Trong lần tiếp xúc với một nhà nghiên cứu dân gian Nam Bộ, khi tôi đề cập đến hiện tượng chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhà nghiên cứu này cho rằng, đây là di sản phi vật thể được người dân miền sông nước hình thành, bảo tồn và duy trì từ hàng trăm năm trước. Đây là nét văn hóa đặc sắc mà không vùng miền nào khác ngoài ĐBSCL có được.
Hoạt động mua bán hoa quả tại chợ Cái Răng
Hồi hộp đi chợ nổi
Chợ nổi thực chất là lối họp chợ theo nguyên tắc chợ trên bờ. Tuy nhiên, do đặc điểm sông nước nên có những điểm rất độc đáo. Toàn bộ hoạt động trao đổi diễn ra ngay trên mặt sông, thông qua các con đò, ghe thuyền cỡ nhỏ. Trong số những vùng còn tồn tại thói quen họp chợ truyền thống này, có thể điểm tên 4 Chợ nổi lớn được nhiều người biết đến, được giới thiệu trong các tài liệu về du lịch, vùng ĐBSCL như: chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ), chợ nổi Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), chợ nổi Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng). Nhưng trong số đó, chợ nổi Cái Răng (cầu Cái Răng, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ), vẫn được xem là lớn về quy mô, đa dạng về hàng hóa và đặc biệt là còn giữ được những nét hoang sơ, điển hình cho hoạt động buôn bán trên sông của vùng đất Nam Bộ xưa.
Trong chuyến công tác về vùng gạo trắng, nước trong Cần Thơ, chúng tôi quyết định làm một chuyến đi chợ nổi Cái Răng, với mong muốn được quay về thời Nam Bộ sơ khai. Khi chúng tôi tìm được đến chợ nổi Cái Răng cũng là lúc mặt trời gần đứng bóng, tuy nhiên, thật bất ngờ, không thấy chợ đâu. Địa điểm được xem là trung tâm chợ thường ngày giờ chỉ là khoảng sông đục nước, đôi ba ghe thuyền lặng thinh cắm neo đong đưa trên dòng nước, thi thoảng một vài con đò ngược dòng tạt ngang, làm sóng gợn từng đợt vỗ bờ.
Thấy chúng tôi là khách lạ, ông Trần Văn Ba (51 tuổi, Q.Cái Răng), bán hàng nước bên bờ cho chúng tôi biết, chợ chỉ bắt đầu từ khoảng 2h sáng và kết thúc vào lúc 7h, muộn hơn cũng chỉ kéo dài thêm vài ba chục phút là vãn hẳn. Có nghĩa chợ chỉ xôm tụ nhất vào giờ khắc tinh sương. Điều này thực sự ngắn ngủi so với một ngày dài, nhưng cũng vì thế mà đtạo nên nét riêng làm nên sự độc đáo của chợ sông nước. Người ta bảo khó có ai chỉ ra được giây phút chợ bắt đầu và khi nào là kết thúc là thế. Dân gian còn ví chợ nổi Cái Răng như một bà già bỏm bẻm mà minh mẫn, mang trong mình những câu chuyện dân dã. Phải biết cách lắng nghe, mới cảm nhận được hơi thở truyền nhân từ muôn đời trước muốn nói. Tôi quyết định thức trắng để đếm thời gian ngay chân cầu Cái Răng, nơi có thể bao quát được lúc chợ bắt đầu họp và khi hoàn toàn kết thúc để được lắng nghe câu chuyện hoài cổ đó.
Trời về đêm, cầu Cái Răng gần như không ngủ. Ngay trên bờ, phía sát chân cầu cũng có một khu chợ tương đối lớn, đầy đủ các mặt hàng, hoạt động buôn bán khá tấp nập. Người dân địa phương bảo, chợ này cũng tan khi chợ nổi Cái Răng bắt đầu thức. Hai chợ gần nhau, một thức, một ngủ, luân phiên như kẻ gác đèn mang ánh sáng cho khúc sông Cái Răng không bao giờ đen đục.
Mang tâm trạng của một người tò mò xen lẫn hồi hộp, tôi háo hức đợi chờ giờ phút mở màn của buổi chợ. Khi kim ngắn đồng hồ chuyển sang con số 1, cũng là lúc khu chợ trên bờ dần vãn khách. 2h, bắt đầu xuất hiện tiếng nổ xình xịch đánh thức mặt sông, giờ phút khai mạc chợ nổi bắt đầu. Chỉ trong khoảng 15 phút ngắn ngủi, ghe, thuyền từ hạ nguồn tiến lên, trên thượng nguồn đổ về, mặt sông loang loáng sáng, trong tích tắc, không khí chợ nhộn nhịp hẳn. Những ánh đèn ghe xuyên màn đêm mang trong mình niềm hi vọng, một buổi mai đắt hàng.
Triết lý cây Bẹo
Thời gian đẩy lùi màn đêm, 5h sáng, bầu trời Cần Thơ tinh trong không một gợn mây, mặt sông sáng loáng có thể nhìn thấy màu đục phù sa, ghe đậu kín một khoảnh sông. Đứng trên cầu bao quát được toàn bộ khung cảnh của chợ, xa xa đám ghe được ngụy trang bằng những thức hàng chịch mui, nên con người trên đó vì thế như trở thành bé nhỏ. Tôi hồi hộp sắp sửa đồ nghề cho một chuyến đi chợ, mà trước nay chưa từng có. Loay hoay mãi cũng kiếm được con đò của một hộ chuyên chở khách cặp ngay bờ sông. Ở khu vực viền chợ này, có rất nhiều đò như thế, họ lấy tiền công đưa đón từ trong bờ ra và ngược lại đối với những ai muốn đi thăm quan.
