Thầy trò xúc phạm nhau sẽ bị phạt 10 triệu đồng

Thầy trò xúc phạm nhau sẽ bị phạt 10 triệu đồng

Thứ 4, 06/11/2013 16:28

Vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 138 về xử phạt hành chính đối với những hành vi sai phạm trong giáo dục. Trong đó, quy định xử phạt tiền lên đến 10 triệu đồng đối với hành vi thầy cô xúc phạm học sinh, ngược lại, học sinh có hành động xúc phạm thầy cô cũng bị phạt số tiền như trên. Khi bàn về quy định này, nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra băn khoăn về việc tính khả thi khi thực hiện Nghị định này trên thực tế.

Vết nứt tâm hồn nghề giáo

Trong thời gian gần đây, những vụ việc thầy bạo hành trò, trò hành hung thầy khiến dư luận hết sức bức xúc. Đơn cử, vụ việc xảy ra tại trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức, TP. HCM gần đây khiến không ít phụ huynh tỏ ra vô cùng bức xúc. Anh Nguyễn Văn H., ngụ đường Nguyễn Bá Luật, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức vô cùng bức xúc khi nhìn thấy toàn bộ phần mông của con trai mình bị bầm tím do không học thuộc bài. Cháu bé không ngồi được, ăn cơm phải đứng, học bài phải nằm nhưng vẫn cắn răng chịu đựng. Chỉ đến khi không chịu đựng được mới khóc và lúc sau, bố mẹ cháu mới biết.

Xã hội - Thầy trò xúc phạm nhau sẽ bị phạt 10 triệu đồng

Môi trường giáo dục ảnh hương lớn đến sự phát triển nhân cách của học sinh.

Trường hợp thầy Ngô Thanh Lịch, giáo viên môn toán lại chéo ngeo hơn. Theo tìm hiểu, giờ ra chơi tiết hai, em N.T.H.C., học sinh lớp 11E trường THPT Thanh Miện (Hải Dương) cùng với bạn là em H. đang đi ra ngoài thì gặp thầy Ngô Thanh Lịch. Thấy em C. đang sử dụng điện thoại, thầy giáo Lịch đòi tịch thu. Khi hai em nhất quyết không giao điện thoại cho thầy giáo với lý do nhà trường không cấm sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi thì thầy giáo Lịch đã đánh vào vai em C. và nói “Chúng mày đùa tao đấy à?”. Thấy bạn bị đánh, H. can ngăn thì thầy giáo Lịch đã lấy thước kẻ nhựa đánh khiến H. bị chấn thương vùng đầu.

Cũng trong câu chuyện liên quan đến bạo hành học đường, tháng 5 vừa qua, thầy Nguyễn Huy Oánh (SN 1944), giảng viên ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội, bị một nam sinh viên tên Tạ Quang Nghĩa trong trường dùng gậy sắt đánh trọng thương khiến dư luận bàng hoàng. Nguyên nhân dẫn tới hành vi đánh thầy của Nghĩa ban đầu được xác định là do mâu thuẫn với thầy Oánh khi thầy đánh dấu số buổi Nghĩa nghỉ học vào sổ theo dõi. Ngoài đánh thầy Oánh, Nghĩa còn có ý định đánh một cô giáo khác trong trường nhưng chưa kịp thực hiện. Hung khí là cây gậy sắt được Nghĩa dán nilon bọc kín rồi cho vào cặp.

Chỉ vì phạt học sinh do không mặc đồng phục, thầy L.Đ.H., giáo viên môn toán của trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TP.HCM) đã bị một học sinh lớp 10C20 đánh ngay trong giờ học.

 Phạt tiền để “vá tình thầy trò?”

Nói về việc thầy giáo đánh học sinh, ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, sự việc thầy giáo đánh học sinh là nỗi đau của ngành giáo dục. Không phải trước kia thầy cô không đánh trò, mà bây giờ dư luận tốt hơn nên nhiều vụ việc được phát hiện và bị lên án một cách mạnh mẽ. Đấy là biểu hiện tốt của một xã hội quan tâm đến giáo dục và muốn uốn nắn những biểu hiện sai lầm, lệch lạc của ngành. Kể cả về mặt phương pháp giáo dục cũng như tình cảm thầy trò, việc đánh hoặc đối xử thô bạo với học sinh là không thể chấp nhận được trong nền giáo dục hiện nay. Do vậy, chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ để làm trong sáng hơn môi trường giáo dục.

Xã hội - Thầy trò xúc phạm nhau sẽ bị phạt 10 triệu đồng (Hình 2).

