Các cuộc hội đàm liên Triều trong thời gian gần đây đã tạm thời giúp giảm nhiệt căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng như những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên.
Hội đàm cũng dẫn tới một số thỏa thuận đầu tiên giữa Bình Nhưỡng và Seoul sau hơn một thập kỷ trở lại đây, trong đó có thỏa thuận liên quan đến đoàn vận động viên diễu hành chung tại Olympic dưới một màu cờ duy nhất tại lễ khai mạc và hình thành một đội khúc côn cầu nữ chung.
Trước đây, hai phía đã từng diễu hành chung 9 lần tất cả, trong đó có Olympic Sydney 2000 cũng như Thế vận hội Mùa hè Athens và Olympic 2006 tại Turin.
Trong đó, Triều Tiên và Hàn Quốc sử dụng lá cờ chung có hai màu trắng xanh, đại diện cho một Triều Tiên thống nhất. Tuy nhiên, thi đấu chung là sự kiện lần đầu tiên đối với lịch sử liên Triều.
Mặc dù giảm căng thẳng liên Triều là một tín hiệu đáng hoan nghênh đối với chính quyền Seoul, nhưng có vẻ công chúng Hàn Quốc vẫn chưa sẵn sàng đón nhận việc thành lập một đoàn vận động viên chung thi đấu tại Olympic tới.
Những dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy, tỉ lệ tín nhiệm đối với chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã sụt giảm xuống mức thấp hơn 60%, lần đầu tiên kể từ khi ông Moon lên nhậm chức.
Theo tờ The Diplomat, mặc dù có nhiều lý do khiến tỉ lệ tín nhiệm giảm, nhưng nổi bật nhất là người Hàn Quốc không tán thành kế hoạch thành lập đội khúc côn cầu nữ liên Triều, cùng với đó là xu hướng ủng hộ Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Moon. Trong số những người không ủng hộ chính quyền Moon Jae-in, đa phần là thế hệ trẻ.
Dường như Chính phủ biết được điều đó. Một nguồn tin Nhà Xanh cho hay: “Chúng tôi nghĩ công chúng sẽ hiểu và ủng hộ việc thành lập một đội tuyển thống nhất, nhưng cuối cùng lại có sự khác biệt lớn với quan điểm của “thế hệ 2030” (những người ở độ tuổi từ 20 đến 30). Chúng tôi đã không thể đo cảm xúc của họ một cách chính xác”.
Mặc dù khoảng cách và sự khác biệt trong suy nghĩ giữa những thế hệ luôn tồn tại ở mỗi quốc gia nhưng điều này ở Hàn Quốc lại là một trường hợp đặc biệt.
Không giống như hầu hết các nước, Hàn Quốc đã trải qua một quá trình chuyển đổi, hiện đại hóa nhanh chóng, từ một quốc gia nghèo sau chiến tranh Triều Tiên, trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao và là một thành viên của OECD (tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - nơi tập hợp những nền kinh tế phát triển nhất thế giới).
Quá trình đó diễn ra chỉ trong vài thập kỷ, khi thế hệ sau sống trong một môi trường gần như hoàn toàn khác biệt với thế hệ kế ngay trước đó.
Theo Steven Denney, nghiên cứu sinh tại viện châu Á, đồng thời là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại đại học Toronto, cách giới trẻ Hàn Quốc nhìn nhận về Triều Tiên có đôi chút phức tạp hơn so với số đông.
Steven Denney cho rằng, thế hệ trẻ Hàn Quốc ngày nay lớn lên trong thời kỳ Triều Tiên nỗ lực đẩy mạnh chương trình tên lửa và hạt nhân.
Họ chứng kiến sự lên án và những lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Bình Nhưỡng, do đó những người trong độ tuổi này thường có thái độ thiếu tích cực hơn với Triều Tiên.
Từ đó, Denney cho rằng nhiều thanh niên Hàn Quốc sẽ ít có khả năng ủng hộ các chính sách mà họ cho là “thỏa hiệp quá mức” với Bình Nhưỡng, hoặc “gây nguy hiểm cho lợi ích của người Hàn Quốc”.
Hàn Quốc cần nỗ lực hơn để hòa hợp suy nghĩ của những thế hệ trẻ tuổi và giúp họ có cái nhìn thân thiện hơn với Triều Tiên nếu chính quyền Tổng thống Moon Jae-in vẫn muốn tiếp tục theo đuổi Chính sách Ánh dương.
Xem thêm: Trung Quốc điều 300.000 quân sát biên giới Triều Tiên