Dạy học không phải vì tiền
Căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2 ở tầng hai chung cư Nguyễn Thiện Thuật (P.1, Q.3, TP.HCM) là nơi mà thầy giáo Nguyễn Phước Thiện mở lớp học. Thầy Thiện chia sẻ: "Tôi chẳng phải là thầy và chưa bao giờ nhận mình là thầy, những người đến học cùng tôi quý mến nên gọi tôi là thầy thôi. Dạy học là một nghề cao quý, tôi chỉ hi vọng mình góp công sức nhỏ bé để truyền đạt lại những gì mình có cho những thế hệ mai sau".
Năm Thiện mới mười tuổi, cơn bạo bệnh đã cướp đi ánh sáng của đôi mắt. Không mặc cảm, Thiện luôn học rất giỏi. Mới học lớp 11, nhưng Thiện đã có trình độ C Anh văn. Thấy người bạn mù lòa nhưng trình độ tiếng Anh vượt trội, các bạn cùng lớp thường nhờ chỉ bài. Thế là anh học trò mù Nguyễn Phước Thiện trở thành thầy giáo tiếng Anh từ ngày ấy.
Thầy Thiên luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống.
"Sau khi tốt nghiệp THPT năm 1989, tôi thi vào khoa Tiếng Anh ĐH Sư phạm TP.HCM. Lúc tôi đăng ký thi, người ta không đồng ý, nhưng tôi đã chứng minh cho họ thấy tôi vẫn có thể tiếp thu được bài vở như những sinh viên bình thường khác. Và tôi đã trở thành một trong những sinh viên khiếm thị đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc tại ngôi trường này".
Phòng học chỉ có tám chiếc ghế và một cái bàn, nhưng thầy Thiện cho biết, mỗi buổi học số học viên có thể lên đến 15 người. Ngoài những học viên có mặt ở đây, anh còn dạy từ xa bằng cách tương tác qua điện thoại.
"Cứ khi nào bắt đầu giờ dạy tôi lại gọi điện thoại cho những học viên ở xa để họ có thể cùng học. Ngoài ra, tôi còn dạy qua internet cho nhiều người ở nước ngoài".
Học viên của anh đủ mọi thành phần, trình độ khác nhau, vì thế, để đáp ứng được nhu cầu, Thiện phải tìm tài liệu mọi lúc mọi nơi, luôn học hỏi để nâng cao trình độ của mình.
Anh tâm sự: "Dạy thật ra cũng là học, dạy phải tìm nguồn tài liệu mới rồi dạy lại cho học viên, mỗi lần như thế mình lại tiếp thu được nhiều cái mới". Không chỉ dạy kiến thức sách vở mà chính tấm gương vượt khó của Thiện giúp học viên hoàn thiện bản thân trong giao tiếp xã hội, giúp nhiều người nhận ra những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, để biết vươn lên, biết yêu thương chia sẻ.
Luôn hài lòng với những gì mình có
Nguyễn Phước Thiện luôn hướng học viên vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống và đặc biệt là phải luôn biết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Thầy Thiện tự hào: "Tiếng Việt mình đẹp lắm, trong sáng lắm, những học viên đến với tôi trước hết phải có ý thức giữ gìn tiếng Việt, nếu chỉ học tiếng Anh mà quên tiếng mẹ đẻ thì tôi không cho học cùng".
Suốt buổi trò chuyện với phóng viên, thầy giáo Thiện luôn tươi cười và cho rằng mình là người may mắn hơn nhiều người khác. Đã bước qua tuổi 40, nhưng khi hỏi thầy Thiện có ý định lập gia đình không, anh cho biết: "Mọi người đều tự biết tìm hạnh phúc cho mình, hạnh phúc của tôi là được tiếp tục dạy học. Tôi đã tìm được niềm vui và tôi sẽ cố gắng chung thủy với lựa chọn của mình".
Khi tôi hỏi, những lúc buồn lúc rảnh rỗi thầy Thiện làm gì, anh cười chia sẻ: "Tôi chẳng bao giờ cảm thấy buồn. Dù tôi không nhìn thấy nhưng tôi cảm nhận được cuộc sống này lung linh lắm. Tôi cũng không có thời gian rảnh, sau giờ lên lớp, tôi lại dò tìm những tài liệu mới để phục vụ cho việc giảng dạy.
Tôi luôn tìm kiếm những điều hay, có ích để hoàn thiện chính mình và giáo dục các em học sinh biết quý trọng những gì mình có. Thời gian không chờ đợi ai hết, vì thế, hãy sống trọn vẹn từng ngày để không ai phải oán trách, hối hận".
Công Thư