"Nở rộ" sân chơi thời trang đa sắc
Để ngành thời trang trong nước ngày một khởi sắc và phát triển, vấn đề nguồn nhân lực là điều vô cùng quan trọng. Hiện nay, nơi cung cấp các NTK trẻ đều xuất phát từ một số trường đào tạo chuyên nghiệp ngành thiết kế thời trang ở Hà Nội và TP.HCM. Một "kênh" khác nữa là từ các cuộc thi thiết kế thời trang. Có thể nói, sự xuất hiện liên tục của các cuộc thi này đã tạo ra cơ hội cho những người trẻ rèn dũa tư duy, thể hiện khả năng sáng tạo và đồng thời giúp cho nền thời trang Việt có thêm các NTK trẻ tài năng.
Một trong những sân chơi uy tín của thời trang Việt là cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix (VCGP) được tổ chức đầu tiên vào năm 1999, từ sự khởi xướng của NTK Minh Hạnh và viện Mẫu Fadin. Cuộc thi được công chúng quan tâm và đón nhận nồng nhiệt, thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên đang theo học ngành thời trang, mỹ thuật và các nhà thiết kế trẻ. Trải qua 11 năm tồn tại, VCGP được xem là nơi tìm kiếm tài năng và tạo nguồn lực cho ngành công nghiệp thời trang nội. Trong số các nhà thiết kế được phát hiện từ VCGP, có nhiều người đã trưởng thành, có thương hiệu riêng và nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty dệt may lớn của Việt Nam như Lê Thanh Phương, Nguyễn Công Trí, Phan Văn Tân, Nguyễn Quốc Bình, Nguyên Sa...
Ngôi sao thiết kế Việt Nam khởi động ngay sau khi cuộc thi Project Runway Vietnam (Nhà thiết kế thời trang Việt Nam) kết thúc.
Nếu như VCGP là một cuộc thi thiết kế thời trang thuần Việt thì mấy năm trở lại đây, sự đổ bộ của làn sóng truyền hình thực tế đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều cuộc thi có format từ nước ngoài, đề cao tính giải trí trên truyền hình. Chỉ riêng trong năm 2013, đã có 2 cuộc thi đình đám nhất của thời trang quốc tế được tổ chức tại Việt Nam là: Nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Project Runaway Vietnam) và Ngôi sao thiết kế thời trang (phiên bản của chương trình Fashion Star).
Khác với VCGP từ tiêu chí cho đến nội dung, Project Runway là một sân chơi hoàn toàn mới cho các NTK trẻ. Thành phần ban giám khảo không phải là những cây đa, cây đề như VCGP mà là những tên tuổi "hot" trên sàn diễn và thị trường thời trang. Thí sinh của Project Runway Việt Nam đều phải là những người đã "có nghề" mới có hy vọng qua được vòng sơ khảo. Project Runway Việt Nam mùa giải đầu tiên được tổ chức khá thành công đã tạo niềm tin cho các đơn vị tổ chức vào sức hút của những cuộc thi tập trung vào tính chuyên môn cao, không nhiều chiêu trò nhưng vẫn hấp dẫn khán giả.
Project Runway vừa kết thúc thì không lâu sau, Ngôi sao thiết kế thời trang lại rục rịch được chuẩn bị. Điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của chương trình là các mẫu thiết kế của thí sinh được đấu giá ngay trên sân khấu bởi 3 nhà đầu tư là đại diện của 3 thương hiệu thời trang uy tín. Các bộ sưu tập được đánh giá cao sẽ được sản xuất ra thị trường và người xem sẽ có cơ hội để mua những bộ trang phục mình yêu thích.
Nhận định về điều này NTK Hà Nhật Tiến chia sẻ: "Các cuộc thi thiết kế là môi trường tốt cho các bạn yêu thích thiết kế chứng minh tài năng và thể nghiệm của mình. Đây cũng là bệ phóng quan trọng cho những NTK trẻ nhưng bước ra từ cuộc thi, họ phải luôn trau dồi, dung hoà mọi thứ để khẳng định mình. Và, không cứ gì qua các cuộc thi, nhiều nhà NTK trẻ vẫn mày mò, tự học hỏi, tự làm mọi thứ và vẫn được công nhận. NTK phải luôn cố gắng không ngừng để khẳng định phong cách riêng của mình".
Sau khi đoạt giải là... tắt lịm
Sự nở rộ của các cuộc thi thiết kế thời trang giúp cho lực lượng các NTK trẻ tài năng ngày một đông đảo hơn, góp phần làm sáng hơn cho bức tranh thời trang Việt. Nhưng xét ở góc độ thị trường thì thời trang Việt lại thực sự chưa có bước phát triển đáng kể.
