Tổng thống Mỹ Donald Trump làm việc ở Nhà Trắng vào ngày 9/4/2025. Ảnh: AFP
Mức thuế Mỹ áp đặt với Trung Quốc hiện nay là không bền vững
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 22/4, ông Trump nói mức thuế cao áp lên hàng hóa từ Trung Quốc sẽ “giảm đáng kể, nhưng sẽ không về 0”, theo tờ Guardian.
Phát biểu này được đưa ra sau bình luận trước đó trong ngày thứ Ba của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent. Ông Bessent cho rằng mức thuế cao hiện tại là không thể duy trì lâu dài, và bày tỏ kỳ vọng vào một quá trình “giảm leo thang” trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính quyền ông Trump hiện áp mức thuế nhập khẩu lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125% lên hàng hóa Mỹ. Những đòn thuế này đã lan rộng sang hàng chục quốc gia khác, gây chao đảo thị trường chứng khoán và khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên, giữa lo ngại của nhà đầu tư về tăng trưởng chậm lại và áp lực lạm phát tăng cao.
“Tôi phải nói rằng đàm phán với Trung Quốc sẽ là một hành trình gian nan”, ông Bessent nói. “Cả hai bên đều không nghĩ rằng hiện trạng là điều có thể kéo dài”.
Ông Trump không xác nhận liệu ông có đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Tài chính rằng mức thuế với Trung Quốc hiện nay là không bền vững hay không. “Chúng ta vẫn ổn với Trung Quốc”, ông Trump nói.
Dù từng áp đặt mức thuế cao, ông Trump cho biết sẽ có cách tiếp cận “rất nhẹ nhàng” với Trung Quốc, và không đối đầu gay gắt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Chúng ta sẽ sống cùng nhau một cách vui vẻ và lý tưởng nhất là có thể hợp tác với nhau”, ông Trump nói thêm.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng mức thuế cuối cùng đối với Trung Quốc sẽ “giảm đáng kể” so với con số hiện tại là 145%. “Nó sẽ không cao như vậy, chắc chắn sẽ không cao đến thế”, ông khẳng định.
Tỷ phú Elon Musk muốn tập trung cho Tesla
Tỷ phú Elon Musk vừa tuyên bố sẽ giảm đáng kể vai trò trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Musk muốn quay lại tập trung xử lý cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Tesla, sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh đáng thất vọng.
Hôm 22/4, ông Musk cho biết sẽ bắt đầu rút khỏi công việc tại Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) từ tháng tới. “Bắt đầu từ tháng sau, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho Tesla”, ông nói.
Ông Musk đưa ra tuyên bố trong bối cảnh Tesla vừa báo cáo doanh thu quý thấp nhất kể từ quý III năm 2021. Doanh thu đạt 19,34 tỷ USD, so với kỳ vọng 21,11 tỷ USD. Lợi nhuận ròng trong quý đầu tiên đã giảm tới 71%. Cổ phiếu Tesla đã mất khoảng 40% giá trị tính từ đầu năm đến nay, dù đã tăng nhẹ 4% trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Tesla đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn, với loạt tin xấu liên tiếp trước khi báo cáo tài chính được công bố. Doanh số bán xe sụt giảm, nhiều khách hàng tìm cách bán lại xe, trong khi giá xe cũ lao dốc. Công ty cũng đang đối mặt với làn sóng biểu tình trên toàn quốc và thậm chí là các vụ tấn công bạo lực nhằm vào xe mang nhãn hiệu Tesla.
Ông Trump và tỷ phú Elon Musk phát biểu bên cạnh một chiếc xe Tesla ở Nhà Trắng vào tháng 3. Ảnh: AFP.
“Tôi đứng trước hai lựa chọn: để mặc lãng phí và gian lận tiếp diễn trong chính phủ, hoặc chiến đấu với nó”, ông Musk nói. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không rời bỏ hoàn toàn DOGE, mà có thể vẫn duy trì một đến hai ngày làm việc mỗi tuần cho đến hết nhiệm kỳ của ông Trump.
Trước đây, ông Musk từng được xem là một trong những người hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách thuế của ông Trump. Tuy nhiên, ông cho biết Tesla hiện đang gặp khó do phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico – những quốc gia đang phải chịu các mức thuế cao.
Mặc dù vậy, ông Musk cho biết vẫn sẽ tiếp tục cố vấn cho ông Trump về chính sách tài chính, nhấn mạnh rằng các quyết định cuối cùng “hoàn toàn là của Tổng thống”.
