Tiếp tục bài phỏng vấn của ký giả Simon Alev - tờ báo "Giác ngộ là gì" (What is Enlightenment) của Hoa Kỳ với nhà sư Bhante Gunaratana về chủ đề Phật giáo và tình dục.
Simon Alev: Theo ý nghĩa những lời giảng của Đức Phật về vấn đề tình dục thì có phải đó là một thứ gì mang tính cách tiêu cực một cách nội tại?
Bhante Guanaratana: Đức Phật giảng rằng khi nào còn tự trói mình trong những hành động tình dục thì khi đó người ta vẫn chưa có thể nào chú tâm vào việc tu tập tâm linh một cách hiệu quả; nói một cách đơn giản hơn là tình dục và tu tập không thể nào đi đôi với nhau.
Tuy nhiên khi Đức Phật thuyết giảng về con đường thăng tiến tuần tự đưa đến giác ngộ thì đồng thời Ngài cũng giảng rằng những giác cảm liên quan đến tình dục và sự thèm muốn cũng hàm chứa sự thích thú trong đó. Ngài không phủ nhận sự thích thú. Tuy nhiên bạn có đủ sức hiểu được là chính cái thích thú ấy về sau sẽ biến thành khổ đau hay không? Khi cơn sốt của thèm muốn tình dục lúc ban đầu dần dần hạ xuống thì cãi vã sẽ phát sinh.
Bởi vì thèm khát tình dục sẽ làm phát sinh sự ham muốn quá độ, lo sợ, ghen tuông, hận thù, hoang mang và những cảnh ẩu đả lẫn nhau; tất cả những thứ tiêu cực ấy đều phát sinh từ sự thèm khát tình dục.
Theo nhà sư Bhante Gunaratana, lo sợ, ghen tuông, hận thù, hoang mang và những cảnh ẩu đả lẫn nhau đề xuất phát từ tình dục.
Nếu thật sự muốn nhận thấy được sự thật ấy thì cũng chẳng cần phải nhìn đâu cho xa, cứ nhìn thẳng vào xã hội mà chúng ta đang sống. Chỉ cần mở mắt thật to để nhìn chung quanh. Đã có không biết bao nhiêu triệu người từng đấm đá nhau chỉ vì nguyên nhân thèm muốn tình dục – nào chồng, nào vợ, nào bạn trai, bạn gái, bạn gái rồi lại bạn trai. Dù cho bạn thuộc vào loại người mang tính dục khác giới, hoặc đồng tính luyến ái hay lưỡng tính thì cũng chẳng quan hệ gì nhiều, vì tất cả rồi cũng sẽ hỗn chiến với nhau. Khi nào bạn vẫn còn vướng mắc trong những thèm khát ấy thì không thể nào tránh khỏi – cãi vã, thất vọng, giận dữ, hận thù, sát nhân – tất cả sẽ lôi kéo nhau mà sinh ra.
Vì thế khi Đức Phật nhìn thấy những khó khăn đi kèm với tình dục thì Ngài dạy chúng ta tốt hơn hết nên kiểm soát và khắc phục các giác quan để tìm lấy một cuộc sống thanh thản và an bình.
Tuy nhiên cần phải thực hiện từ từ, thật chậm, việc đó phải đi đôi với sự suy xét, nhất là không được đột ngột. Chuyện đó không thể gò ép được. Cần phải thực hiện với sự hiểu biết chín chắn. Nếu không hiểu được điều này mà cứ muốn ngưng ngay một cách đột ngột thì sẽ càng cảm thấy thiếu thốn và lo sợ nhiều hơn và từ đó sẽ phát sinh thêm những khó khăn khác nữa. Vì thế trong những lời giáo huấn liên quan đến cách tu tập tuần tự, Đức Phật giảng rằng lúc ban đầu tuy rằng có sự thích thú trong các sinh hoạt tình dục, nhưng sau đó sẽ sinh ra những điều bất ổn, và tiếp theo là mọi thứ khó khăn. Chỉ khi nào nhận ra được sự thật đó thì lúc ấy ta mới ý thức được những khó khăn và những gì tiêu cực đi đôi với tình dục – chúng là một thể dạng nội tại của dục tính. Các rối loạn và khó khăn ấy đều mang tính cách tự tại trong sự thèm khát tình dục.
Simon Alev: Nhất là trong thời đại chúng ta, điều ấy quả thật là hết sức căn bản.
Bhante Gunaratana: Quả đúng như thế. Tuy nhiên chỉ khi nào người ta tránh xa được những thứ ấy, xa lánh được những bài học ấy và đã đi xa hàng triệu cây số, vượt qua thời gian và không gian thì khi đó họ mới thật sự ý thức được điều ấy là căn bản – khi mà họ quay nhìn lại phía sau để nhìn thấy căn nguyên của khổ đau. Khi họ đã quay lưng ra đi từ lâu, xa lánh qua không gian và thời gian và bất chợt khi quay nhìn lại phía sau họ mới có thể thốt lên : « Hú vía ! giờ đây làm thế nào mình còn dám quay đầu lại với những thứ ấy nữa ? Mình đã đi quá xa rồi, đã dấn thân quá sâu rồi ». Khi đó thì chuyện ấy mới trở thành một vấn đề căn bản đối với họ. Nhất định đấy là một vấn đề căn bản !
Simon Alev: Trong khi ngài đang nói thì tôi lại bất chợt nghĩ đến sự kiện ngài đề cập quá ít về những thích thú tình dục, và ngược lại thì ngài lại trình bày quá nhiều về những khía cạnh bất lợi, nhiều người...
Bhante Gunaratana: Vâng. Chỉ vì một chút thích thú, nhưng đã mang lại quá nhiều khổ đau, có đúng thế hay chăng?
