lộn giữa múa trang trí (chỉ làm đẹp sân khấu) với múa thuyết minh (được dàn dựng theo nội dung ca khúc). Khi nào cần hoặc không cần tới múa minh họa, kèm theo bài hát của mình luôn luôn là câu hỏi hóc búa đối với những ngôi sao đã thành danh. Nhưng ngược lại hiện nay, bất kể ca sĩ trẻ nào cũng đều phải có nghệ sĩ múa đi kèm. Vì sao vậy?

Chẳng cứ những ca sĩ mới vào nghề cần tới múa minh họa mà ngay cả những ca sĩ đã thành danh nhiều khi cũng lạm dụng múa minh họa như một phép màu muốn biến bài hát của mình trở nên sáng giá nhưng thật sự hiệu quả thì ngược lại. Về hiện tượng này chẳng ai có thể quên ca sĩ Quang Vinh, từng là thần tượng của các fan teen, có lần đã vẽ nên câu chuyện minh họa bằng nhóm múa ăn mặc rất lộn xộn, khua kiếm rượt đuổi, đánh nhau để cứu người đẹp trong bài hát Alibaba.

Ấy thế rồi cao hứng, ca sĩ cũng vác kiếm và tự vung những đường kiếm khuềnh khoàng rất vô duyên. Đến khi người đẹp hiện ra thì, chỉ với một chiếc áo ngực ở phần trên cơ thể, để lộ da thịt một cách hết sức phản cảm. Hoặc như ca sĩ Lâm Hùng đã từng cho diễn minh họa một vai hồn lìa khỏi xác, hiên ngang đánh chết kẻ tình địch trong ca khúc Lại một người nữa ra đi...

Cách đây không lâu, trong đêm diễn trở lại đầu tiên của mình tại TPHCM sau những năm xuất ngoại, ca sĩ Hồng Ngọc đã mặc chiếc áo ngủ, uốn éo qua bài hát Đừng xa em đêm nay của Đức Huy; bên cạnh đó cô còn cho một anh chàng cởi trần nhảy múa loanh quanh nhằm diễn tả tình trạng cô đơn, nhớ nhung của cô gái. Chính những chi tiết minh họa kệch cỡm này của các nhà biên đạo múa nghiệp dư đã làm giảm chất lượng đêm diễn.

Nhiều khi, khán giả còn bị tra tấn bởi những màn múa minh họa cho các chương trình ca nhạc, trên truyền hình, với hình ảnh các vũ công, lúc lắc ngực, lúc lại lắc mông, rồi có khi run lên và trườn, bò một cách vô cảm khá phổ biến. Việc lạm dụng múa quá mức và hở hang chỉ có tác hại làm khán giả rối mắt, mất tập trung khi nghe hát mà thôi.

Tình trạng trên xuất phát từ một nguyên nhân cơ bản: Hầu hết các vũ đoàn nhạc trẻ đều tự học và tự dàn dựng tiết mục múa minh họa qua tự tìm tòi từ sách vở và băng dĩa của các nhóm nhạc, vũ đoàn qua kênh MTV châu âu, MTV châu Á.. Hơn nữa, ở nước ta không hề có trường lớp đào tạo sáng tác và biểu diễn một bài múa hoàn chỉnh gắn liền với phong cách biểu diễn và âm nhạc cho cả ca sĩ lẫn vũ đoàn.

Chính vì thế, nhiều người có ấn tượng: Ca sĩ và vũ đoàn nhạc trẻ ở nước ta mới chỉ biết hát - nhảy, mà chưa biết biểu diễn một cách chuyên nghiệp. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu: khán giả có cảm giác các vũ đoàn đang cố gắng lấp đầy khoảng trống do năng lực của ca sĩ hạn chế, nhưng lại gây bực bội vì thiếu sáng tạo.

Khánh Huyền

Tag: chó sói mua