PGS. Văn Như Cương.

Trong nỗ lực chống xuống cấp đạo đức nghề giáo, mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 138 về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục". Nghị định này đã có hẳn một mục quy định mức phạt tiền cụ thể đối với hành vi vi phạm trong ứng xử giữa giáo viên và học sinh. Nhiều người cho rằng, việc quy định trên là cần thiết nhưng cũng không ít người tỏ ra băn khoăn về quy định trên. Theo Nghị định, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học sẽ bị phạt 5 triệu đến 10 triệu đồng. Giáo viên có hành vi này còn bị đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến nửa năm. Ngược lại, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm đến thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng bị phạt cùng mức tiền như trên. Thẩm quyền xử phạt các hành vi trên thuộc Chủ tịch UBND các cấp, thanh tra ngành giáo dục đào tạo.

Liên quan đến quy định trên, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS. Văn Như Cương cho rằng: “Cần thiết phải định nghĩa rõ ràng thế nào là xúc phạm. Chửi bới học trò có gọi là xúc phạm không? Tịch thu điện thoại học trò cuối giờ mới trả có phải là xúc phạm không? Mắng nhiếc học trò có phải là xúc phạm không? Tôi rất băn khoăn cái đó. Khi không định nghĩa được thế nào là xúc phạm, phải xử thế nào thì căn cứ vào đâu mà xử. Học trò chửi mắng cô thế nào là xúc phạm? Nếu như cô giáo phát hiện học trò nói xấu, xúc phạm thầy giáo, cô giáo báo lên Hiệu trưởng rồi thầy Hiệu trưởng xử lý thế nào? Lời nói có thể gọi là xúc phạm không, lên facebook nói xấu thầy có phải là xúc phạm không?”.

Một chuyên gia pháp lý có nhiều năm hoạt động liên quan đến giáo dục cũng tỏ ra băn khoăn, vấn đề tiền nộp phạt nhìn thì dễ chứ để xử lý không dễ chút nào. Số tiền ấy sẽ xung quỹ của trường hay nộp ngân sách Nhà nước? Hoá đơn chứng từ xử lý ra sao? Phụ huynh không nộp tiền xử phạt thì xử lý ra sao? Việc quy định không rõ ràng có thể làm cho môi trường giáo dục thêm rối rắm, dẫn tới việc thầy trò kiện nhau, đồng nghiệp đấu đá nhau làm ngành giáo dục thêm bùng nhùng. Trong khi, nhiều nhà giáo đang tỏ ra hoài nghi về khả năng áp dụng vào thực tế của quy định này thì nhiều nhà giáo lại cho rằng, xử phạt bằng tiền không thể làm giảm đi những vấn nạn bạo lực học đường hiện nay.

Theo cô Đỗ Thu Nga (Hoằng Hoá, Thanh Hoá), xử phạt hành chính bằng tiền không thể làm giảm được hiện tượng thầy xúc phạm trò hay trò xúc phạm thầy. Vấn đề này thuộc về phạm trù đạo đức thì để cho đạo đức tự điều chỉnh. Đây không phải là vi phạm giao thông mà cứ phạt là được. Hành vi trong giáo dục rất khó phân biệt ranh giới đó là xúc phạm hay giáo dục.

Dễ dẫn đến tranh cãi, kiện tụng vì... mơ hồ

Đồng quan điểm với PGS. Văn Như Cương, thầy giáo Ngô Xuân Hà (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho rằng, mức xử phạt đưa ra phù hợp nhưng điều băn khoăn chính là khái niệm xúc phạm danh dự, nhân phẩm trong Nghị định này rất mơ hồ. Chính vì vậy, nó rất khó để áp dụng trên thực tế. Thậm chí, điều này có thể xảy ra tranh cãi, kiện tụng. Thầy Hà cho rằng, hành vi bạo hành phát hiện rất dễ, còn hành vi xúc phạm thì quả thật là rất khó. Trong khi đó, nhiều khi đòn roi còn không đau bằng lời lẽ cay nghiệt. Thực tế, nhiều học sinh tự vẫn vì bị cô thầy mắng nhiếc, làm nhục và ngược lại cũng có thầy cô đổ bệnh vì bị học trò buông lời cay nghiệt. Với những trường hợp mà hậu quả rõ ràng thì không khó để phạt. Có nhiều trường hợp âm ỉ, không có cơ sở để xử phạt thì gần như Nghị định này không thể can thiệp được.

Như Hải - Thành Huế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.