Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama gây chấn động năm ngoái đã khơi mào cho cuộc chiến chống trốn thuế trên khắp thế giới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều cần phải làm trước khi "những kẻ trốn thuế" nhanh chóng tẩu tán tài sản của mình, theo AFP.
Trước đó các tài liệu được gọi với cái tên Hồ sơ Panama (Panama Papers) đã nêu ra một số cáo buộc trốn thuế và cất giấu tài sản liên quan đến các lãnh đạo quyền lực nhất thế giới cùng với các ngôi sao thể thao và các tỷ phú lớn.
Vụ rò rỉ hơn 11 triệu trang tài liệu thuộc công ty luật Mossack Fonseca của Panama đã khởi động cho cuộc chiến chống gian lận thuế vốn được che đậy rất tinh vi trong nhiều năm qua.
Một năm kể từ khi Panama Papers được công khai, những bí mật được phơi bày ra ánh sáng vẫn khiến không ít người ngỡ ngàng.
"Cuộc chiến này là vì công lý", Pierre Moscovici, ủy viên Kinh tế EU nói với AFP. "Mỗi đồng tiền trốn thuế bởi các công ty đa quốc gia càng thêm gánh nặng tiền thuế của người dân. Đây là điều không thể chấp nhận được".
Trước khi vụ bê bối xảy ra, Panama là trung tâm tài chính luôn từ chối cung cấp tất cả các thông tin giao dịch ngân hàng trước yêu cầu của cơ quan chức năng.
Saint-Amans - người đứng đầu trung tâm chính sách thuế từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết: "Điều này đã khiến cho những khuất tất phía sau nảy sinh".
Nhưng kể từ khi Panama thông qua luật mới và tham gia vào cuộc chiến chống gian lận thuế quốc tế, mọi thông tin tài chính cá nhân đều được công khai.
Sự thay đổi này cũng gây áp lực lên các trung tâm tài chính vốn có tiếng về bảo mật khác như Lebanon, Bahrain, Hồng Kông và Bahamas, trong việc dỡ bỏ các hình thức giao dịch ẩn danh.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm ngoái đã đề xuất một danh sách đen những địa danh trốn thuế trước khi chuẩn bị cho một hiệp định đa phương mà OECD gọi là vũ khí "mạnh nhất" chống lại gian lận thuế trong tương lai.
Tuy nhiên điều này vẫn chưa giải quyết triệt để được các khu vực miễn thuế nằm bên trong các quốc gia, như Delaware ở Mỹ.
"Mỹ vẫn thụ động trong việc trao đổi thông tin tài chính. Đó là một vấn đề", Saint-Amans nói.
Mặc dù vậy nước Mỹ không được xem là nơi để các cá nhân trốn thuế một cách chuyên nghiệp như các khu vực nói trên, trong khi chính quyền đang dần cởi mở hơn trong việc đáp ứng yêu cầu thông tin và giảm bớt gian lận thuế.
Châu Âu cũng đang có những bước đi mạnh tay hơn trong năm 2017. Một danh sách các địa danh giúp trốn thuế ở châu Âu sẽ sớm được đưa vào tầm ngắm.
Sẽ có các biện pháp trừng phạt thích đáng đối với những tổ chức và nhân vật trung gian giúp đỡ các doanh nghiệp hay cá nhân "phù phép" khối tài sản của họ.
Theo Manon Aubry, phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ Oxfam cho biết, hiện tại còn rất nhiều việc phải làm.
Tài liệu từ Hồ sơ Panama mới "chỉ là đỉnh của tảng băng trôi". Khi dỡ bỏ toàn bộ những mắt xích liên quan, sẽ còn nhiều vấn đề được sáng tỏ.
"Hồ sơ Panama đưa cho chúng tôi cơ hội lớn nhất để chống lại trốn thuế. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, cơ hội sẽ trôi qua", Aubry nói với AFP.
Đọc thêm>>> Nhà Trắng công bố tài sản 'khủng' của quan chức chính quyền Trump
Quốc Vinh