Nói về vấn đề này, NTK Thuận Việt thẳng thắn bày tỏ: "Chúng ta luôn tự hào về một ngành thời trang Việt Nam đang phát triển khi chỉ dựa trên số lượng nhà thiết kế và người mẫu. Thế nhưng, đó cũng chỉ là một sự phát triển không bền vững. Thật ra chúng ta cũng chỉ trong giai đoạn bắt đầu mà thôi. Ngành thời trang chỉ phát triển bền vững khi chúng ta có một ngành dệt may chuyên nghiệp tạo ra những chất liệu tuyệt vời cho những mẫu sáng tạo. Chúng ta cũng cần có một nền giáo dục về công nghiệp thời trang hoàn chỉnh và đồng bộ, cần có một đội ngũ tổ chức thực hiện chuyên nghiệp của các show biểu diễn, giới thiệu thời trang chuyên nghiệp để các chương trình biểu diễn thời trang mang đúng tính chất của nó chứ không chỉ là những tiết mục biểu diễn giải trí".
Thực tế cho thấy, thị trường thời trang Việt kém phát triển là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do bản thân nội tại ngành thời trang còn tồn tại quá nhiều rào cản: Không có chính sách bảo hộ thương hiệu thời trang, đặt các doanh nghiệp thời trang Việt vào thế bí ngay trên sân nhà; vấn đề đào tạo; vấn đề bảo hộ bản quyền thiết kế...
"Đào tạo chuyên ngành thời trang ở ta chưa bài bản, chưa đi sâu và có lớp lang thực sự. Nhiều NTK trẻ không được đào tạo, chỉ gắn bó với thời trang do sự yêu thích và lòng đam mê nên tự tìm tòi, học hỏi. Thêm vào đó, một vấn đề đáng báo động là về bản quyền thiết kế. Trên thế giới, thời trang luôn phát triển và có những ý tưởng trùng nhau thật nhưng trùng đến 70 - 80% thì là copy ý tưởng. Rất nhiều NTK gặp phải tình trạng mẫu thiết kế của mình vô duyên, vô cớ xuất hiện ngay trên các cửa hàng thời trang hay các tiệm may mà không hề hay biết", NTK Hà Nhật Tiến chia sẻ.
Có một nghịch lý dễ thấy, không chỉ các NTK trẻ ra trường với tấm bằng đỏ vẫn gặp vô vàn khó khăn khi gắn bó với nghề mà ngay kể cả những NTK đã đoạt giải cũng gặp nhiều rủi ro không kém: NTK Hoàng Mạnh Hà, Quán quân Project 2013 từng thất bại khi mở nhãn hiệu riêng, hay NTK Trương Thanh Long từng mở rồi đóng cửa thương hiệu thời trang riêng không dưới 3 lần. Điều này cho thấy, để khẳng định mình và đạt được thành công khi thành lập một nhãn hiệu thời trang riêng, các NTK phải vượt qua rất nhiều chông gai.
Nhìn ở một góc độ khác, NTK Hà Việt Tiến cho rằng: "Ngoài khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính, NTK còn phải biết dung hoà cái tôi của mình. Bản thân mỗi NTK là một nghệ sĩ, cái tôi của họ rất lớn. Khi đã mở một thương hiệu riêng thì phải tiết chế cái tôi đó đi, không thể cứ giữ quan niệm của mình vì kinh doanh phải có khách hàng, sản phẩm làm ra không ai mua là thất bại. NTK phải biết dung hoà sự sáng tạo của mình và mục đích kinh doanh bởi họ không mua thứ mà mình thích, họ mua thứ mà họ cần". Chia sẻ của NTK Hà Nhật Tiến cũng giống như bày tỏ của bà Nguyễn Thị Thu Sương, người sáng lập thương hiệu thời trang Chuồn Chuồn Ớt mới đây: "Các nhà thiết kế ở ta dường như quên rằng, một thiết kế tuyệt vời là một thiết kế bán chạy".
Những rào cản đó cho thấy để Việt Nam vươn tới giấc mơ có một nền công nghiệp thời trang phát triển vẫn là một con đường dài và lắm chông gai.
Cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển "Thời hiện đại, khi cuộc sống nâng cao hơn, con người có nhu cầu ăn ngon mặc đẹp. Cách nhìn thời trang của họ cũng mới mẻ hơn, phóng khoáng hơn, không bị bó buộc và đóng khung như các thế hệ trước. Điều đó thể hiện rõ ràng ở mảng thời trang ứng dụng, khi cách nhìn, cách suy nghĩ, cách nhận biết của NTK lẫn người tiêu dùng đều khác đi rất nhiều: Khách hàng có gu chọn đồ tinh tế hơn, đa dạng hơn khiến các NTK phải sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của họ. Sự đông đảo của lực lượng các NTK cũng tạo ra sự cạnh tranh và giúp nền thời trang phát triển theo hướng tích cực hơn", NTK Hà Việt Tiến chia sẻ. |
Thanh Loan