Nga: Ngừng bắn vào hạ tầng dân sự là vấn đề phức tạp
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22/4, ông Peskov cho biết, ngừng bắn vào hạ tầng dân sự (theo đề xuất của Tổng thống Ukraine) là một vấn đề phức tạp và Tổng thống Nga Putin sẵn sàng thảo luận. Tuy nhiên, hiện tại chưa có kế hoạch cụ thể nào cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
“Trên thực tế, vào ngày hôm qua, Tổng thống Putin đã giải thích về sự phức tạp của vấn đề này. Khi nói về các cơ sở hạ tầng dân sự, chúng ta cần phân biệt rõ ràng trong tình huống nào thì chúng có thể bị coi là mục tiêu quân sự và trong tình huống nào thì không thể”, ông Peskov nói.
Dẫn lời ông Putin, ông Peskov cho rằng, một cơ sở dân sự có thể bị nhắm mục tiêu nếu trở thành nơi tập trung của lực lượng vũ trang.
“Vì vậy, có nhiều vấn đề mà chúng ta cần thảo luận”, ông Peskov nói.
Xe hơi bốc cháy ở Ukraine sau một vụ UAV tập kích (ảnh: Pravda)
Đề cập đến các cuộc thảo luận với Mỹ về tình hình xung đột ở Ukraine, ông Peskov cho biết các phái đoàn vẫn đang đối thoại qua nhiều kênh khác nhau, nhưng vấn đề Ukraine không thể được giải quyết “chỉ sau một đêm”.
“Chúng tôi tiếp tục liên lạc với phía Mỹ thông qua nhiều kênh khác nhau. Vấn đề Ukraine là cực kỳ phức tạp. Vì vậy, khó có thể đặt ra một thời hạn cứng nhắc và cố gắng đẩy nhanh việc giải quyết xung đột chỉ trong thời gian ngắn. Đó sẽ là nỗ lực vô ích”, ông Peskov nói.
Trước đó, hôm 21/4, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Kiev đang chờ “câu trả lời rõ ràng” từ Moscow liên quan đến đề xuất ngừng bắn 30 ngày vào hạ tầng dân sự.
“Ukraine vẫn giữ nguyên đề xuất không tấn công vào hạ tầng dân sự”, ông Zelensky nói.
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nhậm chức
Tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đối với Tổng thống Donald Trump đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1 năm nay, Reuters đưa tin.
Kết quả thăm dò mới do Reuters/Ipsos công bố hôm 22/4 cho thấy, khoảng 42% số người được hỏi cho rằng họ hài lòng với thành tích của ông Trump sau gần 100 ngày lãnh đạo nước Mỹ.
Tỷ lệ này giảm nhẹ so với mức 43% trong cuộc khảo sát 3 tuần trước đó, và giảm đáng kể so với mức 47% ngay sau ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1.
Theo Reuters, nhiều người Mỹ cảm thấy không thoải mái với các động thái nhằm tăng cường quyền lực của ông Trump. Gần đây, chính quyền ông Trump đã “đóng băng” hàng tỷ USD ngân sách tài trợ cho các trường đại học ở Mỹ. Trong đó, có 2,2 tỷ USD tài trợ cho trường Đại học Harvard.
57% số người được hỏi – bao gồm cả 1/3 đảng viên Cộng hòa – phản đối tuyên bố rằng: “Tổng thống Mỹ có thể cắt ngân sách dành cho các trường đại học nếu không đồng tình với cách trường đó hoạt động”.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos có biên độ sai số khoảng 2%.
Nhật Bản cung cấp ảnh vệ tinh cho Ukraine
Nhật Bản sẽ cung cấp cho Tổng cục Tình báo Ukraine (GUR) các hình ảnh vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR) đầu tiên. Công nghệ vệ tinh này cho phép chụp ảnh với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết, giúp nâng cao đáng kể khả năng tình báo của Ukraine, Avia Pro (trang tin Nga) đưa tin.
Ảnh vệ tinh được chụp bằng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp (ảnh: Avia Pro)
Theo Avia Pro, việc chuyển giao hình ảnh vệ tinh cho thấy Nhật Bản đang hỗ trợ ngày càng nhiều cho Ukraine. Đồng thời, Tokyo cũng muốn đóng vai trò tích cực hơn đối với an ninh toàn cầu.
Trước đó, Nhật Bản chỉ giới hạn ở viện trợ nhân đạo và tài chính cho Ukraine. Từ tháng 2/2022, Nhật Bản đã viện trợ cho Ukraine khoảng 12 tỷ USD (bao gồm cả hàng hóa và tài chính).
Theo The Japan Times, quyết định cung cấp hình ảnh vệ tinh SAR được Nhật Bản đưa ra sau khi đã tham vấn với Mỹ và một số nước phương Tây.
Vương Nam – Reuters, TASS, Avia Pro