Vừa qua, tại phiên thảo luận của các ĐBQH về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi), đã có ĐB đề xuất đấu giá biển xe, sim số đẹp. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận khi mà thời gian qua, khi câu chuyện về xe biển VIP, những chiếc sim điện thoại số "khủng" mà dư luận đồn đoán số tiền để sở hữu nó cũng… "khủng" không kém. Nhưng làm sao để việc đấu giá thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho ngân sách Nhà nước?
Bên hành lang QH, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) xung quanh vấn đề này.
Vừa qua, tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có ý kiến ĐBQH đấu giá biển xe, số điện thoại, ông đánh giá sao về đề xuất này?
Tôi thấy rằng, ý kiến của một số ĐBQH về đấu giá biển số xe và số điện thoại là một ý tưởng rất tốt, có lợi cho đất nước, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay, ngân sách của chúng ta đang bị thâm hụt. Việc này được thực hiện cũng sẽ mở đầu cho một thời kỳ mới mà rất nhiều người mong muốn như việc muốn giữ một biển xe đã gắn bó với mình.
Trên thực tế, nhiều người rất thích biển số xe của mình đi theo tên mình. Họ đã đóng tiền để mua biển số này như một sở hữu nhưng hiện nay, mỗi khi thay đổi xe thì cá nhân đó không được lưu biển xe đó cho xe mới.
Thêm nữa, nếu coi biển vip sim đẹp là tài sản để mang ra đấu giá công khai minh bạch sẽ huy động được các nguồn lực rất lớn. Việc huy động nguồn lực này không chỉ là cơ chế thị trường thông thường. Nó còn phụ thuộc vào tâm lý của người sở hữu. Ví dụ như có những người rất thích một dãy số nào đấy, nó có ý nghĩa đặc biệt với họ thì họ có thể trả một giá cao hơn bình thường rất nhiều. Rõ ràng, thị trường ở đây không phải là thị trường bình thường.
Theo ông, vấn đề khó nhất nếu thực hiện đề xuất này là gì?
Nhiều người có thể lo lắng đến những vướng mắc về mặt luật pháp nhưng cá nhân tôi thấy rằng, không có gì vướng mắc. Tuy nhiên, phải tính toán kỹ đến cơ chế tiến hành việc đấu giá này. Cần giao cho một cơ quan có trách nhiệm xây dựng một đề án thực hiện cho thật rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí công khai, minh bạch để báo cáo trình Chính phủ phê duyệt. Nếu cứ coi biển vip, sim đẹp là một tài sản công khi chuyển nhượng thành tài sản cá nhân thì nó phù hợp với quy tắc của thị trường, của luật dân sự.
Thực tế, việc đấu giá tài sản diễn ra thời gian vừa qua có hiện tượng ép giá, “quân xanh, quân đỏ”. Đặc biệt, đây lại là các loại tài sản khá đặc biệt. Theo ông làm sao để thực hiện hiệu quả?
Để đấu giá đạt hiệu quả, tôi nghĩ rằng cần thiết thành lập một hội đồng đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, cần có cơ chế rõ ràng trên cơ sở một đề án chi tiết được Chính phủ phê duyệt. Không thể mua bán theo kiểu thông thường vì sẽ dễ dẫn đến việc ép giá, dìm giá, lợi dụng việc mua bán để tạo ra những “sân sau” và kiếm chác tư lợi cá nhân. Do đó, cần phải làm nghiêm túc giống như đấu giá tài sản của Nhà nước, thậm chí có thể đưa vào tài sản đặc biệt.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm – Dương Thu