Nhà sư nổi tiếng Bhante Gunaratana
Simon Alev: Quả là như thế.
Bhante Gunaratana: Bạn có lý. Người ta không chịu suy nghĩ. Họ chỉ muốn nghe những lời hợp ý với mình. Ngược lại thì chúng ta lại không muốn nói lên những lời mà họ thích nghe ! Dù cho người nghe có thích hay không thích, thì chúng ta vẫn cứ nói lên sự thật. Chúng ta không nên sợ hãi khi nói thật. Dù cho thiên hạ có chấp nhận hay không... Thôi vậy, dù sao thì đấy cũng là một vấn đề khác rồi. Chúng ta không thể làm gì khác hơn được.
Simon Alev : Khi chúng tôi tra cứu để cố trích dẫn một vài lời giáo huấn liên quan đến cảm nghĩ của Đức Phật về vấn đề tình dục, thì bất ngờ chúng tôi lại tìm thấy một đoạn văn như sau: "Này, đừng có dại dột, (những ai đã từ bỏ gia đình), thà rằng đưa dương vật vào miệng một con rắn độc hay một con rắn hổ mang kinh tởm có lẽ còn tốt hơn là đưa nó vào một người đàn bà. Tốt hơn là đưa dương vật vào một lò nung đầy than hồng nóng bỏng, còn hơn là đưa nó vào một người đàn bà. Tại sao lại như thế ?
Trong cả hai trường hợp, có thể ta sẽ chết vì nọc độc hoặc vì đớn đau của lửa bỏng, nhưng sau khi chết và thân xác đã tan rã thì ta sẽ không còn quay lại với cái thế giới khốn khổ để mang thêm một số kiếp bất hạnh trong cảnh sa đọa và địa ngục này". (Trích dịch từ một tấm bưu thiếp của Thái Lan vào đầu thế kỷ thứ XX với tựa đề là : Địa ngục của những người có hành vi tình dục không lành mạnh).
Tôi nghĩ rằng đoạn văn trên đây phản ảnh khá minh bạch về những cảm nghĩ của Đức Phật liên quan đến tình dục. Tuy nhiên như ngài đã biết, ngày nay trong thế giới phương Tây có rất nhiều xu hướng khác nhau liên quan đến phần giáo lý cũng như các phương pháp tu tập Phật giáo, và hình như một số người Tây phương tu tập Phật giáo cũng bất đồng chính kiến giữa họ với nhau về quan điểm do Đức Phật chủ trương liên quan đến vấn đề ham muốn tình dục – và theo như ngài đã trình bày trên đây thì sự ham muốn ấy là sự biểu lộ của tham lam vô độ – cần phải vượt lên trên mới có thể đạt được Giác ngộ. Ngược lại, trong bối cảnh tự do của các xã hội Tây phương ngày nay, nhiều người có khuynh hướng nghĩ rằng tình dục là một cách biểu lộ lành mạnh và tự nhiên của con người – không những chỉ trong lãnh vực con người mà thôi mà có thể cả trong lãnh vực tâm linh nữa. Vậy ngài nghĩ như thế nào về những lời của Đức Phật về việc này?
Bhante Gunaratana: Trước khi chuyển sang đề tài khác, tôi muốn lưu ý vài lời về đoạn văn vừa trích dẫn trên đây. Bạn cũng hiểu là Đức Phật có nói đến vấn đề tình dục, tuy nhiên Ngài không phải chỉ đề cập đến sự trinh bạch của người đàn ông, mà cả của người phụ nữ nữa. Vậy trong trường hợp khi Ngài nói rằng thà nuốt một viên sắt nung đỏ còn hơn là dính líu vào những hành vi tình dục, thì phải hiểu rằng câu nói đó muốn nhắc nhở cả người phụ nữ nữa. Chúng ta cần phải xác định thật minh bạch về điểm này, nếu không sẽ làm cho người phụ nữ phật lòng nhiều lắm đấy. Họ sẽ nghĩ lầm là Đức Phật thù ghét người phụ nữ và muốn cho người đàn ông phải giữ gìn trinh bạch bằng cách lánh xa họ. Một người phụ nữ muốn giữ sự trinh bạch cũng phải lánh xa người đàn ông. Đấy là điểm mà tôi muốn làm sáng tỏ trước nhất.
Điểm thứ hai liên quan đến việc thành lập gia đình, có vợ, có con, vân vân và vân vân thì Đức Phật không hề cấm đoán ; đời sống tình dục mang lại hạnh phúc trong gia đình của những người thế tục là một điều chính đáng, dù rằng điều đó, như tôi đã nói, không thể nào đưa đến Giác ngộ toàn vẹn được.
Để trả lời cho câu hỏi của bạn, không phải chỉ riêng trong các xã hội ngày nay mà cả trong thời đại Đức Phật còn tại thế, nhiều người đã từng tin rằng tình dục là một thứ gì rất thánh thiện, cao cả, thiêng liêng và mầu nhiệm. Vì thế sự kiện vừa được nêu lên trên đây không phải là một hiện tượng cá biệt của những xã hội tân tiến trong thế kỷ hai mươi. Tâm tính con người không thay đổi từ muôn thuở cho đến ngày nay, và trong tương lai cũng vẫn sẽ là như thế. Luôn luôn vẫn có người nghĩ rằng họ sẽ có thể tự giải thoát bằng tình dục, và đấy là những gì mà tôi gọi là một sự nhận thức méo mó, những ý nghĩ méo mó.
Đón đọc kỳ tới: Càng lệ thuộc sex, càng trở nên ghen tuông khốc liệt
> Kỳ trước: Tình dục là nguyên nhân của mọi khổ đau
Ký giả Simon Alev
Báo "Giác ngộ là gì" của Hoa Kỳ