Thế giới Di động chi nghìn tỷ thâu tóm Điện máy Trần Anh?

Thế giới Di động chi nghìn tỷ thâu tóm Điện máy Trần Anh?

Võ Tá Quỳnh

Võ Tá Quỳnh

Thứ 2, 07/08/2017 08:35

Thế giới Di động không dấu diếm tham vọng mở rộng thông qua chiến lược thâu tóm các doanh nghiệp khác.

Tiêu dùng & Dư luận - Thế giới Di động chi nghìn tỷ thâu tóm Điện máy Trần Anh?

Trần Anh được coi là mục tiêu thâu tóm hàng đầu của Thế giới Di động.

Tham vọng Bắc tiến, phân phối dược phẩm

Ngày 3/8 vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã CK: MWG) cho biết sắp tới, doanh nghiệp này sẽ xin ý kiến đại hội đồng cổ đông thông qua việc tăng ngân sách thực hiện M&A (mua bán sáp nhập) trong năm nay lên 2.500 tỷ đồng.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 3/2017, ban lãnh đạo TGDĐ đã đưa ra kế hoạch mở rộng hệ thống điện máy thông qua M&A, đồng thời dự kiến sẽ tham gia lĩnh vực phân phối dược phẩm bằng cách mua bán sáp nhập các chuỗi cửa hàng.

Định mức đầu tư cho kế hoạch này được đưa ra khi đó sẽ không quá 500 tỷ đồng. Như vậy TGDĐ dự kiến chi gấp 5 lần mức kế hoạch để thực hiện các thương vụ M&A trong năm nay.

Thế giới Di động từ lâu đã không che đậy tham vọng mở rộng thị phần bán lẻ trên toàn quốc, đặc biệt sau sự xuất hiện của thương hiệu Điện máy Xanh. Tuy nhiên hiện 404 cửa hàng Điện máy Xanh phần lớn tập trung ở các tỉnh thành phía Nam, và chỉ chiếm vỏn vẹn 15% thị phần ở Hà Nội.

Việc tự mở rộng ra phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội của TGDĐ gặp không ít khó khăn bởi hạn chế về quỹ đất đẹp cùng chi phí mặt bằng rất lớn, và quan trọng hơn là sẽ mất rất nhiều thời gian. Bởi vậy thực hiện chiến lược M&A được đánh giá là bước đi đúng đắn của TGDĐ.

Dù không được công bố, song cái tên nằm trong tầm ngắm của TGDĐ, theo nhiều nguồn tin là CTCP Thế giới số Trần Anh (Mã CK: TAG), đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy cùng tên. Trần Anh hiện có hệ thống phân phối lớn nhất nhì miền Bắc với 39 cửa hàng. Thương hiệu 15 năm tuổi được đánh giá là quen thuộc với người dân Thủ đô và có quỹ khách hàng rộng khắp.

Nếu TGDĐ muốn mở rộng mạnh mẽ ra phía Bắc, không khó hiểu khi họ nhắm tới cái tên lớn nhất, vừa để nhanh chóng đạt được mục đích, đồng thời loại trừ được đối thủ lớn nhất trong tương lai.

Với việc cả hai doanh nghiệp đều niêm yết trên sàn chứng khoán, Thế giới Di động sẽ dễ dàng mua lại Trần Anh hơn là đối với các chuỗi điện máy chưa niêm yết khác như Pico, Mediamart hay HC.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017, cơ cấu cổ đông của Trần Anh khá cô đặc. Chủ tịch HĐQT ông Trần Xuân Kiên và vợ là bà Đỗ Thị Thu Hường sở hữu gần 44% vốn điều lệ của Trần Anh . Nếu cộng thêm các thành viên khác trong gia đình, tỷ lệ sở hữu đạt quá bán 56%.

Cổ đông lớn thứ hai cũng là nhà đầu tư chiến lược của Trần Anh là Tập đoàn Nojima đến từ Nhật bản. Tính đến 30/6/2017, sở hữu của Nojima tại Trần Anh đạt 30,82%. Tính ra, chỉ hai nhóm cổ đông lớn nhất đã sở hữu gần 90% vốn của chuỗi siêu thị điện máy này.

Trần Anh ngừng mở rộng

Theo báo cáo tài chính quý I/2017 vừa công bố (niên độ tài chính 1/4/2017 – 31/3/2018), tổng tài sản của Trần Anh đạt 1.228 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, chủ yếu bởi hàng tồn kho tăng lên 866 tỷ đồng, chiếm phần lớn cơ cấu tổng tài sản.

Đáng chú ý, Trần Anh chỉ đầu tư vẻn vẹn 3,6 tỷ đồng vào tài sản cố định kể từ đầu năm, so với 66 tỷ đồng trong năm 2016. Điều này càng làm dấy lên nghi ngờ trong giới tài chính là Trần Anh đã dừng đầu tư vào tài sản để chờ đối tác mua lại.

Sau những diến biến trên, cổ phiếu TAG của Trần Anh giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội chốt phiên cuối tuần trước bất ngờ tăng trần 10% lên 33.000 đồng.

Với 24,9 triệu cổ phiếu niêm yết, Trần Anh hiện có giá trị vốn hóa khoảng hơn 800 tỷ đồng. Doanh thu trong quý đầu năm tài chính đạt 1.054 tỷ đồng, tuy nhiên lãi sau thuế chỉ ở mức 2,6 tỷ đồng, bằng ¼ cùng kỳ năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) vọn vẻn là 10 đồng. Hiệu quả kinh doanh suốt nhiều năm qua vẫn là dấu hỏi lớn đối với ban lãnh đạo của Trần Anh.

Ở chiều ngược lại, Thế giới Di động được đánh giá cao về mặt tạo ra lợi ích cho cổ đông. Doanh nghiệp này kết thúc 6 tháng đầu năm 2017 báo lãi sau thuế 1.070 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. EPS ở mức 3.474 đồng. Doanh thu thuần 32.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn tính tới cuối kỳ là 14.651 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 3.078 tỷ đồng, gấp 12 lần quy mô của Trần Anh.

Trong nửa đầu năm, Thế giới Di động tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hệ thống cửa hàng, với tài sản cố định tăng 30% lên 3.600 tỷ đồng. Mã cổ phiếu MWG hiện đăng ký giao dịch trên Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh và luôn là hàng “hot” được nhà đầu tư săn đón. Chốt phiên 4/8, mã này tăng 6,4% lên 106,5 nghìn đồng, là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất hiện nay.

Nghi Điền

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.