Mua hàng ở vùng biên
Vào cuộc điều tra, PV được một số đối tượng buôn lậu cho biết, họ có thể cung cấp gỗ tại khu vực vùng biên ở các tỉnh như Tây Ninh, Bình Phước, Long An... Chưa rõ thực hư những lời quảng cáo này nhưng nó cũng khiến PV tò mò. Qua nhiều đầu mối khác nhau, PV đã liên lạc được với người tên Hải, ở Bình Phước để săn tìm gỗ.
Ông Hải nói: “Nếu cần gỗ Campuchia thì sắp xếp thời gian lên thị xã Đồng Xoài, Bình Phước, người của tôi sẽ trực tiếp dẫn sang biên giới (giáp Campuchia) mua gỗ, loại nào cũng có. Đi thì bên này sẽ lo toàn bộ chi phí, khỏi phải lo”.
PV được biết, ông Hải là người thường môi giới cho các thương lái, người cần gỗ có nguồn gốc từ Campuchia. Tuy nhiên, ông này chỉ là trung gian đưa người đi mua và ăn hoa hồng. Khi biết về nhu cầu người mua về số lượng, loại gỗ, kích thước... ông Hải sẽ sắp xếp để cho hai bên thương thảo.
Tuy nhiên, khi đề cập đến nguồn gốc của các loại gỗ cũng như các giấy tờ, ông Hải chỉ nói ngắn gọn: “Nếu có nhu cầu, anh cứ lên Bình Phước, chúng ta sẽ bàn tiếp”.
Theo thông tin của các đầu nậu mua bán gỗ trắc mà PV tiếp cận được, các đầu mối thu mua của họ đa phần đưa sang nước ngoài. Nếu mua từ biên giới thì họ tìm cách phù phép, rồi bán cho thương lái nước ngoài. Chính vì thế, khi đặt hàng, các đầu nậu gỗ cũng luôn hỏi mua cho khách nước ngoài?
Như “người buôn gỗ” tên Quốc ở Tây Ninh PV có dịp tiếp cận, cho biết: “Đa phần hiện nay khách đặt hàng đều là thương lái mua cho người nước ngoài. Cho nên, ở hầu hết các bãi gỗ luôn có thương lái hoặc chân rết của người nước ngoài đi tìm hàng. Đặc biệt là hàng khủng”. Do vậy, khi PV ngỏ ý muốn tìm hàng khủng là gỗ trắc, vuông từ 80cm đến 1m, dài từ 2m trở lên, Quốc cho biết: “Trên thị trường giờ hàng này hiếm lắm, có thì cũng chỉ là hàng ghép hoặc gốc thôi. Nếu có hàng này về thì các nhóm thương lái nước ngoài cũng giành nhau mua hết rồi”.
Liên quan đến việc các thương nhân nước ngoài, trong đó có Trung Quốc đi săn gỗ nguyên liệu các loại, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Bởi Trung Quốc đã cấm khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Do vậy, để bù đắp sự thiếu hụt này, thương nhân Trung Quốc thường sang các nước để thu mua nguyên liệu, trong đó có thị trường Việt Nam”.
Phải tăng cường các giải pháp Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định kiến nghị: “Phải tăng cường các giải pháp về thủ tục hành chính, kiểm tra giám sát của kiểm lâm, hải quan sở tại và chính quyền địa phương để hạn chế việc thu gom buôn lậu gỗ nguyên liệu các loại”. |
Thanh Tùng