Trung tuần tháng 10, PV báo Người Đưa Tin nắm được một số thông tin về chương trình tuyển dụng lao động làm việc tại Nhật Bản, gọi tắt là chương trình IM JAPAN. Chương trình này được bộ LĐ-TB&XH đảm nhận và giao cho trung tâm Lao động ngoài nước thực hiện.
Theo đó, trung tâm Lao động ngoài nước sẽ tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thi tuyển. Việc thi tuyển phải đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Kết quả thi phụ thuộc phần lớn vào năng lực của người lao động.
Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn Thủ đô xuất hiện công ty CP Đào tạo và phát triển số Hà Nội tự quảng cáo có vai trò tuyển người tham gia chương trình IM JAPAN. Đặc biệt, để chèo kéo nhiều người tham gia, công ty này còn tung hô có khả năng giúp học viên trúng tuyển 100% với chi phí 100 triệu đồng.
Qua một thời gian tìm hiểu, PV đã tìm gặp được một vài người dân đang “được” nhân viên của công ty này môi giới, chào mời đi lao động tại Nhật Bản theo chương trình IM JAPAN.
Tại huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng, chúng tôi gặp cô Đỗ Thị H., là một trong những người đang có ý định cho con đi xuất khẩu lao động.
Cô H. cho biết, cô có cậu con trai vừa trượt đại học. Đang lo lắng không biết nên định hướng tương lai cho con như thế nào thì cô được một người bạn giới thiệu cho chương trình đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản của bộ LĐ-TB&XH.
"Tôi mới chỉ nghe được thông tin trên thì ngay ngày hôm sau, một người đàn ông tên là Tuấn – xưng là nhân viên của công ty CP Đào tạo và phát triển số Hà Nội gọi điện thoại cho tôi tư vấn về chương trình xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, gọi là IM JAPAN. Qua tìm hiểu, tôi được biết, chương trình này phải thi, tỉ lệ chọi rất cao. Với trình độ của con trai, tôi cũng lo lắng cháu không thể thi qua được”, cô H. cho hay.
Tuy nhiên, khi cô trao đổi về sự lo lắng của mình, thì Tuấn khẳng định như đinh đóng cột rằng công ty sẽ lo hết chuyện thi cử đó. Con trai cô H. chỉ việc lên nhập học, công ty Tuấn sẽ có trách nhiệm lo từ A đến Z, đảm bảo không thể trượt được.
Người đàn ông tên Tuấn này cũng không quên báo giá chi phí “bao đỗ” là khoảng 100 triệu đồng. Nếu đồng ý với mức giá đó thì gia đình cô H. chuẩn bị đồ dùng cá nhân và chi phí “bao đỗ” rồi đưa con lên nhập học.
Không chỉ có mình cô H., tại huyện Thủy Nguyên, chúng tôi còn bắt gặp trường hợp được môi giới đi xuất khẩu lao động của em Đoàn Văn T.. Em T. cho biết, học xong cấp 3 thì em không có ý định thi vào đại học mà kiếm một việc làm có thu nhập ổn định.
Đang phân vân chưa biết chọn nghề gì thì T. gặp Tuấn thông qua người bạn cùng làng. Tuấn giới thiệu công ty mình đang chiêu sinh học viên đi lao động xuất khẩu theo đơn đặt hàng của bộ LĐ-TB&XH, khi tham gia vào chương trình đào tạo của công ty, sẽ hoàn toàn yên tâm về tính pháp lý cũng như quyền lợi của mỗi người.
Tuấn quảng cáo thêm với em T. rằng, chỉ cần 100 triệu đồng là em có thể sang Nhật Bản lao động theo chương trình IM JAPAN và hưởng được rất nhiều quyền lợi khi được 2 nước Việt Nam và Nhật Bản hỗ trợ. Số tiền 100 triệu đồng sẽ là tiền “bao đỗ” để T. có thể trúng tuyển.
Nghe theo lời quảng cáo ngon ngọt này, gia đình đã chuẩn bị tiền và hành trang để T. lên Hà Nội làm thủ tục nhập học.
Trước những thông tin “hấp dẫn” trên, PV báo Người Đưa Tin đã tiếp cận công ty CP Đào tạo và phát triển số Hà Nội hòng tìm hiểu rõ hơn về cái gọi là “bao đỗ” để được đi nước ngoài.
