Khi thịt, trứng gia cầm được gắn tem
Theo đó, sở Công Thương TP.HCM sẽ thí điểm gắn tem truy xuất nguồn gốc tại 1.749 điểm bán, bao gồm hệ thống các siêu thị, các chợ, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, các điểm bán hàng của doanh nghiệp... bán thịt gà, trứng gà và vịt.
Theo thống kê, tại TP.HCM, hiện nay, có 35 trang trại gà giống; 431 trang trại gà lấy thịt; 61 trang trại gà, vịt lấy trứng (sản lượng gần 80.000.000 quả/tháng); 17 cơ sở giết mổ đóng gói thịt gia cầm (sản lượng hơn 6.300.000 con /tháng); 9 cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm (sản lượng gần 75 triệu quả/ngày) đã đăng ký tham gia đề án Truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm.
Người tiêu dùng có thể dùng chương trình quét mã QR code bất kỳ như ứng dụng quét QR code của Zalo, điện toán đám mây, tem truy xuất và hệ thống phần mềm quản lý... để nhận diện, truy xuất nguồn gốc, quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm, từ con giống, thức ăn cho đến quy trình chăn nuôi, tiêm phòng, xử lý, đóng gói.
Nếu cài đặt chương trình TE-FOOD, ngoài các thông tin trên, còn có thể biết thêm địa chỉ mua trứng sạch. Trường hợp, trứng không rõ nguồn gốc sẽ nhận được thông tin cảnh báo về mức độ không an toàn.
Chị Nguyễn Thị Diễm Châu (46 tuổi, đại lý nhập trứng tại chợ Bình Điền, quận 8, TP.HCM) cho biết: “Việc dán tem có mã vạch để truy xuất nguồn gốc của thịt, trứng gia cầm sẽ giúp người tiêu dùng an tâm hơn. Thường ngày, người mua hàng đắn đo không biết trứng, thịt gia cầm có an toàn không? Nguồn gốc ở đâu? Vì thế, nếu có tem nhận diện sẽ giúp các tiểu thương cũng như người tiêu dùng nắm được nguồn gốc thịt, trứng sạch. Từ đó, biết chọn mua thực phẩm sạch, tẩy chay thực phẩm bẩn”.
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại tính hiệu quả của đề án. Bởi, trước đó, sở Công Thương TP.HCM đã gắn vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo. Sau 7 tháng thực hiện, TP chỉ truy xuất được khoảng 35% nguồn gốc thịt heo, 65% còn lại vẫn là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đó là chưa tính đến số lượng vòng nhận diện heo bị làm giả, mang tính chất đối phó, các cơ sở chăn nuôi không hợp tác, hay một số thương lái lợi dụng chờ cho cơ quan chức năng gắn tem truy xuất xong mới vi phạm.
Vẫn không chắc là thực phẩm sạch
Vừa rồi, tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM), cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn con heo bị tiêm thuốc an thần đang chờ lên bàn mổ. Trong đó, phần lớn số heo này đều được đeo vòng truy xuất, nhận diện nguồn gốc. Như vậy, dù được đeo vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với các loại gia cầm như gà, vịt không bị tiêm thuốc an thần như thịt heo nhưng sẽ bị một số cơ sở lợi dụng, sử dụng chất vàng ô (bột sắt), đánh lừa người tiêu dùng. Chính điều này khiến dư luận băn khoăn, liệu truy xuất được nguồn gốc thịt, trứng gia cầm có đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trao đổi với PV, chị Hoàng Thu Trang (37 tuổi, tiểu thương bán gà, vịt tại chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM) ái ngại: “Ban đầu, khi nghe các cán bộ chức năng tuyên truyền về đề án ai cũng nhất trí tham gia. Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện lại xuất hiện nhiều vấn đề. Chúng tôi vấp phải khó khăn từ khâu lấy tem truy xuất, hệ thống phần mềm đến nhập thông tin dữ liệu,...
Ngoài ra, nhiều thương lái còn lợi dụng thịt được gắn tem nhận diện để tiêm các chất gây hại nhằm trục lợi. Vì vậy, mong cơ quan chức năng tìm ra những giải pháp giúp cho việc truy xuất nhận diện nguồn gốc thịt, trứng các loại gia cầm, vật nuôi đạt hiệu quả hơn”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM cho biết: “Việc truy xuất nguồn gốc thịt gà, vịt có nhiều điểm mới so với thịt heo. Đây là một quá trình truy xuất toàn diện trong cả giai đoạn chăn nuôi lẫn lưu thông của gia cầm. Với thịt heo, việc truy xuất nguồn gốc mới chỉ được thực hiện ở giai đoạn từ trang trại tới bàn ăn. Tức là chỉ biết được con heo đó được nuôi tại cơ sở nào, giết mổ ở đâu, bán sỉ, bán lẻ tại chợ nào. Còn việc truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm lại được thực hiện từ khâu con giống. Người tiêu dùng có thông tin sản phẩm thịt gà, vịt và trứng khi mới một ngày tuổi”.
“Với thịt heo, khi nào người tiêu dùng mua mới được người bán lẻ cắt theo yêu cầu và lúc đó mới có tem truy xuất. Còn thịt gà, vịt, trứng sẽ được dán tem truy xuất vào sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông. Ngoài ra, quá trình nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm còn kết nối chặt chẽ giữa 3 chủ thể là nhà máy ấp trứng, trang trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ. Trong đó, các cơ sở ký hợp đồng, nhận hàng, giao dịch trực tiếp mà không xuất hiện khâu trung gian.
Vì thế, việc kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được đảm bảo. Mọi quy trình đều được khép kín, không có nhiều khâu sơ hở để các thương lái lợi dụng. So với thịt heo, việc truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm thuận lợi, đơn giản hơn”, ông Hòa cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đưa ra ý kiến. Ông cho biết: “Để quá trình truy xuất nguồn gốc cũng như đảm bảo được an toàn thực phẩm cần có sự hợp tác đầu tiên từ người chăn nuôi. Nguồn thực phẩm thịt, trứng trên địa bàn TP.HCM chủ yếu được lấy từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bến Tre, Tiền Giang,...
Vì thế, nếu không có sự hợp tác từ các cơ sở chăn nuôi ở các tỉnh thì TP.HCM dù tài giỏi bao nhiêu cũng không thể thực hiện được. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng địa phương cần giám sát chặt chẽ. Phía người tiêu dùng, cần tẩy chay những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, lợi dụng việc dán tem truy xuất nguồn gốc để trục lợi”.
Khó nhưng vẫn phải thực hiện Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin để nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt, trứng của gia cầm, vật nuôi thông qua mã vạch đã được UBND TP.HCM đồng ý triển khai. Cũng giống như đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc thịt heo đợt trước, việc truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm rất khó. Tuy nhiên, TP vẫn quyết tâm thực hiện bằng được. Bởi, việc truy xuất nguồn gốc được xem là biện pháp cơ bản đầu tiên để đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với xu hướng chung của thế giới”. |