Vì khóc nhiều khi tới lớp, bé Nguyễn Gia Hải hiện đang học mẫu giáo 4 tuổi lớp A3 trường mầm non Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai bị 3 giáo viên, trong đó có một người là hiệu trưởng của trường, dọa thả vào máy vặt lông gà. Sự việc trên xảy ra vào ngày 23/3 được chính bố cháu bé dùng điện thoại cá nhân chụp ảnh và quay clip.
Đây không phải lần đầu xuất hiện những đoạn clip “dỗ trẻ” với các “độc chiêu” mang tính bạo hành như thế tại các trường mầm non trên địa bàn cả nước .
Trước những hình ảnh này cùng hình phạt “tạm đình chỉ” dành cho hiệu trưởng của trường mầm non Xuân Giao, PGS.TS Lê Thị Quý – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển, trường ĐH KHXH&NV–ĐHQGHN cho rằng, việc “tạm đình chỉ” là... nhẹ.
Bởi lẽ, tâm hồn trẻ em rất mong manh, ngây thơ và trong sáng. Các em khóc hay lười ăn, đó chỉ là những hành vi của trẻ con, hành vi đầu đời mà ai cũng trải qua nên không thể dốc ngược đầu trẻ vào máy vặt lông gà để “dọa” hay “dạy dỗ”. Đó là hành động phản sư phạm, người có những hành động đó không xứng đáng làm thầy chứ chưa nói làm hiệu trưởng một trường mầm non.
“Sự việc hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên ở Hà Nội chối bỏ trách nhiệm khi gây tai nạn cho học sinh của trường vừa tạm lắng xuống lại tới sự việc của hiệu trưởng trường mầm non ở huyện Bảo Thắng. Tôi thực sự thấy xấu hổ. Qua đó, chất lượng giáo viên, chất lượng hiệu trưởng cần được xem xét lại.
Pháp luật không nghiêm minh sẽ không giải quyết được vấn đề. Cần có chế tài xử phạt kịp thời những hành vi như trên để làm trong sạch môi trường giáo dục. Nếu như ai đó có lỗi với người lớn, chúng ta xử một nhưng có lỗi với trẻ em thì phải xử phạt gấp đôi”, PGS.TS Lê Thị Quý nhấn mạnh.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Ths.BS Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (bộ LĐ-TB&XH) thì cho rằng, hình ảnh cô giáo dốc ngược cháu bé 4 tuổi vào máy vặt lông gà là hành động phản cảm, hành động bạo lực dù đó chỉ là dọa học sinh.
Bản thân Ths.BS Nguyễn Trọng An cũng đặt ra câu hỏi: "Tại sao những câu chuyện giáo viên đánh học sinh chúng ta lên án nhiều mà hiện tượng đó vẫn còn tồn tại? Phải chăng, trường mầm non Xuân Giao nói riêng và các trường mầm non nói chung không được thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo về vấn đề quyền trẻ em. Nhất là gần đây vấn đề xâm hại và bạo lực trẻ em liên tục xuất hiện".
“Tôi không bênh vực cô giáo vì tôi thường xuyên lên tiếng phản đối những hành động bạo lực với trẻ em. Hành động này sẽ khiến em bé rất sợ và có thể gây sang chấn, tổn thương về tâm lý. Đặc biệt với những em thần kinh yếu sẽ gây những sang chấn mạnh hơn như đêm về khóc thét, khóc trong giấc ngủ, bỏ ăn, có thể bị bệnh tật...”, Ths.BS Nguyễn Trọng An cho hay.
Cũng theo Ths.BS Nguyễn Trọng An, vấn đề dọa trẻ con vẫn xảy ra ngay trong gia đình và nhà trường, việc sử dụng roi vọt trong giáo dục con cái, dọa để ăn... cũng có. Nhưng chúng ta đang hướng tới không sử dụng bạo lực với trẻ em, vì thế chúng ta nên làm những gì tốt đẹp hơn.
“Các bậc cha mẹ thường xuyên theo dõi, chăm sóc con cái. Nếu phát hiện những vết bầm xước, thâm tím... trên cơ thể trẻ cần trao đổi với giáo viên. Còn các cô giáo cần lấy đây như một trường hợp để tự cảnh báo mình sẽ không lặp lại những chuyện như thế”, Ths.BS Nguyễn Trọng An trao đổi thêm.
Về tình hình sức khỏe của bé Hải, sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, qua quan sát, sức khỏe, tâm lý và các hoạt động của cháu bé vẫn bình thường, nhà trường sẽ cho cháu đi giám định sức khỏe để đưa ra các kết luận chính xác.
Phía Công an huyện Bảo Thắng cũng đã nhập cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.
Tên học sinh đã được thay đổi...
Nguyễn Huệ