Phải “chỉ mặt gọi tên”...
Thưa ông, 10 "đại án" tham nhũng đã được điểm mặt, chỉ tên, 3 vụ án đã được xét xử nghiêm minh với mức án tử hình hay 30 năm tù giam...Ông nói gì về điều này?
Tôi cho rằng việc xét xử đã diễn ra nghiêm túc. Trong vụ Vinalines, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mà tham ô, tham nhũng với số tiền lớn (nếu) phải chịu mức án cao nhất là thoả đáng. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh tới liệu còn có những cán bộ, công chức của các cơ quan quản lý Nhà nước nào nữa không, tiếp tay cho lãnh đạo của tập đoàn này. Không thể chỉ mình lãnh đạo Vinalines làm được việc này mà còn khâu phê duyệt đầu tư, cung cấp nguồn tài chính, bảo lãnh tài chính. Vậy liệu có còn bỏ sót những cá nhân trong các cơ quan quản lý Nhà nước hay không? Đó là câu hỏi xác đáng mà dư luận và ĐBQH đặt ra.
Nghĩa là khi "vào hang bắt hổ" thì các bị cáo là lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty cũng mới chỉ là "hổ con"?
ĐBQH còn băn khoăn về việc xử lý dường như mới dừng lại ở những người đứng đầu các Tập đoàn, Tổng công ty. Bởi họ không thể tự mình gây thất thoát tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, nhiều triệu đô la nếu không có sự buông lỏng quản lý, sự tiếp tay, tiếp sức, tiếp mưu, đồng hành, đồng lõa, đồng phạm của một số cán bộ công chức các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Lợi ích nhóm được hình thành từ liên minh ma quỷ đó và hệ lụy là tiền thuế của nhân dân, ngân khố quốc gia ngày ngày bị bòn rút, đục khoét, sói mòn, thâm hụt. Nhưng dường như những người này đang đứng ngoài cuộc, vô can. Những người tiếp tay ấy cũng phải chỉ rõ mặt, rõ tên thì pháp luật mới nghiêm minh được.
ĐBQH Lê Như Tiến.
Việc đưa các "đại án" tham nhũng ra xét xử được coi là "đòn chí mạng" đánh vào "giặc nội xâm" nhưng trước đó, Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận: Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng chưa thực sự bị ngăn chặn và đẩy lùi. Ông bình luận gì thực tế này?
Nói một cách hình ảnh là chúng ta đã bầy binh bố trận rầm rộ, chiến lược, chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu xong "giặc nội xâm" chưa bị sát thương là bao nhiêu. Quyết tâm chính trị đã có chứng tỏ hiệu quả phòng, chống tham nhũng đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Cử tri cho rằng nợ xấu về tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là "nợ xấu" lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng. Dư luận xã hội cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng mới dừng lại ở việc "bắt sâu nhỏ ở lá cành, chưa bắt được sâu lớn đục khoét thân cây gốc rễ", đó mới là nguyên nhân chính làm suy kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội. Có một nghịch lý là các cơ quan phòng, chống tham nhũng của chúng ta có từ Trung ương đến địa phương, song phần lớn các vụ án tham nhũng lại do người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện.
Cần có cơ quan được trao "thượng phương bảo kiếm"
Không chỉ chưa bắt được "sâu đục thân" mà thậm chí "sâu lá cành" vẫn tồn tại ở nhiều nơi, khiến người dân bức xúc gọi tên là tệ "tham nhũng vặt". Ông nghĩ gì về điều này?
Những vụ tham nhũng lớn hàng nghìn tỷ, nhiều triệu đô-la đã được xét xử nhưng với "tham nhũng vặt" vẫn còn nhiều bức xúc. Đến các cơ quan công quyền của Nhà nước cũng phải có phong bao, phong bì để "bôi trơn bộ máy" thì mới được xử lý công việc. Người dân gặp rất nhiều hiện tượng này trong cuộc sống như xin giấy tờ, chứng nhận quyền sở hữu, xin cấp phép xây dựng... Tôi cho rằng những vụ lớn ta làm nghiêm nhưng với những "tham nhũng vặt" làm cho người dân bức xúc cũng phải chấn chỉnh, xử lý. Bởi vì khi người dân tiếp xúc nhiều cán bộ cấp cơ sở bị nhũng nhiễu họ sẽ hao vơi niềm tin với Nhà nước.
Ông nói tham nhũng lớn hay nhỏ đa phần đều do người dân và báo chí phát giác. Ông suy nghĩ thế nào khi gần đây người dân có vẻ thờ ơ không mấy mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt trong phòng, chống tham nhũng?
Có trường hợp người dân phát hiện tham nhũng, cung cấp thông tin cho các cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý cũng không phản hồi, im lặng đáng sợ. Bên cạnh đó, người đấu tranh phòng, chống tham nhũng đôi khi lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng. Nhiều người đứng ra tố cáo tham nhũng trở thành những người đơn thương độc mã đã tạo ra tâm lý xã hội người ngay sợ kẻ gian.
Vậy để tấn công mạnh hơn nữa "giặc nội xâm", bắt cả "hổ, mèo, chuột..." có người nói cần "thượng phương bảo kiếm", còn ông có quan điểm như thế nào?
Tôi cho rằng bên cạnh các cơ quan điều tra hiện có cần thành lập Cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan này có cơ chế đặc biệt được trao "thượng phương bảo kiếm" có quyền điều tra độc lập chỉ như vậy mới tấn công mạnh, hạn chế được tham nhũng.
Xin cảm ơn ông.
Minh Khánh - Cao Tuân