Có mặt tại trụ sở công ty tại 164 phố Mai Dịch (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), theo quan sát của PV, ngôi nhà 5 tầng này không hề thấy có biển hiệu của công ty, tại cửa ra vào có dán cờ hai nước Việt Nam, Nhật Bản. Bên trong trụ sở dán vài bức hình biểu tượng của xứ sở hoa anh đào cùng nhiều tấm bảng trắng và bút mực đã được chuẩn bị sẵn để tiện cho các nhân viên tư vấn khách hàng.
Ghé vào quán nước ngay cạnh công ty, khi chúng tôi có ý hỏi thông tin để tham gia chương trình đào tạo đi xuất khẩu lao động thì được bà chủ quán cho biết, học viên của công ty rất đông, có người đi Hàn Quốc, có người đi Nhật Bản.
Theo quan sát của PV, thỉnh thoảng có một vài tốp thanh niên bước từ trong công ty ra. Bà chủ quán lập tức giới thiệu đó là những học viên tham gia chương trình xuất khẩu lao động. Họ ăn, ở và học ngay tại trụ sở công ty.
Ngày hôm sau, PV đã liên hệ với nhân viên tên Tuấn, người trước đó tự giới thiệu đang giữ vai trò tuyển sinh cho chương trình IM JAPAN của công ty CP Đào tạo và phát triển số Hà Nội.
Qua điện thoại, ban đầu nam nhân viên này có vẻ khá e dè và có ý thăm dò khi liên tục hỏi PV quê ở đâu, vì sao lại biết số điện thoại cũng như công ty của anh ta đang chiêu sinh lao động xuất khẩu tại Nhật Bản. Chỉ đến khi PV trả lời, được một người bà con cùng quê với Tuấn giới thiệu, nam nhân viên này mới cởi mở hơn và bắt đầu nói về việc công ty của mình.
Đúng như lời kể lại của người dân, Tuấn khẳng định hoàn toàn có khả năng giúp ai đang có nhu cầu đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản với giá rẻ nhất trên thị trường. Tuấn đảm bảo với chúng tôi rằng, không thể tìm ở đâu ra một mức giá rẻ hơn, “chất lượng” hơn công ty của Tuấn!?.
Vờ như đã bị Tuấn thuyết phục, PV ngỏ ý xin địa chỉ của công ty để đến tận nơi “xin học”. Tuy nhiên, Tuấn lập tức từ chối và cho biết sẽ cho địa điểm cụ thể trước ngày hẹn.
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, Tuấn khẳng định thêm: “Công ty của anh được bộ LĐ-TB&XH quản lý, đảm bảo không có chuyện lừa đảo đâu, cụ thể thế nào, sáng thứ Hai (ngày 30/10), anh sẽ nhắn cho em địa chỉ của công ty”.
Những ngày sau đó, PV liên tục nhận được các cuộc điện thoại của Tuấn nhắc nhở về ngày hẹn cũng như những gì phải chuẩn bị cho buổi tư vấn sắp tới.
Theo đúng lịch, sáng ngày 30/10, PV nhận được tin nhắn của Tuấn thông báo địa chỉ gặp nhau ở đầu phố Mai Dịch (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Khi PV đến địa điểm trên khá bất ngờ, bởi còn nhiều người đến từ các tỉnh, thành khác nhau cũng đang chờ gặp Tuấn để làm thủ tục.
Khoảng 30 phút sau Tuấn có mặt và gọi taxi đưa chúng tôi đi sâu vào con phố Mai Dịch. Trên đường đi, có lẽ do hồi hộp và lo lắng nên những người đi cùng xe không nói với nhau câu gì.
Dường như cảm nhận được điều đó, để trấn an tinh thần, Tuấn liên tục “dỗ dành” rằng, tất cả mọi người sẽ được gặp những nhân viên tư vấn có kinh nghiệm và đặc biệt được trò chuyện trực tiếp một cách cởi mở, thân mật với Giám đốc công ty.
Đúng như dự đoán của PV, chiếc xe taxi đưa mọi người đến số 164 Mai Dịch - nơi được coi là trụ sở của công ty mà PV đã có cơ hội tiếp cận trước đó. Như mọi ngày, ngôi nhà 5 tầng vẫn tấp nập các học viên ra vào.
Cũng tại đây, dịch vụ “bao đỗ” chương trình lao động xuất khẩu tại Nhật Bản bắt đầu được hé lộ…
Còn tiếp...
Khánh Ngân - Quang Linh