PV: Ban Chấp hành T.Ư Đảng vừa quyết định thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Xuân Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông nói gì về quyết định này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh trước hết thể hiện tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa 12 là siết chặt kỷ luật của Đảng. Đối với kỷ luật của Đảng, không có vùng cấm, bất kỳ đảng viên ở chức vụ gì, cương vị nào nếu vi phạm kỷ luật Đảng đều phải bị xử lý.
Ông Nguyễn Xuân Anh vi phạm rất nhiều điều đảng viên không được làm, cụ thể như vi phạm trong nguyên tắc sinh hoạt Đảng, lộng quyền, sử dụng bằng cấp không đúng quy định... Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã phát hiện, vào cuộc khẳng định có vi phạm thì việc Ban Chấp hành T.Ư thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Xuân Anh là cần thiết.
Việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh không vui gì khi chúng ta phải kỷ luật đồng chí của mình, đặc biệt đó là những người giữ cương vị cao. Nhưng đã vi phạm thì đảng viên nào cũng đều phải chịu kỷ luật của Đảng. Nếu ông ta còn vi phạm pháp luật, với tư cách là công dân, ông ta còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nữa.
Theo tôi, nếu chúng ta làm nghiêm theo kỷ luật Đảng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và có ý nghĩa ngăn chặn những suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ quản lý ở tất cả các cấp. Đây là việc làm rất cần thiết, kịp thời.
PV: Việc xử lý cán bộ vi phạm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là “không có vùng cấm”. Việc thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng trước đó và mới nhất là ông Nguyễn Xuân Anh đang cho thấy quyết tâm mạnh mẽ này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Như tôi nói ở trên, tinh thần là phải giữ nghiêm kỷ luật. Đảng không phải là nơi thăng quan tiến chức. Đảng là nơi cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Chính vì thế, cán bộ phải được lựa chọn nghiêm túc. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc mà họ sai phạm phải xử lý nghiêm. Có như vậy chúng ta mới giữ được sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng.
Không chỉ trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh mà trước đó, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Đinh La Thăng. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành T.Ư khóa 12, của Bộ Chính trị, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc xử lý cán bộ vi phạm “không có vùng cấm”.
Theo tôi, chúng ta cần phải nhận thức rằng, cho dù là cán bộ cấp cao hay cán bộ nói chung, khi họ đã có vi phạm, khuyết điểm thì cũng bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nếu nhận thức như thế thì thấy việc một Ủy viên Bộ Chính trị, một Ủy viên Trung ương Đảng bị thi hành kỷ luật không có gì là đặc biệt.
Trong lịch sử, Đảng cũng có nhiều lần xử lý kỷ luật Ủy viên Bộ Chính trị. Trong quá trình đổi mới (năm 1986), Đảng cũng đã thi hành kỷ luật nghiêm khắc với hai trường hợp là ông Trần Xuân Bách và ông Nguyễn Hà Phan.
Các hình thức kỷ luật đã được quy định trong điều lệ Đảng như phê bình, khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Cán bộ vi phạm đến mức nào thì áp dụng hình thức kỷ luật tương xứng, điều đó không khó. Vấn đề là phải xử lý nghiêm, kịp thời, đúng các sai phạm mà cán bộ đã vi phạm. Không chỉ xử lý đúng mà còn làm sao cho họ cơ hội sửa chữa, làm việc, sửa sai, đúng như đạo lý của người Việt Nam.
PV: Như ông nói, xử lý cán bộ là điều không ai muốn nhưng thực tế cho thấy nếu giám sát, phát hiện sớm các vi phạm của cán bộ thì hậu quả sẽ không nghiêm trọng. Vậy làm sao Đảng có thể ngăn chặn, phát hiện kịp thời vi phạm của cán bộ, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi trở lại câu chuyện ở ý vừa trao đổi. Trước hết là lựa chọn cán bộ trẻ mà đúng là tốt rồi. Nhưng việc lựa chọn không thể chính xác 100% được. Cán bộ được lựa chọn nhưng vẫn vi phạm. Đó là “tai nạn nghề nghiệp” trong công tác cán bộ. Điều này là bình thường, không bao giờ tuyệt đối hóa được việc lựa chọn.
Thậm chí, thời điểm chúng ta lựa chọn họ đưa vào vị trí đó, họ là người đủ năng lực, đủ chuẩn, rất xứng đáng. Nhưng khi ở cương vị mới, họ lại lạm quyền, tư lợi, thể hiện tính kiêu ngạo, bị ham muốn vật chất chi phối.
Chính vì thế, Bác Hồ có dặn đảng viên là “ít lòng ham muốn vật chất” nếu không cưỡng lại được nó là anh sai. Lúc Đảng lựa chọn thì họ tốt nhưng khi vào vị trí cao, họ không kiềm chế được, thiếu bản lĩnh, thiếu đủ thứ nên mới bộc lộ bản chất thật con người họ ra. Việc xử lý là tất yếu.
Đúng là lẽ ra công tác kiểm tra, tổ chức Đảng ngăn chặn sớm thì cán bộ cũng không lún sâu như vậy. Công tác kiểm tra không phải chỉ là chăm chăm đi xử lý cán bộ sai phạm. Việc này cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là ngăn chặn sớm vi phạm.
Muốn ngăn chặn, tổ chức Đảng ở nơi cán bộ đó làm việc phải có tính chiến đấu, nêu cao tính Đảng, góp ý, thấy sai phải đấu tranh. Thấy sai mà tổ chức Đảng ở đó không dám đấu tranh, đương nhiên cán bộ sẽ càng lao vào con đường sai tiếp.
Tôi lấy ví dụ cụ thể như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, nếu tổ chức Đảng dám đấu tranh, Ủy ban Kiểm tra của thành ủy Đà Nẵng làm hết chức trách, kiểm soát quyền lực tốt thì có lẽ sẽ không đến nỗi ông Nguyễn Xuân Anh vừa vào T.Ư 2 năm mà đã sai phạm nghiêm trọng đến vậy.
Cuối cùng, Đảng mất cán bộ, đảng viên, bản thân ông Nguyễn Xuân Anh bị xử lý và vi phạm của cán bộ khiến người dân cũng suy nghĩ nhiều. Đây là bài học nhằm làm sao ngăn chặn sớm để ít phải xử lý cán bộ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Thơm (thực hiện)