Thường ngày cung đường từ TP. Hạ Long đi cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) dài hơn 180km tấp nập xe container nối đuôi nhau qua lại. Tuy nhiên, mấy tháng nay con đường này vắng vẻ lạ lùng. Nhiều người dân cho biết, việc cấm biên và tình hình kinh tế khó khăn là nguyên nhân chính dẫn đến sự ảm đạm này. Tuy nhiên, ai biết được, đằng sau sự vắng vẻ bề ngoài đó, hoạt động buôn lậu ở Móng Cái vẫn “nóng” từng ngày.
Đồ điện tử được bày bán la liệt với đủ chủng loại.
Sóng ngầm buôn lậu vùng biên
Tại cửa khẩu Móng Cái những ngày đầu tháng 6, các lái buôn đang thủ thỉ cầu chuyện: "Ôm hàng lậu từ biên giới về Việt Nam vào dịp này là dễ nhất...". Để tìm hiểu thực hư thông tin này, chúng tôi vào vai người đi tìm “hàng” lân la làm quen với những thương lái tại cửa khẩu. Sau này, chúng tôi cảm thấy kinh hoàng khi tận mắt chứng kiến cảnh mua bán trong thế giới ngầm của buôn lậu. Quả thật, nếu là người “ngoại đạo thì chắc hẳn không thể nào biết hết được những mánh khóe của dân buôn chuyên nghiệp này”.
Để thâm nhập vào điểm nóng vùng biên, chúng tôi theo chân Long, một “trùm” buôn lậu có số má ở khu cửa khẩu Móng Cái. Nhà Long nằm khuất trong một con đường nhỏ cách cửa khẩu chừng 2 km. Ngôi nhà 5 tầng đẹp chẳng kém gì một biệt thự ở thành phố. Riêng tầng 1 của tòa nhà này được thiết kế làm kho chứa hàng. Tất cả đều là hàng nhập lậu từ bên kia biên giới. Cửa sắt được thiết kế chuyên nghiệp đến nỗi xe ôtô có thể lao thẳng vào trong nhà “ăn, nhả hàng”.
Lúc chúng tôi đến, từng thùng linh kiện điện tử được chuyển lên xe. Vừa nhả khói thuốc Long vừa chậm rãi nói: "Hải quan bây giờ làm chặt lắm. Hôm trước thằng em vợ vừa bị tóm lô hàng mấy trăm triệu đồng". Chưa đầy 15 phút, cả mười mấy thùng hàng (điện tử, điện thoại) đã được chất lên xe. Long bảo, số hàng của hắn trị giá hơn 300 củ (triệu đồng). Cửa sắt được mở, xe lao ra khỏi nhà hòa lẫn dòng người và xe cộ đang hối hả ngược xuôi.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, Móng Cái từ lâu đã được giới buôn lậu chọn là nơi tập kết của những mặt hàng như điện tử và đồ gia dụng. Hàng được chuyển qua biên giới bằng nhiều con đường (chủ yếu là bất hợp pháp) rồi đưa về tập kết tại thành phố. Khu vực cửa khẩu Móng Cái sôi động và nhộn nhịp bởi hệ thống gồm các chợ trung tâm, chợ 1, chợ 2, và chợ Vinh Cơ với đủ thứ đồ dùng từ bên kia biên giới (chợ hầu như không có hàng Việt Nam - PV). Chợ được các nhà thầu Trung Quốc đầu tư, xây dựng và cho các chủ hàng thuê lại. Điểm tiêu thụ chủ yếu hàng nhập lậu từ Móng Cái là Hải Phòng, Hà Nội. Một lượng khá lớn chuyển vào Vinh (Nghệ An). Thâm chí, những mặt hàng "độc" còn được đưa vào tận miền Nam.
Theo lời kể của Long, khó nhất là việc đưa hàng qua được biên giới là trót lọt, còn việc vận chuyển hàng từ điểm tập kết đi tiêu thụ là chuyện dễ như... trở bàn tay. Buôn lậu ở đây không hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ như ở một số tỉnh biên giới khác mà tất cả đều có đường dây, có tổ chức. Thường mỗi nhóm buôn lậu có một người cầm đầu, phía dưới là 15 - 20 “đệ tử”. Mọi hoạt động của nhóm đều do “trùm” điều khiển thông qua điện thoại di động hoặc những “chân rết” riêng. Thông tin về những đợt truy quét của lực lượng quản lý thị trường luôn được các “chân rết” cập nhật từng giờ. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng tập kết không nằm lâu quá 2 ngày tại điểm tập kết. Vì vậy, dù có nhận được thông tin, hải quan và quản lý thị trường khó có thể tóm được.
Đường đến với nghề
Được biết, “trùm” Nguyễn Văn Long từng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan 5 năm. Hắn trở về nước với hai bàn tay trắng và lăn lộn qua đủ thứ nghề để tìm kế mưu sinh. Từ làm thuê cho một vài nhà máy từ khu công nghiệp này đến khu công nghiệp khác nhưng vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống. Thứ duy nhất Long có được là vốn tiếng Trung trong những năm lao động nước ngoài. Khi đang loay hoay với cuộc sống cơm áo, gạo tiền, Long đã may mắn quen, yêu và cưới một cô gái sinh sống và lập nghiệp ở Móng Cái. Sau khi cưới vợ, Long bắt đầu cuộc sống với nghề xe ôm, chở hàng thuê cho các đầu nậu. Hắn thường xuyên có mặt ở bến tầu Dân Tiến ( trên sông Ka Long) và khu vực chợ trung tâm Móng Cái.
Trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi, Long bảo: “Các cụ đã nói “phi thương bất phú”. Và ở cái vùng biên này, việc buôn bán còn “phú” gấp vạn lần”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc buôn bán của Long cũng chỉ là hàng “bán tải” (đồ điện tử, quần áo – PV) thuộc khu vực chợ trung tâm Móng Cái chứ không có hàng quốc cấm (phụ nữ, ma túy, vũ khí nóng – PV) hay như hàng siêu trường, siêu trọng (trên cảng biển, container).
Theo Long, việc người dân buôn lậu ở vùng biên cũng bình thường như người Tây Bắc lên rừng đốn củi. Không có người buôn lậu thì làm sao dân sống được và trên thị trường làm sao có các sản phẩm tiêu dùng có giá rẻ và đa dạng như vậy. Việc buôn lậu ở đây là cả một thế giới với những thỏa thuận và nguyên tắc riêng, người ngoài luồng không bao giờ có thể hiểu hết được. “Những đại gia, siêu buôn họ có những ê-kíp, thủ thuật riêng. Tôi làm nghề hàng chục năm cũng không thể hiểu và tiếp cận được”, Long hào hứng chia sẻ.
Sau vài năm làm thuê, tích góp vốn, học hỏi và gây dựng được mối quan hệ, cộng với sự giúp từ gia đình, Long thuê một gian hàng nhỏ trong chợ Vinh Cơ chuyên bán điện thoại di động và cũng là “đại bản doanh” cho việc giao dịch làm ăn.
“Qua mặt” cơ quan chức năng
Theo tiết lộ của Long, việc buôn bán trong chợ đã được “bao” từ A - Z. Tất cả các mặt hàng ở đây đều không có hóa đơn bán hàng và không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan chức năng nào. Cửa hàng của Long để cho vợ trông nom là chủ yếu. Với khả năng giao tiếp thành thạo tiếng Trung, anh thường xuyên có những tour đưa khách đi du lịch qua cửa khẩu. Đồng thời Long cũng tận dụng chuyến đi để có thể tìm nguồn hàng và bỏ mối. Bất kể mặt hàng, chủng loại, chất lượng nào Long cũng có thể thu xếp được với các kênh và giá cả khác nhau. Mặt hàng chủ yếu là đồ điện tử, gia dụng, quần áo được nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc) về. Tất cả đều theo hệ thống và từng công đoạn vận chuyển có chuyên môn khác nhau, không ai có thể “làm tất, ăn cả” được.
Long thừa nhận, anh biết buôn lậu, trốn thuế là sai luật. Tuy nhiên, việc không buôn hàng quốc cấm, không gian lận đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không buôn bán hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nên mới nhúng tay làm. Nếu khách hàng có nhu cầu, Long có thể thu xếp chuyển hàng tấn quần áo, vải vóc, hàng ngàn chiếc điện thoại trong 1 ngày. Hàng hóa sau khi gom đủ sẽ được đội ngũ những lái xe tải, xe khách chuyên dụng và thạo việc trở về xuôi bàn giao trực tiếp cho khách.
Những mánh khóe làm ăn của dân buôn
Được biết, thời điểm làm ăn nhộn nhịp, sôi động nhất là giáp Tết. Lúc đó, mỗi tháng Long có thể thu được cả trăm triệu đến tỷ đồng. Ngoài việc bị công an phát hiện tịch thu, Long còn phải cảnh giác cao độ nhiều vấn đề khác. Bởi, vùng biên còn là nơi tập kết của những đối tượng phạm tội trốn chạy, những đối tượng cộm cán trong xã hội. Nếu dân buôn không có máu mặt sẽ bị chúng cướp hàng, bị “thu thuế” theo kiểu xã hội đen. Hoặc cũng có thể sẽ bị các nhóm khác chơi đểu bằng cách “phím” công an. Theo Long, buôn lậu được có rất nhiều cách. Có thể trộn hàng không có hóa đơn với hàng được hợp thức hóa. Bên cạnh đó, một số hàng được đóng gói cất giấu vào ngăn thiết kế bí mật trên xe hay xé nhỏ nhờ cửu vạn vận chuyển qua đường biên.
Ra đường là gặp hàng lậu Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Hùng, trạm phó Trạm km 15 cho biết: Thời gian qua, Cục Hải quan Quảng Ninh đã phối hợp với công an, Bộ đội biên phòng tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân vùng biên không tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu. Tuy nhiên, khi người dân không có công ăn việc làm lại sống trong môi trường “ra đường là gặp hàng lậu” thì việc tiếp tay cho buôn lậu là điều dễ xảy ra. Với trên 70km biên giới đường bộ và hàng chục đường mòn, đường sông, các lực lượng chống buôn lậu ở Móng Cái không thể kiểm soát hết được |
Trần Hải