Sở hữu khuôn mặt đẹp tựa trăng rằm với nước da trắng như tuyết, đôi mắt biết cười, mái tóc xoăn tự nhiên và lối diễn xuất hút hồn... Nicole Kidman đã làm say lòng hàng triệu trái tim yêu điện ảnh trên toàn thế giới. Dù đã bước sang tuổi 45 và là mẹ của 4 người con nhưng “thiên nga nước Úc” vẫn là biểu tượng sắc đẹp vượt thời gian của kinh đô điện ảnh thế giới. Gần 30 năm theo nghiệp diễn, thành tựu của nữ diễn viên huyền thoại Hollywood thật đáng ghi nhận với 3 giải “Quả cầu vàng”, nhiều lần lọt tốp “50 người đẹp nhất thế giới” của tạp chí People, diễn viên Úc đầu tiên nhận được Oscar với hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất... Tuy vậy, cuộc sống và tình yêu của người đẹp tóc vàng này vẫn trải qua không ít thăng trầm.
Nicole Kidman cất tiếng khóc chào đời ngày 20/6/1967 ở Honolulu, thủ phủ của “đảo quốc thần tiên” Hawaii (tiểu bang của Hoa Kỳ). Tuy sinh ra ở “xứ sở của những giấc mơ” nhưng cô lại là người mang dòng máu Úc tài hoa, lãng mạn. Bố Nicole là Antony David Kidman, một nhà hóa sinh và bác sỹ vật lý trị liệu ở Lane Cove, Sydney. Còn mẹ cô, bà Janelle Ann MacNeille Kidman là một nữ y tá đồng thời là trợ lí kiêm biên tập viên cho các cuốn sách của chồng mình. Khi Nicole được bốn tuổi, gia đình chuyển về Úc để cha cô có thể giảng dạy tại trường Đại học Công nghệ Sydney.
Nicole Kidman là một trong số ít những diễn viên khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Cha mẹ cô là những người hoàn toàn không liên quan gì đến nghệ thuật. Thuở thiếu thời, bố cô thậm chí còn cấm đoán không cho con gái theo môn nghệ thuật thứ bảy. Tình yêu sân khấu, điện ảnh tự đến với “thiên nga nước Úc” như một định mệnh. Cô gái mảnh dẻ và cao ráo với khuôn mặt búp bê, mái tóc ánh kim xoăn tự nhiên luôn thích nhảy, hát và làm điệu. Bất kỳ nơi đâu, cô cũng là trung tâm của sự chú ý với vẻ đẹp thánh thiện và hút hồn của mình.
Ngay từ khi còn trẻ, vẻ đẹp hút hồn của cô đã khiến nhiều chàng trai say như điếu đổ. Không ít anh chàng “trồng cây si”, nguyện nâng khăn sửa áo cho nàng “thiên nga” nhưng đều bị cô khước từ. Nicole từng ao ước sẽ trở thành diễn viên, và không ngừng hoàn thiện bản thân để hiện thực hóa giấc mơ đó.
Trước đó, sau khi cùng cha mẹ trở về Sydney, Nicole đã thuyết phục mẹ cho học múa ballet. Một vài năm sau cô bé đã có cơ hội được bước lên sân khấu lần đầu tiên tại trường tiểu học. Kể từ đó, cô bé bắt đầu mê mẩn sân khấu. Giờ nghỉ, trong khi bạn bè đổ ra sân chơi đuổi nhau thì cô bé Kidman trốn trong lớp học và tự mình xây dựng những vở kịch mà cô là diễn viên cho mọi vai. Tuy nhiên, với Nicole, gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Còn nhớ, thuở cắp sách, Nicole xuất hiện thường xuyên trên các phim trường hơn là trong trường học. Nhưng khi mẹ bị bệnh ung thư vú, cô bé gần như đã từ bỏ cả công việc lẫn học hành, tham gia vào các khóa học mát-xa để giúp mẹ hồi phục sau điều trị. Cô bé hơn 10 tuổi đã gánh vác gần như toàn bộ các việc trong nhà do cha bận giảng dạy và em gái còn quá nhỏ.
Và rồi, thành công đã đến với búp bê Nicole khi cô được nhận vào Nhà hát Tuổi trẻ Úc, sau đó đến nhà hát Philip Street. 15 tuổi, Nicole lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình, trong một video âm nhạc của ca sĩ Pat Wilson Bop, sau đó là trong serie “Creek five miles”. Cũng từ đây, nàng công chúa kiều diễm bước chân vào vương quốc của nghệ thuật thứ 7. S
au thời gian đóng phim không mệt mỏi, phần thưởng ngọt ngào nhất đã đến với nữ diễn viên tài sắc Nicole Kidman khi cô đạt giải Oscar lần đầu tiên năm 2003. “Thiên thần điện ảnh” đã hóa thân thành nhà văn Virginia Woolf trong “The Hours” với chiếc mũi giả xấu xí và hút thuốc như điếu cày. Vai diễn này đã khiến khán giả không còn nhận ra một nàng công chúa kiều diễm thường ngày mà chỉ còn một nhà văn xấu xí, bê tha. Cũng chính sự phá cách này đã rinh về cho Nicole một giải Oscar, một giải BAFTA, một Quả cầu vàng cùng nhiều giải thưởng khác.
“Tại sao các bạn lại tới dự một lễ Oscar trong khi thế giới này đang lộn tùng phèo? Đó là bởi nghệ thuật rất quan trọng. Bởi bạn tin vào những gì mình đang làm và và bạn muốn vinh danh nó, và đó là một truyền thống cần được giữ gìn” (Ngôi sao của “Vũ khí sinh học” nhấn mạnh về tầm quan trọng của nghệ thuật thứ bảy). |
Anh Văn