Trên khoang đò nhỏ, chủ có nuôi hai con vịt xiêm, vì quen ở thuyền nên vịt cũng đứng giấu 1 chân cố hữu, ngủ như chưa bao giờ bị đánh động. Đò rẽ mặt sông tiến vào nơi neo đậu, vì chợ chẳng có cổng nên người đi chợ có thể đi bất cứ lối nào không bị ghe thuyền che chắn. Ở chợ nổi cũng không có người soát vé, người đến rồi đi trên sông như mối duyên hợp tan tự bao đời. Cảnh họp chợ đem đến cho người ta cảm giác thú vị đến bất ngờ. Những chiếc ghe chở đầy hàng hóa, mấp mé nước. Nào trái cây cam, xoài, bưởi, nào rau quả bắp cải, súp lơ, cà chua, su hào, khoai…Người ta có thể tìm thấy "thượng vàng hạ cám" trên khu chợ nổi này.
Điều độc đáo nhất là trên mỗi chiếc ghe hàng, đều treo một chiếc sào bằng tre, dọc thân tre có các nhánh, chủ buộc đầy những thức hàng mà mình có. Những nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng trong hình thức buôn bán của chợ nổi thì đây là nét độc đáo và gây sự tò mò nhất cho người đi chợ. Chiếc sào đó có nhiều tên gọi khác nhau, thế nhưng tên nguyên thủy mà dân gian vẫn thường gọi là Bẹo.
Cây Bẹo có chức năng rất quan trọng đối với công việc buôn bán trên sông nói chung và mỗi ghe thuyền nói riêng. Đó là sự quy ước ngầm của kẻ bán người mua. Trên thân Bẹo treo gì, nghĩa là ngày hôm đó họ bán mặt hàng đó, Bẹo treo càng lỉnh kỉnh thì hàng hóa càng phong phú và ngược lại. Mỗi buổi họp chợ là một lần gia chủ phải trưng bày những thứ hôm đó mình có. Nhìn vào Bẹo, khách mua có thể nhanh chóng chọn lựa cho mình thứ cần, dù đứng từ xa hàng chục mét. Đó là điều không hề có ở chợ trên bờ. Những nhà văn hóa ví đó là hình thức marketing sơ khai, đơn giản nhưng rất hiệu quả, mà những cư dân miệt sông nước rút ra trong quá trình buôn bán của mình.
Lạc giữa ngút ngàn thuyền bè, tôi như ngụp lặn trong vựa rau quả khổng lồ Nam Bộ. Thú thực, nếu có ý định chọn mua một mặt hàng nào đó ở đây thì có lẽ khó mà chọn nổi. Ở đây mua, bán với quy mô lớn, để từ đó vận chuyển về phát tán ra các tỉnh lẻ. Hàng hóa ở đây hội tụ từ khắp nơi, khá đa dạng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài sản phẩm cây nhà lá vườn ở miệt sông nước, thì còn có cả thứ hàng được các thương lái lấy từ những trung tâm rau quả lớn như Campuchia sang hay trên Đà Lạt xuống.
Anh Tư Dền (43 tuổi, An Giang), người có thâm niên hàng chục năm buôn bán hoa quả ở chợ nổi này cho biết: "Ghe tui thường lấy mối cam quýt từ bên Campuchia đến đây bán. Ban đầu vì xa cách địa lý có khó khăn, thế nhưng làm riết rồi quen, vì buôn bán trên sông, dễ dàng trao đổi hàng hóa hơn". Từ mục đích mưu sinh, thế rồi anh nghiền lúc nào không hay, ngày nào vắng một buổi chợ, không nghe tiếng sóng ì oạp vỗ mạn là anh lại thấy nhớ.
Trên khúc sông nhỏ này là sự quy tụ gần như các ghe buôn đến từ tất cả các vùng ở miền ĐBSCL. Minh chứng là không chỉ ghe thuyền mang số đăng kiểm ở Cần Thơ, mà còn Long An, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, thậm chí có những ghe mãi tận Kiên Giang vẫn mang hàng ngược lên đổi bán. Đây là lý do vì sao nhiều người đi chợ nổi bị ghiền (nghiền) mà trầm trồ rằng, ngoài việc hàng hóa chợ nổi rất đa dạng, thỏa chí mua bán, người mua còn được một lần sống lại khung cảnh sinh hoạt của người xưa.
Giá trị cổ truyền Xét về nguồn gốc địa lý, khúc sông Cái Răng thực chất là một nhánh nhỏ trong mạng nhện của hệ thống sông Cửu Long, tỏa đi tất cả các tỉnh khác trong khu vực. Đây cũng là minh chứng cho rằng, chợ nổi Cái Răng là một trong những chợ cổ nhất. Bởi, lịch sử vùng Nam Bộ chỉ khoảng 300 năm trở lại, thuở sơ khai không có đường bộ, người dân chủ yếu sử dụng ghe thuyền làm phương tiện. Rồi nhu cầu trao đổi hàng hóa nảy sinh, và chợ nổi hình thành, cũng có nghĩa ở ĐBSCL, chợ nổi có trước chứ không phải chợ trên bờ có trước. Luận điểm này được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đồng tình ủng hộ. |
Kỳ Anh